Những nông dân ở Cao nguyên Cameron, cái nôi của ngành nông nghiệp Malaysia, đã phải vứt bỏ hàng trăm tấn rau củ trong tháng 3 khi Covid-19 khiến các nguồn bán buôn, nhà hàng trên khắp cả nước phải đóng cửa. Tuy nhiên, họ lại chính là phao cứu sinh của Alibaba trong giai đoạn khó khăn nhất.
Lazada Group SA, công ty con ở Đông Nam Á của Tập đoàn Alibaba Group Ltd., đã mở một cửa hàng ảo để liên kết nông dân và những người Malaysia đang phải ở nhà vì dịch bệnh. Sáng kiến này đã tạo ra lợi nhuận quá lớn khiến gã khổng lồ thương mại điện tử Lazada cũng phải ngỡ ngàng: Người tiêu dùng mua trung bình 1,5 tấn bắp cải, cà rốt và rau bina mỗi ngày. Chỉ tính riêng ngày 13/5, 3,5 tấn rau đã được bán hết chỉ trong vòng 30 phút. Đến tuần thứ 3, khoảng 70 tấn rau củ đã được chuyển từ các trang trại tới tận tay người tiêu dùng trên khắp cả nước.
Cửa hàng tạp hóa bán đồ tươi sống hiện là một trong 3 danh mục hàng bán chạy nhất trên website của Lazada Malaysia. Điều này chưa từng xảy ra vào thời điểm 3 tháng trước. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Lazada chỉ có các cửa hàng tạp hóa chuyên dụng ở Singapore, Thái Lan và Philippines. Sau khi dịch bệnh bùng phát, họ đã mở rộng sang Malaysia, Việt Nam và Indonesia. Lazada hiện sở hữu 30 trung tâm kho ở 17 thành phố trên khắp khu vực.
“Covid-19 là chất xúc tác cho sự chuyển đổi kỹ thuật số ở Đông Nam Á. Khi người tiêu dùng xây dựng một thói quen, nó sẽ không dễ dàng bị mất đi. Thương mại điện tử sẽ trở thành một lối sống“, Pierre Poignant, Giám đốc điều hành của tập đoàn Lazada trả lời phỏng vấn trên Bloomberg.
Nhu cầu với rau củ tươi đã gia tăng mạnh trên toàn cầu nhưng sự tăng đột biến ở Malaysia đã mở ra cánh cửa đặc biệt giúp gã khổng lồ thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc gia nhập thị trường đầy hứa hẹn sau nhiều năm xây dựng một trong những mạng lưới giao hàng lớn nhất khu vực. Kể từ tháng 3, ngày càng có nhiều những doanh nhân làm nông, người làm nghề chài lưới và doanh nghiệp địa phương tham gia bán sản phẩm trực tuyến, theo Giám đốc điều hành Lazada Malaysia Shah Suriye Rubhen.
“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương nhận ra rằng kỹ thuật số hóa mảng kinh doanh của họ là cách để duy trì sự bền vững dài hạn, đa dạng hóa nguồn thu nhập và tiếp thị cho nên kinh tế Internet ngày càng phát triển“, ông Shah cho biết.
Lazada đã ghi điểm ở cao nguyên Cameron nhưng việc mở rộng thị trường ra Đông Nam Á vẫn còn là vấn đề khó khăn.
Đối thủ mạnh nhất của Lazada là Shopee, đã mở rộng nhanh chóng trong năm vừa qua và vượt qua Lazada trở thành website được truy cập nhiều nhất trong năm 2019, theo thống kê của công ty nghiên cứu iPrice Group.
Tại Indonesia, thị trường đầy triển vọng và lớn nhất trong khu vực, Tokopedia được xếp là trang thương mại điện tử lớn nhất xét về lượng truy cập, theo sau là Shopee, Bukalapak và Lazada. Blibli là đơn vị bán rau củ dẫn đầu trong khi đó Shopee, Tokopedia và Lazada đang ở ngay phía sau, Roshan Raj, một đối tác tại Singapore của công ty nghiên cứu RedSeer Consulting cho biết.
Không chỉ là những gã khổng lồ thương mại điện tử, sự gia tăng nhu cầu mua rau củ trực tuyến đã thu hút cả những người chơi mới từ các ngành công nghiệp khác. Qoo10 của Singapore là ví dụ điển hình nổi lên sau khi lệnh đóng cửa các cửa hàng trà sữa cùng nhiều dịch vụ không thiết yếu khác được áp dụng. Ngay cả công ty giao đồ ăn Foodpanda cũng bắt đầu nhận giao rau củ.
Pierre Poignant, Giám đốc điều hành của tập đoàn Lazada
Tại quê nhà Singapore, Lazmall, chuyên trang chuyên bán đồ hiệu cao cấp của Lazada gần đây đã thu hút những tên tuổi lớn như Under Armour của Singapore và Thái Lan, Starbucks và 3M ở Indonesia và những chuỗi cửa hàng bách hóa Robinson.
“Có những thương hiệu mà tôi không thể tưởng tượng có ngày họ sẽ đến với thương mại điện tử“, Poignant cho biết.
Đồng sáng lập 41 tuổi của Lazada chính thức đảm nhiệm cương vị mới vào năm ngoái nói rằng Lazada đang rất hứng thú với những thương vụ trong lĩnh vực rau củ gồm việc thâu tóm và liên minh ở Đông Nam Á. Tháng trước, Lazada cũng hợp tác với Rumah Sayur của Indonesia để tìm nguồn rau củ từ 2.500 người nông dân ở miền tây Java.
Lazada cũng đã mua lại trang web bán rau củ Redmart của Singapore vào năm 2016. Họ đang gặp khó khăn để đáp ứng nhu cầu và phải tạm thời ngưng những đơn hàng mới vào tháng 4 để điều chỉnh. Poignant nói rằng Redmart giúp công ty phục vụ nhiều hơn 50% lượng khách hàng mỗi ngày vào tháng trước.
Cũng theo Poigant, các công nghệ của Alibaba đã giúp khác biệt hóa Lazada, đầu tiên là với hình thức livestream. Theo ông, Lazada là đơn vị duy nhất ở Đông Nam Á cho phép người tiêu dùng ngay lập tức mua sản phẩm họ xem trên livestream. Đến cuối tháng 6, Lazada có kế hoạch tổ chức hơn 1.000 phiên livestream mỗi ngày, tăng từ 4.000 mỗi tuần như hiện tại. Tháng 4, khoảng 7.000 tài khoản livestream mới được tạo ra, tăng 70% so với thời điểm trước địch.
Công nghệ trí thông minh nhân tạo của Alibaba cũng là một nguồn tài sản khác. Lazada hiện sử dụng 9.000 nhân viên trên 6 quốc gia.
Đối với gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc, Lazada là mảnh ghép quan trọng nhất trong chiến lược toàn cầu hóa. Lazada đang hướng tới phục vụ 300 triệu người Đông Nam Á vào năm 2030, tăng từ mức 65 triệu người hiện nay, theo Poignant.
Để đạt được mục tiêu đó, tuần trước Alibaba đã ký kết thỏa thuận mua lại một nửa tòa nhà AXA Tower ở Singapore, trị giá 1,3 tỷ USD. Poignant cho biết tòa tháp 50 tầng này có phong thủy rất tốt, hiện tại là nhà cho 3.000 nhân viên Lazada.
“Đông Nam Á là thị trường rất quan trọng đối với Alibaba“, Poignant nói.
Footer Subheading
Message Submitted!