4 xu hướng sẽ tác động mạnh mẽ đến môi trường làm việc trong tương lai

Trong tương lai, có 4 xu hướng sẽ tác động mạnh mẽ đến môi trường làm việc, và những người cần nắm bắt điều này sẽ bao gồm cả giới chủ, giới lãnh đạo, nhà quản lý và người lao động.

 4 xu hướng sẽ tác động mạnh mẽ đến môi trường làm việc trong tÆ°Æ¡ng lai

Một khảo sát được mạng xã hội việc làm LinkedIn tiến hành trên 5.000 chuyên gia quản trị nguồn nhân lực và tuyển dụng, kết hợp cùng dữ liệu phân tích hành vi cho biết, môi trường làm việc vài năm tới sẽ chịu tác động mạnh mẽ từ 4 yếu tố: kỹ năng mềm, nơi làm việc, văn hoá chống quấy rối và sự minh bạch trong chính sách trả lương.

1. Kỹ năng mềm tiếp tục khẳng định vị thế

Nhìn chung, cụm từ “kỹ năng mềm” khó miêu tả được hết những gì mà thuật ngữ này bao hàm, từ trí tuệ cảm xúc, sự cảm thông cho đến óc sáng tạo hay khả năng hợp tác và giao tiếp giữa người với người, v.v.. Đến nay, dù vẫn chưa được đưa vào giảng dạy rộng rãi tại các hệ thống giáo dục bậc cao, song kỹ năng mềm ngày càng chứng minh được tầm quan trọng của mình.

Trên thực tế, có đến 92% số người tham gia khảo sát tin rằng, kỹ năng mềm cũng quan trọng không kém, hoặc thậm chí còn hơn cả kỹ năng cứng; và 80% cho rằng, kỹ năng mềm càng lúc càng đóng vai trò quyết định trong sự thành công của doanh nghiệp. Còn theo báo cáo Tương lai Nghề nghiệp, công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018, đến năm 2022, những kỹ năng như tư duy phân tích, tư duy đổi mới hay giải quyết vấn đề sẽ vô cùng cần thiết.

Ngoài ra, 89% chuyên gia quản trị nguồn nhân lực cũng nhấn mạnh, các quyết định tuyển dụng sai lầm đều có nguyên nhân xuất phát từ việc ứng viên thiếu, hoặc không có kỹ năng mềm. Vì là yếu tố khó được phát hiện trong quá trình tuyển dụng, nên thông thường, chỉ sau khi ứng viên chính thức nhận việc, nhà tuyển dụng mới biết liệu họ có sở hữu kỹ năng mềm hay không.

Theo khảo sát, việc đánh giá kỹ năng mềm của ứng viên là vấn đề đau đầu đối với nhiều nhà tuyển dụng, khi 68% cho biết, cách phổ biến nhất mà họ thường sử dụng là chú ý đến các cử chỉ giao tiếp khi phỏng vấn. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ hiệu quả khi người được phỏng vấn không bị ảnh hưởng bởi sự lo lắng hay phấn khích, và những gì mà họ thể hiện bên ngoài thực sự hoà khớp với con người bên trong. Đồng thời, nhà tuyển dụng cũng phải đảm bảo bản thân có khả năng giải mã chính xác các cử chỉ trong giao tiếp.

Trong tương lai, giải pháp đánh giá kỹ năng mềm được đề xuất là sử dụng trí tuệ nhân tạo. Cụ thể, nhà tuyển dụng sẽ liệt kê các kỹ năng mình mong muốn, rồi sử dụng các công cụ tích hợp trí tuệ nhân tạo để phân tích xem ứng viên có đáp ứng đúng những yêu cầu đó hay không.

2. Nơi làm việc linh hoạt

Cách đây không lâu, được làm việc ở nhà có thể là giấc mơ đối với nhiều người; song, theo đà phát triển của các tiến bộ công nghệ, xu hướng này đang ngày càng phổ biến hơn. Jason Phillips – Giám đốc nhân sự toàn cầu của tập đoàn công nghệ Cisco – cho biết: “Nơi làm việc linh hoạt đang dần trở thành chuẩn mực. Thách thức đặt ra với các tổ chức là đáp ứng nhu cầu đó nhanh như thế nào”.

Một trong những nguyên nhân đằng sau xu hướng chuyển dịch này đến từ sự phát triển của công nghệ. Từ email, ứng dụng nhắn tin, cho tới dịch vụ hội nghị trực tuyến hay mạng xã hội việc làm, có thể nói, việc kết nối giữa người với người chưa bao giờ dễ dàng đến như vậy. Do đó, dễ hiểu tại sao nơi làm việc không còn là yếu tố quá quan trọng như trước.

Bên cạnh đó, quan niệm về việc làm của con người cũng dần đổi khác theo thời gian, góp phần thúc đẩy cho sự thay đổi này. Theo đó, ý nghĩ bản thân sẽ làm duy nhất một công việc cho đến hết đời đã không còn tồn tại nữa. Giờ đây, người ta mong muốn sở hữu một cuộc sống linh hoạt, cân bằng và nhiều màu sắc hơn.

3. Chống quấy rối và bắt nạt nơi công sở

Trên phương diện đạo đức, người làm chủ phải có trách nhiệm bảo vệ nhân viên của mình khỏi mọi hình thức bắt nạt hay quấy rối. Trong một số trường hợp, hành động này còn bao hàm cả trách nhiệm về mặt pháp lý. Và, để những quy định chống quấy rối thực sự đạt hiệu quả, doanh nghiệp cần thiết xây dựng văn hóa đề cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.

Trong tương lai gần, những cá nhân và tổ chức thất bại trong việc triển khai các biện pháp chấm dứt quấy rối hoặc đối phó với kẻ quấy rối sẽ phải đối mặt với nguy cơ chịu thiệt hại đáng kể về uy tín.

Khảo sát của LinkedIn dự báo, trong tương lai gần, những cá nhân và tổ chức thất bại trong việc triển khai các biện pháp chấm dứt quấy rối hoặc đối phó với kẻ quấy rối sẽ phải đối mặt với nguy cơ chịu thiệt hại đáng kể về uy tín. Cũng theo báo cáo này, chống quấy rối là vấn đề đặc biệt nóng bỏng tại Ấn Độ, với 87% chuyên gia săn đầu người khẳng định, chống quấy rối là xu hướng quan trọng với tương lai của tuyển dụng và nhân sự. Trong khi đó, con số này trên toàn cầu là 71%.

4. Chính sách trả lương công khai, minh bạch

Tổ chức nghiên cứu tiền lương PayScale đã hỏi hơn 93.000 người Mỹ nghĩ mình được trả lương như thế nào so với thị trường nói chung. Theo đó, ⅔ đưa ra nhận định không chính xác và phần lớn đều cho rằng, mức lương hiện tại không tương xứng với công sức bỏ ra. Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng hơn lại nằm ở chỗ, dù không biết người khác được trả lương thế nào, song phần lớn đều có khuynh hướng cho rằng, bản thân mình là người được trả lương thấp nhất. Điều này không chỉ làm nảy sinh tâm lý nghi ngờ, tiêu cực mà còn cả sự bất mãn với tổ chức hoặc cấp trên.

Theo báo cáo của LinkedIn, hành động giữ bí mật tiền lương trả cho nhân viên nhiều khả năng sẽ sớm chấm dứt trong tương lai. Dựa trên những nội dung được chia sẻ trên nền tảng của mình, mạng xã hội việc làm này cho biết, từ năm 2014, sự minh bạch trong chính sách trả lương đã tăng 136%.

Và, trong trường hợp Vương quốc Anh, xu hướng công khai, minh bạch hoá chính sách trả lương còn góp phần làm giảm sự bất bình đẳng trong thu nhập giữa nam với nữ tại các công ty lớn – nơi thường giấu kín việc trả lương cho nhân viên. Bên cạnh đó, một chính sách trả lương minh bạch sẽ giúp xây dựng lòng tin, củng cố văn hoá đa dạng, hoà nhập tại nơi công sở, và đồng thời cắt giảm thời gian thương lượng tiền lương khi phỏng vấn. Do đó, đây có thể sẽ trở thành một xu hướng mang lại tác động mạnh mẽ đến môi trường làm việc trong thời gian tới.

Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928