Nhận diện 4 ‘điểm mù’ của nhà lãnh đạo, và cách khắc phục

Nếu không lãnh đạo bản thân hiệu quả, bạn sẽ gặp khó khăn với tất cả những lĩnh vực khác. Khả năng tự lãnh đạo phải được ưu tiên trước.

 

Giáo sư John C.Maxwell – tác giả cuốn Hỏi đáp về lãnh đạo

“Điểm mù” là một thuật ngữ được dùng khi nói về sự an toàn trong lái xe. Theo đó, vùng mù là vùng không gian bên ngoài xe bị che khuất và không nằm trong trường nhìn của người điều khiển. Nói cách khác, người điều khiển không thể nào quan sát được điểm mù thông qua gương chiếu hậu lẫn nhìn trực tiếp.

Theo nghĩa không thể nhìn thấy, trong nhiều lĩnh vực và trường hợp, từ “điểm mù” được sử dụng để chỉ những điều mà người ta không hoặc không tự nhận biết được.

Khi bàn về năng lực của người lãnh đạo, Giáo sư John C.Maxwell – một chuyên gia hàng đầu thế giới về lãnh đạo, đã giảng dạy các kiến thức về lãnh đạo cho 500 tập đoàn lớn nhất nước Mỹ – nói rằng, có một số hành vi sẽ ngăn cản một người trở thành nhà lãnh đạo giỏi, hoặc ít nhất là một nhà lãnh đạo có uy tín. Ông gọi đó là những “điểm mù” của nhà lãnh đạo.

Trong cuốn What Successfull People Know About Leadership (bản tiếng Việt của Thái Hà Books có tựa là Hỏi đáp về lãnh đạo), Giáo sư đã phân tích những điểm mù này, đồng thời đưa ra những gợi ý về cách khắc phục, giúp một người có thể thành công trong việc tự lãnh đạo bản thân – tiền đề cho thành công khi lãnh đạo những người khác và tổ chức.

Nội dung dưới đây được trích trong cuốn Hỏi đáp về lãnh đạo:

 

Nếu không lãnh đạo bản thân hiệu quả, bạn sẽ gặp khó khăn với tất cả những lĩnh vực khác. Khả năng tự lãnh đạo phải được ưu tiên trước. Nó là cơ sở để tất cả những loại hình lãnh đạo khác có thể thành công. Đó là nơi uy tín cá nhân được xác lập.

Lãnh đạo bản thân luôn khó khăn hơn lãnh đạo người khác. Một trong những nguyên nhân là do chúng ta có những “điểm mù” ngăn cản chúng ta nhận ra những vấn đề hay nhược điểm của mình. Để lãnh đạo bản thân thành công, bạn phải nhận diện được những điểm mù của chính mình, và xử lý chúng một cách hiệu quả.

4 điểm mù phổ biến và nghiêm trọng nhất:

1/ Góc nhìn cá nhân

Có một góc nhìn quá cá nhân có thể là vấn đề với bạn nếu…

- Bất kể cuộc trò chuyện bắt đầu thế nào, bạn cũng chỉ nói về chủ đề yêu thích của bạn.

- Bạn liên tục nói cùng một bài nói, bài giảng, hay một lời khuyên nhiều lần.

- Bạn luôn đúng. Thậm chí không ai đúng – trong bất kỳ chủ đề nào.

2/ Sự bất an

Những nhà lãnh đạo bất an luôn nghĩ về bản thân mình trước. Họ lo lắng về những gì người khác nghĩ về họ. Họ lo sợ bản thân trông yếu đuối hay kém quan trọng. Vì cảm thấy nhỏ bé hơn, họ tìm cách khẳng định bản thân nhiều hơn. Việc thừa nhận thành tích của những người khác khiến họ cảm thấy mình nhỏ bé. Những lãnh đạo bất an sẽ kìm hãm sự phát triển của nhân viên và tổ chức.

Làm thế nào bạn biết mình đang gặp vấn đề với sự bất an? Hãy trả lời những câu hỏi sau đây:

- Bạn có cảm thấy mình cần công trạng hay gặp khó khăn khi phải thừa nhận công trạng của những người khác?

- Bạn có giữ bí mật thông tin với nhân viên để bảo vệ bản thân mình không?

- Bạn có cố gắng giữ nhân viên tránh xa những lãnh đạo tốt vì sợ sẽ bị mất họ hay không?

- Bạn có cảm thấy bị đe dọa trước sự tiến bộ của người khác không?

- Bạn có thường quản lý theo kiểu tiểu tiết hay cảm thấy mình xứng đáng nhận công trạng từ những thành tựu mà nhóm đạt được hay không?

3/ Cái tôi nằm ngoài tầm kiểm soát

Những nhà lãnh đạo có cái tôi lớn tin rằng họ biết tất cả mọi thứ. Họ tin rằng những người khác đều thua kém họ. Và họ thường cho rằng các nguyên tắc không thể áp dụng lên bản thân họ. Họ ít khi liên hệ thân thiết với nhân viên lẫn khách hàng. Họ đổ lỗi khi mọi chuyện không diễn biến thuận lợi.

Một vài dấu hiệu cảnh báo rằng bạn có thể trở thành một nhà lãnh đạo có cái tôi quá lớn:

- Bạn có nghĩ rằng không ai có thể thay thế hay làm công việc tốt hơn bạn?

- Bạn có nghĩ rằng lỗi luôn thuộc về ai đó khác khi mọi chuyện không diễn ra như ý muốn?

- Bạn có đánh giá thấp ý tưởng của người khác hay cảm thấy những ý tưởng này kém hơn ý tưởng của bạn?

- Bạn có cảm thấy mình luôn ưu việt hơn mọi người, hay người khác thường cảm thấy bị bạn coi thường không?

4/ Cá tính yếu

Hầu hết mọi người đều tin rằng những phẩm chất để thành công là tài năng, cơ hội và sự chăm chỉ. Đó là những yếu tố rất thiết yếu, nhưng bạn còn cần cá tính nữa. Cá tính sẽ bảo vệ tài năng của bạn.

Cá tính là tổng hòa của tất cả những lựa chọn hằng ngày của chúng ta. Nếu cho rằng cá tính yếu đang kìm hãm bạn, hãy lưu ý những câu hỏi sau:

- Bạn có thường trễ hạn chót hay không?

- Bạn có đưa ra những lời tuyên bố, thái độ cương quyết hay quyết định thay đổi và sau đó quay trở lại hành vi cũ hay không?

- Bạn chú trọng đến việc làm thỏa mãn người khác hơn là duy trì những giá trị bạn theo đuổi?

- Bạn có sẵn sàng thay đổi sự thật để thoát khỏi một thời điểm khó khăn không?

- Bạn có làm những gì dễ nhất, ngay cả khi bạn biết rằng đó không phải là tốt nhất?

- Bạn có lưỡng lự khi phải tin tưởng bản thân hay không?

Nếu bạn trả lời “có” cho bất kỳ câu hỏi nào, có thể có những khía cạnh cần phải cải thiện trong cá tính của bạn.

Cách vượt qua những “điểm mù”

1- Hãy giả định rằng bạn có những điểm mù. Nếu bạn không tin mình có những điểm mù, tư duy đó chính là một điểm mù của bạn.

2- Hãy nhờ những người hiểu rõ bạn nhất xác định giúp bạn những điển mù. Nếu họ trung thực, họ sẽ nói cho bạn biết những thứ bạn không thể nhận ra ở bản thân.

3- Hãy giả định rằng bạn không thể tự xóa bỏ những điểm mù của bản thân. Mọi người đều cần được giúp đỡ để nhận diện và xử lý những điển mù. Đừng nghĩ rằng bạn có thể tự xử lý những điểm mù của mình.

4- Hãy thảo luận cởi mở về những điểm mù trong nhóm của bạn. Hãy cởi mở với những người quan tâm đến bạn và muốn giúp đỡ bạn.

5- Hãy xây dựng và trao cho một nhóm xử lý những điểm mù của bạn. Lúc này bạn có thể có khả năng giải quyết rất nhiều điểm mù. Nhưng cho đến khi đó, hãy bảo đảm rằng nhóm của bạn sẽ ngăn chúng dẫn bạn hay nhóm của bạn đi trật đường ray.

Khi giá trị, suy nghĩ, cảm xúc và hành động đều nhất quán, người lãnh đạo sẽ trở nên tập trung và cá tính của anh ta sẽ được củng cố. Từ đó anh ta có thể lãnh đạo thành công bản thân mình.

Phương Thanh (DNSG)

Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928