Freddie Figgers, 31 tuổi, nhưng lại là một trong những triệu phú thành công nhất nước Mỹ. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng, người đàn ông thành công này từng bị bỏ rơi trong thùng rác ngay khi vừa được sinh ra.
Tự ti với bạn bè vì xuất thân
Hàng triệu trẻ em được sinh ra đã bị cha mẹ vứt bỏ đến chết ở thùng rác, cống rãnh hay thậm chí là cả nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, cũng có không ít đứa trẻ may mắn sống sót, được mọi người cưu mang và có cuộc sống tốt đẹp. Trong đó không thể bỏ qua trường hợp của doanh nhân, triệu phú nước Mỹ- Freddie Figgers.
Freddie Figgers – tỉ phú U30 của Mỹ
Vào năm 1989, chỉ vài giờ sau khi được sinh ra, Freddie đã bị bỏ lại tại một bãi rác ở vùng nông thôn bang Florida. Vào thời điểm đó, có người qua đường tìm thấy cậu bé và nhanh chóng báo cảnh sát. Cậu bé được đưa vào bệnh viện trong tình trạng cơ thể tím tái, nhiều vết xước. Freddie nằm viện trong hai ngày, rồi cậu được chuyển đến nhà trẻ mồ côi. Nhưng ngay sau đó, cậu được vợ chồng Nathan và Betty Figgers nhận nuôi.
Thuở nhỏ, Figgers từng bị bạn bè trêu chọc vì xuất thân nghèo khó, bị vứt bỏ
Tuy nhận được tình yêu thương hết mực từ cha mẹ nuôi, nhưng anh phải trải qua một tuổi thơ không mấy dễ đàng. Figgers đã bị bạn bè trêu chọc vì quá khứ bị vứt bỏ và bị gọi là “đồ rác rưởi”. Biết không thể giấu được Freddie, bố mẹ nuôi đành kể cho anh nghe toàn bộ sự thật. Với anh, chuyện này là một vết nhơ đáng xấu hổ và bắt đầu sống co mình lại.
“Tôi sống ở một vùng nông thôn và chỉ cần một người biết tin về tôi thì sau đó sẽ là toàn bộ mọi người. Bố mẹ nuôi đã nói hết sự thật khi tôi lớn lên. Lúc đó bản thân tôi cảm thấy rất xấu hổ về nguồn gốc của mình”, Freddie Figgers chia sẻ.
Bước ngoặt tạo thành công
Nhưng rồi bước ngoặt cuộc đời đã đến khi Freddie 9 tuổi. Khi ấy cha nuôi Figgers mua cho con trai chiếc máy tính 25USD ở cửa hàng đồ cũ, những mong con thoát khỏi tự ti.
“Đó là một chiếc máy tính MacIntosh hỏng, đời 1989”, Figgers nói. Anh đã tháo chiếc máy ra và lắp lại nhiều lần, thậm chí có thể lắp thêm một số linh kiện từ chiếc radio cũ mà vẫn khởi động được chiếc Macintosh. Sau 5-6 lần mày mò, anh đã tự sửa được chiếc máy và nó vẫn hoạt động cho đến ngày hôm nay. Từ đó Figgers bắt đầu đam mê với công nghệ.
Năm 12 tuổi, Figgers kiếm được công việc đầu tiên trong đời là làm kỹ thuật viên sửa máy tính tại quê nhà Quincy, Florida. 15 tuổi, Figgers nảy ra ý tưởng làm các dịch vụ máy tính trên nền tảng đám mây. Anh đã đi khắp các đại lý xe hơi, công ty luật, các công ty môi giới nhà đất, giúp họ chuyển từ dữ liệu lưu bằng giấy tờ sang máy tính. Sau đó, Freddie đã thành lập công ty Figgers Computer, chuyên sửa chữa máy tính, giúp khách hàng lưu trữ dữ liệu.
Mặc dù chàng trai trẻ có tài năng sửa chữa mạng và máy tính nhưng phần mềm mới là đam mê thực sự của anh. Figgers đã thiết kế các ứng dụng bảo mật ngân hàng, một hệ thống theo dõi bệnh nhân từ xa cho người già và vô số phần mềm khác. “Khi tôi 17 tuổi, tôi có 150 khách hàng. Mỗi tuần tôi còn sửa trung bình 50-60 máy tính”, Figgers nói.
Anh bỏ học đại học vào năm 2009 khi được trao cơ hội thiết kế một chương trình trị giá 65.000 USD. Bước đột phá đến vào năm 2012, khi ở tuổi 23, Freddie Figgers đã phát minh công nghệ “giày thông minh”, theo đó anh tạo ra một chiếc máy theo dõi GPS có thể đính vào giày người cha bị mắc bệnh Alzheimer (chứng mất trí nhớ), khi ông thường xuyên ra ngoài và nhờ có phát minh này cậu có thể biết cha mình đang ở đâu và nói chuyện với ai.
Thêm nữa, công nghệ này còn giúp các gia đình giữ liên lạc với người thân yêu gặp phải tình trạng vô gia cư. “Năm xưa, nếu không được phát hiện có thể tôi đã chết hoặc trở thành người vô gia cư”, Figgers nói. Anh bán phát minh này cho công ty khác và kiếm được 2,3 triệu USD, giúp đặt nền tảng cho công ty của riêng mình. Từ số tiền này, Freddie từ đứa trẻ sơ sinh từng bị bỏ rơi ở bãi rác ấy đã trở thành ông chủ điều hành một công ty viễn thông tư nhân có tiếng tại Mỹ với tên gọi là Figgers Communications.
Vào năm 2017, công ty của Freddie Figgers được định giá lên tới 62 triệu USD. Mặc dù Freddie có công ty lớn bán điện thoại thông minh và gói dữ liệu, anh cho biết mình vẫn đam mê kết hợp công nghệ với dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Anh bán máy đo đường huyết không dây cho những người mắc bệnh tiểu đường.
Bệnh nhân có thể tải và chia sẻ mức đường huyết thông qua công nghệ Bluetooth. Khi mới 24 tuổi, anh đã có 80 chương trình phần mềm tùy chỉnh được ứng dụng. Hiện tại, Freddie Figgers sở hữu bốn bằng sáng chế trong các lĩnh vực hệ thống điện toán đám mây, điện thoại thông minh và hệ thống theo dõi dữ liệu từ xa cho bệnh viện. “Chúng tôi là công ty viễn thông duy nhất thuộc sở hữu của người thiểu số ở Mỹ”, Figgers, người Mỹ gốc Phi, nói.
Ngoài công ty Figgers Communications, Freddie còn quản lý Quỹ Figgers, chuyên hỗ trợ các dự án cứu hộ sau thảm họa, cung cấp học bổng, cung cấp đồ dùng giảng dạy cho các cơ sơ có nguồn lực hạn chế. Triệu phú này cũng là người trẻ tuổi nhất nắm giữ giấy phép FCC, cho phép vận hành mạng viễn thông riêng. Người đàn ông thành đạt này cũng đã làm rất nhiều để đáp lại cuộc sống, từ học bổng tài trợ cho các doanh nhân người da màu, diễn giả truyền cảm hứng tại các trường học, nhà tù… Freddie kết hôn với nữ luật sư Natlie và hiện có con gái 2 tuổi.
“Giờ đây tôi đang có một cuộc sống hạnh phúc, điều quan trọng tôi phải làm là trả nghĩa cho đời. Tôi chỉ là một con người, nhưng tôi tin nếu mình có thể tác động lên một người khác, điều tốt sẽ nhân lên. Tôi muốn con gái tôi lớn lên biết điều đó”, doanh nhân tài năng này nói. Năm 2014, cha nuôi Nathan Figgers mất do bệnh tật khiến Freddie vô cùng đau buồn khổ sở.
Freddie Figgers rất biết ơn cha mẹ nuôi đã chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy anh biết thế nào là vượt khó vươn lên, thế nào là bối cảnh không quyết định thân phận. Freddie Figgers chia sẻ, hiện tại khi đã thành công, anh muốn làm những việc có ý nghĩa để giúp đỡ người khác. “Điều tốt nhất mà bất kỳ ai cũng có thể làm được đó là ảnh hưởng tích cực đến một người khác. Nếu không có cha mẹ nuôi sẽ không có tôi ngày hôm nay”, người đàn ông xúc động nói.
“Tôi tin rằng mình cần hành động ngay để tìm giải pháp, mang lại tác động giúp thay đổi tích cực cuộc sống của một người khác. Mới đầu, tôi tự trích tiền túi để gây quỹ và tin tưởng vào việc hồi đáp xã hội. Tôi vẫn luôn nhớ tôi đến từ đâu bởi đơn giản một người sẽ chẳng có gì nếu chinh phục được cả thế giới nhưng lại để mất linh hồn mình trong quá trình đó. Tôi sẽ cố gắng tác động đến thế giới này và thay đổi nó để ngày càng tốt hơn. Tiền vốn không là gì ngoài công cụ, nhưng chính nhờ công cụ đó, chúng ta có thể tác động và thay đổi cuộc sống hàng ngày của mọi người bằng cách cho họ cơ hội”, triệu phú trẻ Freddie Figgers nói.
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!