Sa thải công nhân trong khủng hoảng kinh tế có là sai lầm

Nhiều công ty công nghệ đang sa thải nhân viên do đại dịch Covid-19 nhưng lịch sử của gã khổng lồ IBM trong cuộc Đại suy thoái cho thấy đó có thể không phải là ý tưởng tốt nhất.

 

Trong cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930, Giám đốc điều hành của IBM, Thomas Watson, đã chứng minh một quan điểm quản trị mà các giám đốc điều hành ngày nay nên xem xét. Cụ thể là trong thời điểm tồi tệ nhất, dưới áp lực mạnh mẽ phải sa thải công nhân, IBM đi ngược lại xu hướng, đẩy mạnh việc đầu tư vào bản thân doanh nghiệp để thúc đẩy sự tăng trưởng bùng nổ sau đó.

Ở hiện tại, trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19 đang lan rộng, các chiến lược sa thải nhân sự đang được nhiều công ty áp dụng. Khảo sát của PwC tháng 4 cho biết 32% các công ty dự kiến sẽ sa thải công nhân trong tháng 5. Nhà Trắng cũng cho biết tỷ lệ thất nghiệp có thể đạt 20% vào tháng 6. Và hơn 20 triệu người Mỹ đã mất việc làm trong tháng 4, theo một báo cáo việc làm mới đây.

Tuy nhiên, một số công ty công nghệ lớn – Cisco, Nvidia, ServiceNow – đã cam kết hạn chế tối đa việc sa thải nhân sự. Một số công ty thậm chí còn tăng lương. Nhiều nhà đâu tư có thể nghĩ rằng những CEO đó đang ảo tưởng. Nhưng câu chuyện của IBM từ những năm 1930 cho thấy điều đó có thể mang lại điều kỳ diệu. Và màn “cá cược” của Watson khi đó gần như đã phá hủy IBM, nhưng cuối cùng đã mang lại cho nó gần 50 năm thống trị thị trường sau cơn bĩ cực.

 

Khi đó, nền kinh tế Mỹ đang ở trong những năm đầu tiên của cuộc khủng hoảng, tình trạng vô cùng khủng khiếp. GDP sụt 8% vào năm 1930 và tiếp đó là 7% vào năm 1931. Hơn 3.000 ngân hàng sụp đổ. Tỷ lệ thất nghiệp đẩy lên 20% và các điểm phát chẩn đồ ăn được lập ra xung quanh những tòa cao ốc.

IBM không quá lớn hoặc nổi tiếng vào thời điểm đó. Sản phẩm chính của công ty lúc này là đồng hồ và máy lập bảng – một máy cơ điện được thiết kế để hỗ trợ tóm tắt thông tin được lưu trữ trên thẻ đục lỗ, thứ giúp các công ty lớn quản lý thông tin. Thị trường cho các sản phẩm như vậy đã sụt giảm một nửa trong cuộc khủng hoảng. Tiền lương nhân viên giảm xuống rất thấp, bởi lúc này chi phí thuê người để xử lý dữ liệu thậm chí còn ít tốn kém hơn việc mua một cỗ máy để làm việc đó.

Thomas Watson khi đó là CEO của IBM, đã nhìn thấy sự thật về nền kinh tế bị phá vỡ. Nhưng viễn cảnh nghiệt ngã không cho phép ông thể hiện sự bi quan.

“Tôi thấy không có dấu hiệu suy thoái nghiêm trọng”, Watson chia sẻ trên tờ Forbes, số ra ngày 1/4/1930. “Như một vấn đề thực tế, tôi nghĩ năm 1930 sẽ kết thúc như một năm rất tốt.”

Hành động của Watson sau đó đã ủng hộ tuyên bố này. Ông đã thực hiện hai cam kết: Giữ cho các nhà máy hoạt động và không sa thải ai; Tiếp đó là tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển.

 

Đầu tiên, Watson lý luận rằng nhu cầu về máy móc của IBM là rất lớn và nếu các doanh nghiệp ngừng mua chúng bây giờ, chắc chắn họ sẽ phải mua rất nhiều khi nền kinh tế phát triển trở lại. Ông muốn IBM sẵn sàng để tận dụng nhu cầu đó. Vì vậy, ông giữ các nhà máy tiếp tục làm việc, dự trữ các sản phẩm trong kho. Từ năm 1929 đến 1932, IBM thực sự đã tăng một phần ba năng lực sản xuất.

Rủi ro lớn nhất mà Watson phải đối mặt khi đó là thời gian. Nếu doanh thu của IBM tiếp tục chững lại vào năm 1933, gánh nặng điều hành các nhà máy và giữ hàng tồn kho sẽ đe dọa sự ổn định tài chính. Trong một cuộc họp, ông đã nói với các giám đốc dưới quyền về việc cần thiết phải tiếp tục chế tạo các bộ phận máy móc.

“Điều kiện của đất nước này sẽ tốt hơn, lực lượng bán hàng của chúng ta sẽ mạnh hơn và sau này chúng ta sẽ có thể kinh doanh nhiều hơn. Tôi sẽ có cơ hội bán đủ máy móc sau này để hấp thụ các bộ phận đó”, ông khẳng định

Và sau đó, vào ngày 12/1/1932, Watson tuyên bố rằng IBM sẽ chi 1 triệu USD – gần 6% tổng doanh thu hàng năm của công ty – để xây dựng một trung tâm nghiên cứu doanh nghiệp tầm cỡ thế giới ở Endicott, New York. Nhờ đó, các kỹ sư của IBM trong suốt những năm 1930 đã liên tục tạo ra các sản phẩm mới và đổi mới kỹ thuật, cuối cùng đã đưa công nghệ của hãng vượt xa đối thủ là Remington Rand, cũng như bất kỳ đối thủ tiềm năng nào khác trong ngành.

Tuy nhiên, chẳng mấy chốc, canh bạc của Watson về sản xuất và nghiên cứu có xu hướng trở thành thảm họa. Công ty hết tiền mặt. Năm 1932, cổ phiếu của IBM đã giảm xuống mức bằng năm 1921. Hội đồng quản trị đã thảo luận về việc hất cẳng Watson, nhưng đã tạm thời trì hoãn. Nhiều người khi đó nói rằng Watson “không biết mình sẽ sụp đổ đến mức nào.”

 

Nhưng cũng chính vào thời điểm đó, chính sách kinh tế mới của tổng thống Franklin D. Roosevelt được thông qua. Là một phần của chính sách, vào ngày 14/8/1935, Roosevelt đã ký Đạo luật An sinh Xã hội.

Đạo luật này có nghĩa là mọi doanh nghiệp phải theo dõi theo từng giờ, tiền lương và số tiền phải trả cho hệ thống An sinh xã hội. Sau đó, chính phủ sẽ phải xử lý tất cả hàng triệu báo cáo đó, theo dõi tiền và gửi séc cho những người sẽ nhận được chúng.

Chỉ sau một đêm, nhu cầu về máy lập bảng tăng vọt. Một nhân viên của chuỗi cửa hàng Woolworth nói với IBM rằng việc lưu giữ hồ sơ về An sinh xã hội sẽ khiến công ty phải trả 250.000 USD mỗi năm (tương đương với khoảng 5 triệu USD ngày nay). Các doanh nghiệp không có máy móc họ muốn. Chính phủ cũng như vậy.

Và, chỉ có một công ty có thể đáp ứng nhu cầu này. IBM lúc này có một kho chứa đầy đủ máy móc, phụ tùng và phụ kiện. Ngay lập tức, công ty cũng có thể kiếm được nhiều hơn nữa vì các nhà máy của mình đang hoạt động. Bởi vì IBM đã tài trợ cho nghiên cứu và giới thiệu các sản phẩm mới, nên công ty có máy móc tốt hơn, nhanh hơn, đáng tin cậy hơn bất kỳ công ty nào khác. IBM đã giành được hợp đồng để thực hiện tất cả các nghiệp vụ kế toán của Chính sách kinh tế mới.

Sự kết hợp các sự kiện này đã trở thành khẩu súng cao su, bắn IBM về phía trước. Doanh thu công ty đã tăng từ 19 triệu USD năm 1934 lên 31 triệu USD vào năm 1937. Và doanh thu sau đó tiếp tục leo thang không ngừng 45 năm sau đó, giúp IBM thống trị ngành công nghiệp xử lý dữ liệu.

Peter Drucker – chuyên gia hàng đầu thế giới về tư vấn quản trị – từng hỏi Watson rằng khi đó ông có dự đoán được về Đạo luận An sinh Xã hội không. Tất nhiên, đạo luận này cũng được hé lộ và bàn luận trước khi thông qua. Nhưng Watson đã nói rằng ông không biết nó sẽ áp đặt một gánh nặng kỷ lục như vậy đối với các doanh nghiệp và chính phủ. Và khẳng định tất cả mọi người khi đó cũng không chắc rằng Quốc hội Mỹ có thể sẽ thông qua đạo luật này.

Công thức thành công của Watson rất rõ ràng. Một phần táo bạo; một phần may mắn; và một phần là làm việc chăm chỉ để sẵn sàng khi may mắn ghé tới.

 

Tất nhiên, công thức này không phải có thể áp dụng mọi lúc mọi nơi, với mọi công ty. Uber mới đây đã lựa chọn sa thải 14% nhân viên. Airbnb thì đã cắt giảm nhân sự tới 25%. Nhiều công ty khác cũng đã tiết kiệm tiền bằng cách cắt giảm chi phí nghiên cứu phát triển.

Rõ ràng, cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 mang tới đang thúc đẩy sự thay đổi trong kinh doanh và xã hội. Chăm sóc sức khỏe, du lịch, giáo dục, bán lẻ, thực phẩm và các lĩnh vực lớn khác đang được “tái định nghĩa”. Nhưng cũng trong cuộc suy thoái kinh tế, được xem là bi thảm đối với hàng triệu công nhân và doanh nghiệp nhỏ, thì sự thay đổi lớn cũng mở ra những cơ hội mới tuyệt vời.

Watson đã chỉ ra rằng khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có can đảm chuẩn bị để nhảy vào những cơ hội đó trong khi các đối thủ cạnh tranh bị hạ gục, thì một chút may mắn sau đó có thể tạo ra một chuỗi chiến thắng kéo dài.

Contact CEO Club

Footer Subheading

Contact Information
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928