Tôi đã học hỏi được rất nhiều điều từ ông chủ tiệm giày, mà một trong số đó tới từ lần ông tiếp đón một vị khách nữ khó tính.
Khi gia đình tôi chuyển nhà vào đầu những năm 60, tôi đã phải rời xa những người bạn thơ ấu, rơi vào cảm giác bất an và cô đơn của tuổi dậy thì. Tôi cứ loanh quanh trong ngôi nhà mới cho đến khi bố bảo đã kiếm được 1 công việc cho tôi ở một siêu thị trong vùng ở phía Đông Nam thành phố Dallas. Nhưng tôi ghét nó.
Từ cuộc gặp với chủ hiệu giày với khả năng đọc ý nghĩ của người khác
Vào một ngày nắng như đổ lửa, từ siêu thị mình đang làm việc, tôi nhìn thấy một cửa hàng giày khá lớn ở bên kia con phố. Qua lớp kính cửa sổ, có thể nhìn thấy những đôi giày bóng loáng mới cóng. Tôi tự hỏi không hiểu làm việc ở một nơi có điều hòa mát rượi như vậy thì sẽ thế nào nhỉ, vì thế tôi quyết định sẽ thử xem sao.
Vài ngày sau, khi ăn vận bộ đồ tươm tất nhất, tôi đã có đủ dũng khí để bước vào cái cửa hàng giày đó. Một người đàn ông cao, gầy ra chào tôi. Với mái tóc hoa râm chải ngược ra đằng sau, ông chào tôi bằng 1 nụ cười chân thật: “Cháu tới tìm việc à?”, ông lên tiếng.
“Vâng, thưa ông”, tôi trả lời trong sự ngỡ ngàng vì không biết làm sao mà ông ấy lại biết điều đó.
“Bác thấy cháu không quan tâm đến mấy đôi giày trưng bày nên đoán thế”, ông ấy lại như đọc được suy nghĩ của tôi, “Bác là John Hill, chủ cửa hàng, bác đang cần 1 người phụ giúp ở đây. Cháu có thích giao tiếp với mọi người không?”.
Câu hỏi này khiến tôi đứng hình. Số bạn bè của tôi ở nơi này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi di di chân xuống tấm thảm, nói lí nhí “Chắc là có ạ”.
“Đó không phải là 1 câu trả lời”, bác Hill khẳng định và đặt 1 tay lên vai tôi, “Một nửa nghệ thuật bán hàng nằm ở việc đem lại cảm giác dễ chịu cho người mua. Nếu họ cảm nhận được là cháu thực sự quan tâm thì họ sẽ đáp lại điều đó. Còn nếu họ thấy có vẻ cháu đang làm việc khác thì họ sẽ rời đi trong nháy mắt đấy”.
Bác Hill nói ngắn gọn, đơn giản nhưng lại thu hút tôi ngay lập tức, và tôi mừng như bắt được vàng khi bác ấy đồng ý thuê tôi ngay buổi chiều hôm đó.
Cho đến những bài học kinh doanh đắt giá đầu tiên trong đời tôi
Ngày làm việc đầu tiên của tôi dành để lắng nghe những điều nên và không nên làm.
Bác Hill chỉ tay ra con đường đông đúc bên ngoài và bảo tôi: “Người ta đã mất công tới đây, ta phải đem lại cho họ điều gì đó chứ. Cháu làm được không?”.
Tôi hỏi lại, ngờ vực: “Thế nếu nhỡ cháu không có thứ họ muốn thì sao?”.
“Đừng bảo họ thế. Thay vào đó, hãy chỉ cho họ thấy những thứ cháu có. Không phải lúc nào cháu cũng có thứ họ muốn, nhưng cháu luôn có thể cho họ thứ gì đó. Chấp nhận hay không là việc của họ.
Nhưng nếu cháu cho họ thấy mình chẳng có gì là cháu đã ném đi 1 lựa chọn, và họ sẽ tìm ở nơi khác. Hãy nhớ là cháu luôn có thứ gì đó có thể khiến mắt người khác sáng lên, việc của cháu là phải tìm ra nó”, bác Hill thốt ra 1 tràng dài đầy tâm huyết.
Sau đó, bác Hill dẫn tôi đi vòng quanh cửa hàng, giải thích cho tôi về chế độ lương bổng, gồm lương cứng và phần trăm hoa hồng, cũng như những cách thức để làm hài lòng khách hàng.
Rồi bác bảo tôi đóng giả là 1 khách hàng. “Chào mừng tới cửa hàng của tôi”, bác Hill nói rồi bắt tay tôi. Bác dẫn tôi tới 1 chiếc ghế, mời tôi ngồi xuống rồi đo cả 2 chân tôi.
“Bác không hỏi xem cháu muốn gì ạ?”, tôi ngạc nhiên hỏi.
“Có, giờ thì bác là người điều khiển rồi. Vì cháu đang ngồi ở một chiếc ghế thoải mái, giày đã được tháo ra khỏi chân, cháu không thể cứ thế đứng dậy mà rời khỏi cửa hàng được, đây sẽ là lúc bác hỏi xem cháu muốn kiểu giày nào”, bác Hill đối đáp 1 cách dí dỏm.
“Sao bác không hỏi cỡ giày của cháu ạ?”, tôi lại hỏi như chưa bao giờ được thắc mắc.
“Đừng có hỏi cỡ giày người khác. Mục đích của việc cháu đo chân cho khách hàng sẽ cho họ thấy là cháu biết việc mình đang làm. Họ sẽ cảm thấy tin tưởng những gợi ý của cháu hơn”, bác Hill lại đưa ra cho tôi 1 lời khuyên quý giá.
Lời đối đáp với 1 vị khách quá khổ khiến tôi tâm phục khẩu phục
Tự tin, đó là điều mà tôi gần như không có. Nhưng vì được bác Hill truyền cảm hứng, tôi quyết định sẽ thử tự tin xem sao. Và ngày tháng dần trôi đi, tôi đã trở thành cái bóng của bác ấy. Tôi được chứng kiến vô số những pha cứu vãn tình hình đầy hài hước của bác Hill trước những vị khách khó tính nhất.
Có lần, tôi chứng kiến bác Hill tiếp đón một vị khách đặc biệt và những gì tôi nghe được ngày hôm ấy đã khiến tôi cả đời này cũng không thể quên được. Một người bán hàng vừa thông minh lại vừa hài hước như bác ấy, bảo sao không đắt khách.
Hôm đó, người phụ nữ này bước vào cửa hàng. Dù có ngoại hình hơi quá khổ, chắc chắn phải đi size giày số 9 thì mới vừa chân, thế nhưng, điều oái oăm là bà ta nhất định đòi bác Hill chọn lấy size số 6. Dường như việc lấy size giày số 9 sẽ làm cho bà cảm thấy bị sỉ nhục.
Trong khi tôi chưa biết nên làm thế nào, thì bác Hill đã đi ra kệ, chọn 1 đôi giày thật đẹp cho bà ấy thử. Sau đó, bác ấy cầm đôi giày lên, vẻ mặt vô cùng bối rối, lật đi lật lại đôi giày rồi bảo vị khách rằng: “Đôi giày đẹp thế này mà lại bị in ngược size mất rồi” cùng một nụ cười ngốc nghếch.
Hiểu ra vấn đề, nhưng chẳng hề bị phật lòng, trái lại, người phụ nữ còn tỏ ra vô cùng vui vẻ, đồng ý mua luôn đôi giày và hứa sẽ sớm quay lại cửa hàng.
Và những quy tắc đơn giản trong cuộc sống tôi học được từ “ông bác già thông thái”
Thời gian qua đi, bác Hill đối với tôi cứ như một ông bác già thông thái chứ không phải là một ông chủ. Bác ấy cho tôi mọi lời khuyên từ những vấn đề trong cuộc sống, từ công việc cho tới tình yêu. “Cháu ước gì bố mẹ cháu cũng giống như bác”, tôi bảo với bác ấy vào một buổi tối vắng khách.
Bác ấy hỏi lại: “Như thế nào cơ?”.
“Bác và cháu có thể nói về mọi chuyện mà bác không bực mình. Còn cháu và bố mẹ thì không thể như thế”, tôi thú thực.
Cuối cùng, bác Hill bảo: “Khó mà vừa làm một ông bố, bà mẹ tốt, lại vừa là bạn tốt của con cái lắm. Cháu đừng có quá khắt khe với bố mẹ mình. Họ là người tốt. Thế là đủ”.
Bác Hill đã đúng. Có lẽ nếu tôi cư xử giống người trưởng thành hơn thì bố mẹ cũng đã đối xử khác với tôi. Tôi đã không thể quên được vẻ mặt của họ vài ngày sau, khi tôi xung phong ở nhà trông em để bố mẹ tôi có thể ra ngoài.
Tôi vẫn tiếp tục làm ở hiệu giày cho đến khi phải đi học đại học. Chưa ngày nào đi làm với bác ấy khiến tôi sợ hãi, trừ lúc tôi tạm biệt bác ấy. Đêm ấy, khi trời đã khuya, mọi người trong nhà đi ngủ hết, tôi lại đi bộ đến gặp bác Hill và nói: “Bác đã làm rất nhiều điều cho cháu. Cháu luôn biết ơn bác vì điều đó”.
Thế nhưng, bác ấy lại cười và bảo tôi: “Là tự cháu đã làm được đấy chứ”.
“Nhưng bác đã chỉ cho cháu cách làm”, tôi phản bác.
“Ai cũng có thể làm điều đó, từ bố mẹ cháu cho đến giáo viên của cháu, chỉ là cháu có sẵn sàng lắng nghe hay không thôi. Tất cả là nhờ bản thân cháu”, bác Hill giải thích.
Tôi suy nghĩ về điều đó. Từ sau khi đi làm ở hiệu giày, tôi đã học được cách mở lòng với người khác, và mỗi khi tôi làm như vậy, ai cũng đáp lại.
Hãy tự tin về bản thân và những người khác cũng sẽ như vậy. Đừng nói, hãy chỉ cho họ thấy. Hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn được đối xử. Hãy cho đi nhiều hơn là mong được nhận lại.
Những quy tắc đơn giản này đã được tôi áp dụng vào mọi ngóc ngách trong cuộc sống của tôi, từ công việc làm ăn cho tới gia đình, và hơn thế nữa.
Không chỉ dạy cho tôi về nghệ thuật bán giày, bác Hill còn dạy cho tôi những điều khác quan trọng hơn nhiều. Đó là 1 bí mật tuyệt vời của cuộc sống: Không phải lúc nào bạn cũng có thứ người khác muốn, nhưng bạn sẽ luôn có điều gì đó mà người ta cần, nếu không có một đôi giày hay một hộp xi đánh giày để bán, hãy cho họ một điều gì đó từ chính bạn.
Footer Subheading
Message Submitted!