Tại sao bản thân lãnh đạo chính là thông điệp với nhân viên trong thời khủng hoảng?

Đại dịch Covid-19 đang tạo ra những thay đổi chưa từng có trên thế giới. Mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hay quốc gia đều đứng trước những thách thức về quản trị để hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh và chuẩn bị khả năng phục hồi sau khi dịch bệnh qua đi.

 Tại sao bản thân lãnh đạo chính là thông điệp với nhân viên trong thời khủng hoảng? - ảnh 1

Trong khủng hoảng toàn diện hiện nay, người lãnh đạo phải thể hiện khả năng lãnh đạo của mình một cách tốt nhất.

Các nhà lãnh đạo trên thế giới đã đưa ra một số quan điểm về cách các lãnh đạo có thể dẫn dắt tổ chức và doanh nghiệp của mình vượt qua khủng hoảng.

Gary Burnison, giám đốc điều hành Korn Ferry – tổ chức tư vấn toàn cầu đồng thời là công ty tuyển dụng lớn nhất thế giới, cho rằng hơn bao giờ hết, những ngày này người lãnh đạo phải ở vị trí dẫn đầu. Việc chia sẻ thông tin với tổ chức, từ chiến lược, tốc độ, phương hướng và kết quả hành động kỳ vọng là rất quan trọng, thì đừng quên người truyền tải thông điệp  – nhà lãnh đạo – chính là thông điệp.

“Quan trọng không chỉ là những gì bạn nói mà là cách bạn nói ra chúng,” Garry lưu ý các lãnh đạo cần phải sẵn sàng tiếp nhận sự thật, tức là tạo một văn hóa doanh nghiệp giúp cho mọi người cảm thấy an toàn khi nói ra những gì họ thực sự nghĩ mà không sợ bị trừng phạt thay vì chỉ nói những gì họ nghĩ rằng lãnh đạo muốn nghe.

Việc duy trì dòng chảy thông tin cũng rất thiết yếu và trở nên sống còn. Thông điệp cần phải trung thực, tự tin và nhiệt huyết mới giúp khơi dậy tinh thần của tổ chức. Những yếu tố này giúp ngăn chặn các loại tin phỏng đoán, có thể dẫn tới sự sợ hãi hay hỗn loạn.

Trong khi đó, Marian Salzman, phó tổng giám đốc cấp cao, phụ trách Truyền thông toàn cầu của tập đoàn Philip Morris International (PMI) nhận định khủng hoảng hiện nay xét về quy mô là chưa từng có trong hơn 10 năm qua.

Trong giai đoạn 2007-2008, toàn bộ hệ thống tài chính Hoa Kỳ tê liệt trong cuộc khủng hoảng do cho vay thế chấp dưới chuẩn khiến tất cả mọi người rơi vào hoang mang, hoảng sợ. Nhưng đó là trước thời đại kỹ thuật số và truyền thông xã hội có thể khuếch đại mọi thông điệp, kể cả tích cực và tiêu cực.

Trong khi khủng hoảng toàn cầu hiện nay đang diễn ra quá nhanh và quá khó lường khiến các lãnh đạo khó thể chuẩn bị những kế sách phòng bị, do những gì đang diễn ra chưa từng được ghi trong sử sách về diễn biến, hậu quả hay tác động lâu dài.  Bà cho rằng các lãnh đạo cần chuẩn bị tinh thần chấp nhận tổn thất.

Dẫn ví dụ của Alan Joyce, CEO hãng bay Qantas thông báo rằng ông sẽ không nhận lương cho đến hết năm tài chính này, bà cho rằng đây là một ví dụ để các CEO khác có thể noi theo. Sự tồn tại của doanh nghiệp buộc lãnh đạo hãng bay phải giảm lương, yêu cầu nhân viên nghỉ phép không lương cũng như sa thải bớt. Tất cả nhằm cắt bớt chi phí để cầm cự cho đến khi đợt khủng hoảng qua đi, đồng thời phải giữ đủ nguồn lực để tiếp tục hoạt động trở lại thật nhanh ngay sau đó.

 Tại sao bản thân lãnh đạo chính là thông điệp với nhân viên trong thời khủng hoảng? - ảnh 2

CEO Qantas Alan Joyce cho biết sẽ không nhận lương cho đến hết năm tài chính 2020. (Photo by James D. Morgan/Getty Images). Forbes.com

Dẫn tiếp ví dụ liên quan tới Jürgen Klopp, quản lý của CLB Bóng đá Liverpool, bà Marian cho rằng các lãnh đạo nên tập trung vào lĩnh vực của mình, không nên sa đà theo trào lưu và những thứ ngoài chuyên môn, vốn có thể gây nên những xáo trộn xã hội không đáng có. Ông nói rằng: “Những người nổi tiếng nói gì cũng không quan trọng, chỉ những người có kiến thức chuyên môn mới nên nêu ra quan điểm về vấn đề liên quan.”

Marian Salzman cũng cho rằng trong khi mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và quốc gia đều đang thực hiện các giải pháp giúp giãn cách xã hội, thì sự kết nối lại rất quan trọng. Vì vậy, người lãnh đạo hơn bao giờ hết phải có các hoạt động thắt chặt tinh thần đoàn kết, gắn bó bằng một mục tiêu chung. Vì “rốt cuộc, những thiệt hại mà doanh nghiệp phải gánh chịu có lẽ là do cách những người lãnh đạo ứng phó với khủng hoảng nhiều hơn là bởi chính virus corona chủng mới này.”

Glenn Llopis, chuyên gia về chiến lược lãnh đạo chỉ ra 4 việc lãnh đạo cần làm khi khủng hoảng đang diễn ra làm đảo lộn mọi khía cạnh cuộc sống của con người. Nếu trước khủng hoảng, chúng ta đôi khi bị hụt hơi trước tốc độ quá nhanh, thì giờ đây, mọi guồng quay buộc phải ngừng lại, chúng ta trở nên mất phương hướng.

Vì vậy, một lãnh đạo đúng nghĩa cần phải trở  thành một phần của giải pháp, khi giải phóng được khả năng cá nhân thực sự của mình. Cùng lúc đó, đừng quên những khía cạnh nhân bản, con người trên hành trình này.

Đừng ngại chia sẻ câu chuyện riêng của mình. Vì ai cũng muốn biết lãnh đạo của mình đang nghĩ gì và đang cảm thấy thế nào. Đó là vì bản tính tò mò của con người, nên các lãnh đạo hãy mở lòng mình cho những người xung quanh hiểu. “Một lãnh đạo vĩ đại là người có thể truyền thông hiệu quả với sự chân thành và có mục đích, không che giấu.”

Bên cạnh đó, hãy cảm thông với người khác, vì khủng hoảng  có thể khiến rất nhiều người trở nên mất phương hướng, hành xử khác thường so với bình thường. Hãy lắng nghe, hãy giúp đỡ, hãy chia sẻ quan điểm khi phù hợp và đúng lúc.

Và hơn lúc nào hết, giờ đây học và cải thiện khả năng – tức là để khủng hoảng là một tác nhân giúp bạn sẵn sàng hơn đối diện với tương lai. “Trong khủng hoảng, không ai thực sự có tất cả mọi câu trả lời. Tư duy đúng cho phép các lãnh đạo suy nghĩ rõ ràng, để nhận ra tác động của khủng hoảng tới đội nhóm, tổ chức của mình và kể cả cá nhân mình.”

Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928