3 khác biệt lớn giữa ông chủ SoftBank và huyền thoại đầu tư Warren Buffett

Với những khoản đầu tư “khủng” làm khuấy động ngành công nghệ toàn cầu thời gian qua, Masayoshi Son – người sáng lập và CEO của SoftBank Group, được nhiều người gọi là “Warren Buffett của giới công nghệ”.

 

Masayoshi Son – người sáng lập, CEO của SoftBank – Ảnh: Nikkei.

Tuy nhiên, theo tờ Nikkei, những thông tin đáng lo ngại gần đây, như lùm xùm xung quanh các startup do SoftBank và quỹ đầu tư Vision Fund của Son đầu tư, khiến nhiều người đặt câu hỏi về khả năng “biết cát thành vàng” của tỷ phú Nhật Bản. Nhiều người tỏ ra không đồng tình với quan điểm nói rằng Son giống với huyền thoại đầu tư Mỹ Warren Buffett hay đế chế Vision Fund của SoftBank có những điểm tương đồng với đế chế đầu tư Berkshire Hathaway của Buffett.

Khác biệt trong đánh giá con người

Trên thực tế, sự tương phản giữa Son và Buffett thể hiện ở nhiều điểm, trong đó có việc đánh giá con người.

Gần đây, tỷ phú Nhật Bản gây tranh cãi sau khi góp phần “hất cẳng” Adam Neumann, CEO của startup chia sẻ văn phòng WeWork, sau khi startup này bị mất gần một nửa giá trị trước thềm IPO. Giá trị hiện tại của The We Company, công ty mẹ của WeWork, thấp hơn nhiều với thời điểm mà Son rót vốn vào.

Trong khi đó, khi đánh giá lãnh đạo của một công ty mà mình đầu tư, Buffett nói rằng ông thường xem xét ba điều: “Chúng tôi tìm kiếm sự thông minh, sáng tạo hoặc nhiều năng lượng, và sự chính trực. Nếu họ không có tố chất thứ ba, hai điều đầu tiên sẽ hủy hoại bạn. Bởi nếu làm việc với ai đó thiếu chính trực, bạn sẽ muốn người đó phải lười biếng và ngu ngốc”.

Không ngạc nhiên khi CEO của các công ty được Berkshire Hathaway đầu tư, như J.P. Morgan Chase, Coca-Cola và American Airlines, đều là những người đã giữ vị trí điều hành trong thời gian dài và ổn định.

Ngược lại, nhiều công ty được SoftBank và Vision Fund rót vốn như Uber, SoFi và WeWork liên tiếp vướng phải những rắc rối, cuối cùng dẫn tới việc người điều hành bị vạch tội và buộc phải từ chức.

Theo Nikkei, việc Son bị hấp dẫn bởi những người có tư duy giống mình là điều có thể hiểu được, nhưng những sự kiện rắc rối xảy ra gần đây cho thấy phong cách quản lý kiểu “cao bồi” tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Triết lý đầu tư không giống nhau

Khác biệt thứ hai giữa hai tỷ phú là triết lý đầu tư. Trong hơn nửa thế kỷ qua, Buffett luôn vận dụng cách tiếp cận “theo giá trị” khi đầu tư, được đưa ra bởi cố vấn và cũng là thần tượng của ông – Benjamin Graham.

Những bức thư thường niên của Buffett gửi tới cổ đông thường chỉ được viết đơn thuần mà không có các biểu đồ, trong đó giải thích triết lý đầu tư của ông. Trên tất cả, ông đánh giá một cách trung thực hiệu quả đầu tư của mình qua từng năm theo một tiêu chí duy nhất: lợi nhuận của cổ phiếu so với chỉ số S&P 500. Cụ thể, từ năm 1965 tới 2018, lợi nhuận gộp hàng năm của cổ phiếu này là 20,5%/năm, so với 9,7% của S&P 500.

Trong khi đó, Son lại đưa ra các tiêu chí đánh giá hiệu quả khiến các nhà đầu tư phải băn khoăn. Trong cuộc họp cổ đông thường niên của SoftBank vào năm 2013, ông tuyên bố sẽ biến SoftBank trở thành công ty số một toàn cầu ở “mọi khía cạnh — lợi nhuận, dòng tiền mặt, giá trị cổ phiếu”. Ngay ngày hôm sau, tờ Financial Times có bài viết nói rằng điều duy nhất mà các nhà đầu tư nên quan tâm là lợi nhuận, chứ không phải là quy mô của công ty.

Trong cuộc họp cổ đông thường niên gần đây nhất, Son có bài trình bày nói về mục tiêu tăng trưởng vốn hóa gấp 20 lần hiện tại lên 20.000 tỷ Yên (1.850 tỷ USD) vào năm 2040. Tuy nhiên, trên thực tế, trong 5 năm qua, cổ phiếu của SoftBank Group tăng trưởng thấp hơn so với Nikkei 225.

Quan điểm trái ngược về công nghệ

Khác biệt thứ ba giữa hai nhà đầu tư là quan điểm về công nghệ. Warren Buffett luôn tỏ ra hoài nghi về công nghệ. Ông cho biết ông tránh xa các cổ phiếu công nghệ và Internet vì không hiểu về lĩnh vực này. Ngoài ra, ông cũng cho rằng việc chọn lựa các công ty công nghệ đang ở giai đoạn đầu phát triển để đầu tư là một canh bạc.

 

Buffett tránh xa các cổ phiếu công nghệ và Internet bởi ông không hiểu về lĩnh vực này – Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, Son đầu tư mạnh vào các startup công nghệ còn non trẻ. Ông ủng hộ quan điểm cho rằng máy học (machine learning) đang ngày càng thông minh hơn não bộ của con người – được gọi với thuật ngữ “singularity” và dự báo điều này sẽ xảy ra trong 30 năm tới.

Trên thực tế, phần lớn các công ty mà SoftBank và các quỹ đầu tư liên kết thâu tóm không phải là doanh nghiệp công nghệ đơn thuần. Đó là các công ty phát triển hàng hóa và dịch vụ phụ thuộc vào những phát minh sáng chế mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc Internet vạn vật (IoT).

Danh mục đầu tư của SoftBank tập trung chủ yếu vào “các nền tảng” kết nối người mua và người bán như Uber và những nền tảng gọi xe kiểu Uber; những công ty thương mại điện tử kiểu Amazon tại Hàn Quốc và Ấn Độ; nền tảng chia sẻ văn phòng WeWork.

Theo tờ Nikkei, việc gọi Masayoshi Son là “Warren Buffett của giới công nghệ” dễ gây hiểu lầm bởi tồn tại nhiều điểm tương phản giữa hai nhà đầu tư này.

Hoài Thu (VnEconomy)

Contact CEO Club

Contact us and we would love to to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928