Carlos Slim là người nhận ra cơ hội khi nền kinh tế Mexico lao dốc. “Đây là thời điểm tuyệt vời để đầu tư”, ông Slim nói khi chi tiền cho các dự án thập niên 90.
Được gọi là Warren Buffett của Châu Mỹ Latin, tỷ phú Carlos Slim hiện đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới với khoảng 63,1 tỷ USD. Ngành nghề kinh doanh của nhà đầu tư này trải dài trên nhiều lĩnh vực, từ viễn thông, bán lẻ, tài chính, công nghệ, sản xuất ô tô cho đến các ngành công nghiệp khác.
Sinh năm 1940 tại Mexico trong một gia đình nhập cư Li-Băng 6 người con, cuộc sống của ông Slim không hề dễ dàng, nhất là khi Mexico đang có nhiều biến động trong thời kỳ này. Trung bình có khoảng 1/15 người Mexico bị thiệt mạng do những xung đột vũ trang tại thời điểm đó.
Năm 1911, bố của ông Slim là ông Julian Slim quyết định mua bất động sản tại quận Zocalo để mở cửa hàng tạp hóa khi nhiều người dân bán rẻ lại nhằm di chuyển tránh chiến tranh. Ván đặt cược này của ông Julian đã thành công khi cả gia đình vẫn yên ổn tồn tại qua cuộc chiến.
Chính nhờ điều này mà ông Slim có được tính cách hay đặt cược vào những quyết định đầy may rủi khi lớn lên sau này. Năm 11 tuổi, ông Slim đã biết mua trái chính phủ và trở thành cổ đông của ngân hàng lớn nhất Mexico năm 15 tuổi.
Đến thập niên 80, Carlos Slim đã trở thành chuyên gia bán bảo hiểm và môi giới chứng khoán đầy tiếng tăm. Cuối cùng, ông trở thành tỷ phú vào thập niên 90 khi Mexico gặp rắc rối với những khoản nợ công và phải bán rất nhiều công ty, cổ phần ra thị trường với giả rẻ.
Tận dụng cơ hội này, Carlos Slim đã nhanh chóng mua những công ty ông cho là tiềm năng để rồi thu lợi lớn sau này.
Thương vụ lớn nhất thời kỳ này của ông Slim là mua lại tập đoàn viễn thông Telmex từ chính phủ với giá 1,7 tỷ USD trong khi báo cáo kiểm toán định giá tài sản của doanh nghiệp này lên đến 10-12 tỷ USD.
Trong suốt giai đoạn 2011-2013, tỷ phú Slim đã đứng đầu bảng danh sách những người giàu nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn và chỉ chịu thua nhà sáng lập Bill Gates của Microsoft vào tháng 5/2013.
Tất cả những người biết Carlos Slim đều thừa nhận tài năng cũng như tính kiên trì của vị tỷ phú này. Tuy nhiên, những tính cách quan trọng nào đã góp phần xây dựng nên người giàu thứ 4 thế giới Carlos Slim?
1. Không chạy theo đám đông
“Khi có sóng lớn trên thị trường, nghĩa là một số người sẽ mất tiền và đây là thời điểm để chúng ta kiếm tiền”, ông Slim nói.
Tương tự như bài học của người cha Julian, ông Slim không quan tâm đến người khác nói gì về mình mà chấp nhận đi ngược xu thế nếu nhận định điều gì đó đáng để đặt cược.
Những thương vụ thành công nhất của Slim trong thập niên 90 diễn ra trong bối cảnh đất nước có nhiều bất ổn. Hệ thống ngân hàng tài chính của Mexico khi đó lao dốc không phanh trong khi hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, tỷ lệ tội phạm tăng cao và người dân đang cảm thấy khủng hoảng.
Dẫu vậy, chính ông Slim là người nhận ra cơ hội khi nền kinh tế Mexico lao dốc.
“Đây là thời điểm tuyệt vời để đầu tư”, ông Slim nói khi chi tiền cho các dự án thập niên 90.
Tuy nhiên ông Slim không đầu tư bừa bãi. Trước khi mua Telmex, tỷ phú này đã có trong tay nhiều công ty nhỏ tiềm năng và việc mua Telmex là nước đi quá nguy hiểm và không cần thiết.
Mặc dù vậy, ông Slim vẫn đáng giá lại tiềm năng của thương vụ, khả năng hồi phục của công ty cũng như dự đoán thời gian để làm điều đó. Cuối cùng, tỷ phú Slim cũng đi ngược lại mọi lời khuyên và thực hiện thương vụ thành công nhất của đời mình.
2. Dự đoán tương lai cũng như vai trò của bản thân khi đó
Có một sự thật trớ trêu là các công ty của ông Slim sản xuất những chiếc điện thoại, xe hơi tối tân nhất nhưng người đàn ông giàu thứ 4 thế giới này lại không rành mấy về công nghệ.
“Con tôi tặng một chiếc laptop nhân dịp Giáng sinh, nhưng tất cả những gì tôi biết là nhấn nút khởi động”, ông Slim nói.
Chuyện nghe có vẻ khó tin nhưng người đàn ông đã từng theo học ngành kỹ thuật với khả năng tính toán vô cùng tốt này lại không mấy hứng thú với công nghệ kỹ thuật hiện đại.
Tuy vậy, điều khó tin hơn là bất chấp chuyện “mù công nghệ”, ông Slim vẫn đầu tư rất nhiều cho các thương vụ và dự án khoa học kỹ thuật. Nguyên nhân rất đơn giản, tỷ phú Slim biết điểm yếu của mình và cũng nhận ra rằng thế giới sẽ thay đổi nhanh chóng nhờ công nghệ. Vì vậy, ông luôn ưu tiên đầu tư vào những ngành hàng đầu, có tiềm năng phát triển nhất như công nghệ.
“Khoa học kỹ thuật sẽ thay đổi cuộc sống và xã hội trên toàn cầu”, ông Slim cho biết.
Đây là ví dụ điển hình cho việc dự đoán tương lai và tìm ra vai trò thích hợp của bản thân trong tương lai đó.
3. Mỗi dự án là một đứa con tinh thần
Ông Slim không thích bị so sánh với Warren Buffett bởi ông cho rằng phong cách của 2 người khá khác nhau. Trong khi Buffett chỉ quan tâm đến đầu tư tài chính thì ông Slim thực sự coi mỗi doanh nghiệp, dự án mà mình đầu tư như “con đẻ”.
Nói cách khác, vị tỷ phú này sẽ thực sự tham gia thay đổi công ty, biến chúng thành một doanh nghiệp hiệu quả chứ không đơn thuần là chỉ bỏ tiền xong bán đi lấy lợi nhuận.
Tỷ phú Slim nổi tiếng với phong cách loại bỏ bớt các cấp quản lý trung gian để ép các giám đốc cấp cao xắn tay làm việc. Bản thân ông Slim cũng đi tiên phong trong việc tham gia điều hành hầu như mọi quá trình hoạt động của công ty.
Trong thương cụ Telmex, ông Slim đã đích thân tham gia kế hoạch cải tổ hiệu quả hoạt động của công ty. Thậm chí ông còn dọa sẽ chấm dứt hợp đồng với nhà cung cấp lớn nhất của Telmex khi đó là Ericsson nếu hãng này không cho ông mức giá hợp lý nhất.
Khi mua hãng MCI vào năm 2002 với giá 300 triệu USD, ông Slim giữ lại hội đồng quản trị của công ty nhưng hầu như không để họ ảnh hưởng đến quyết định cải tổ doanh nghiệp của mình. Vài năm sau, giá trị vốn hóa thị trường của MCI tăng 1 tỷ USD.
4. Cuộc đời bạn nằm trong tay bạn
Một trong những triết lý sống nổi tiếng của Carlos Slim là không bao giờ ngừng ước mơ và tham vọng, qua đó làm chủ chính số phận của bản thân.
Trên thực tế, ông Slim đã trải qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống trước khi đến được với thành công. Thậm chí kể cả khi đã ở trên đỉnh danh vọng và sự nghiệp, vị tỷ phú này vẫn không hài lòng.
Mặc dù đã thành công trong mảng bất động sản, xây dựng và khai khoáng suốt thập niên 80, ông Slim vẫn nuôi tham vọng mở rộng ra các ngành viễn thông, máy tính và thậm chí là thời trang.
Ngày nay, đế chế của Carlos Slim trải dài trên toàn Châu Mỹ Latinh cũng như vươn rộng ra khắp thế giới. Có thể nói, bằng việc không bao giờ hài lòng với thực tại và không bao giờ bỏ cuộc, Carlos Slim đã tự làm chủ được số phận cũng như cuộc đời mình, từ một cậu bé nhà nghèo trở thành vị tỷ phú giàu thứ 4 thế giới.
5. Biết cách làm từ thiện
Đối với ông Slim, việc làm từ thiện vô tội vạ không phải là một cách khôn ngoan. Thậm chí, ông Slim còn từng rất ghét việc các tỷ phú khác đua nhau làm từ thiện lấy danh tiếng.
“Nghèo đói sẽ không thể biến mất chỉ nhờ làm từ thiện”, ông Slim bày tỏ.
Theo vị tỷ phú này, bất kỳ tổ chức từ thiện nào cũng cần có lợi nhuận và việc bỏ tiền làm từ thiện cũng cần có hiệu quả như việc đầu tư một công ty.
Đây có lẽ là lý do Carlos Slim không chi nhiều tiền từ thiện dù đứng thứ 4 trong số những người giàu nhất thế giới, nhưng ông cũng thành lập những quỹ từ thiện với các dự án đầu tư có hiệu quả.
“Tôi tin rằng nếu một doanh nhân biết quản lý hiệu quả công ty thì cũng quản lý hiệu quả một tổ chức từ thiện. Vấn đề ở đây không phải là cho bao nhiêu tiền mà là đi đâu, làm gì với mức chi phí hiệu quả nhất để làm từ thiện”, ông Slim nói.
AB
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Contact us and we would love to to answer any questions you may have.
Message Submitted!