Sự thành công, theo quan niệm của tỷ phú Warren Buffett, không hề xuất phát từ sự giàu có, quyền lực, mức độ nổi tiếng hay việc bản thân mỗi người sở hữu bao nhiêu món đồ đắt tiền trước khi chết. Thành công, theo thước đo của vị tỷ phú, nằm ở tình yêu thương.
Tỷ phú, nhà đầu tư thiên tài Warren Buffett có quan niệm vô cùng thú vị về thước đo thành công.
Chủ tịch, CEO của Berkshire Hathaway – tỷ phú Warren Buffett – không chỉ nổi tiếng với danh hiệu một trong những người giàu nhất thế giới, mà còn bởi những triết lý kinh doanh, đầu tư xuất sắc cùng nhiều quan niệm sống thú vị.
Và, một trong số những quan niệm ấy, phải kể đến thứ mà nhà đầu tư huyền thoại này sử dụng làm thước đo cho sự thành công trong cuộc sống. Lạ lùng thay, thước đo giá trị này không hề giống với những gì mà số đông người trẻ hằng khao khát.
Tác giả Alice Schroeder, trong quyển sách về cuộc đời của Warren Buffett mang tên The Snowball: Warren Buffett and the Business of Life, đã viết về nó như sau: Thước đo thành công ở cuối cuộc đời của mỗi người được gói gọn trong 1 từ duy nhất: Tình yêu thương.
Cụ thể hơn, trong một buổi trò chuyện với các sinh viên thuộc Viện Công nghệ Georgia, khi được hỏi về khái niệm của sự thành công, Buffett đã chia sẻ như sau: “Một khi các bạn sống đến từng tuổi này như tôi mà bản thân không có lấy một người bên cạnh thực sự nghĩ tốt về mình thì nói thật, dù có giàu mấy đi nữa thì cuộc đời của các bạn cũng chẳng khác nào một thảm hoạ”.
Thật vậy, sự thành công, theo quan niệm của người giàu thứ 3 thế giới, không hề xuất phát từ sự giàu có, quyền lực, mức độ nổi tiếng hay việc bản thân mỗi người sở hữu bao nhiêu món đồ đắt tiền trước khi chết. Thành công, theo thước đo của vị tỷ phú, nằm ở tình yêu thương.
Vị tỷ phú bộc bạch: “Đơn giản mà nói, khi các bạn sống đến tầm tuổi tôi, thành công của các bạn sẽ được quyết định bởi số lượng những người thực sự yêu thương bạn trong số những người mà bạn mong muốn nhận được tình yêu thương. Tôi biết vô số người lắm tiền nhiều của, được vinh danh và thậm chí được đặt tên cho cả bệnh viện nữa. Thế nhưng, sự thật là, chẳng một ai trên thế gian này yêu thương họ cả.
“Tình yêu thương chính là bài kiểm tra cuối cùng để bạn nhận ra bản thân mình đã sống một cuộc đời như thế nào. Vấn đề với bài kiểm tra này nằm ở chỗ, bạn không thể dùng tiền để mua nó. Bạn có thể mua được tình dục. Bạn có thể mua được sự vinh danh. Song, cách duy nhất để sở hữu được tình yêu thương là khiến người khác yêu thương mình. Và, khi bạn có quá nhiều tiền trong tay, việc này trở nên khá phiền phức. Vì lúc đó, bạn sẽ nghĩ mình có thể đơn giản viết ra một tấm séc với nội dung: ‘Hãy bán cho tôi 1 triệu USD tình yêu thương’. Tuy nhiên, tình yêu thương lại không phải như vậy. Bạn càng cho đi nhiều tình yêu thương bao nhiêu, thì lại càng nhận lại nhiều tình yêu thương bấy nhiêu”.
Kết luận thì, bài học quan trọng nhất hay “bài kiểm tra cuối cùng” để biết xem liệu bạn đã sở hữu một cuộc đời đáng sống hay chưa, chẳng hề có tí liên hệ gì với tiền bạc cả. Mọi thứ mà bạn phải làm để thực sự có được một cuộc đời đáng sống, hết thảy đều xoay quanh xúc cảm mãnh liệt nhất của con người gọi là tình yêu thương.
Là một trong những người giàu nhất thế giới và đến nay đã 90 tuổi, Buffett đã và vẫn luôn thực tiễn quan niệm sống của mình. Cụ thể, ông cùng với tỷ phú Bill Gates đã thành lập quỹ từ thiện Giving Pledge – nơi những người giàu có nhất trên thế giới chung tay san sẻ một khối lượng lớn tài sản của mình vì mục đích từ thiện.
Vậy, đối với chúng ta – những người bình thường, phải làm cách nào để có thể sống giống như lời Buffett đã nói “càng cho đi nhiều tình yêu thương, thì lại càng nhận lại nhiều tình yêu thương”? Nói cách khác, làm thế nào chúng ta có thể khiến người khác thực sự yêu thương mình; để khi đến cuối cuộc đời, họ sẽ bủa vây bạn với lời ngợi khen, ngưỡng mộ và thốt lên cùng cả thế giới rằng “bạn là người biết yêu thương”?.
Dưới đây là 3 bí quyết nhỏ giúp bạn sống yêu thương hơn mỗi ngày, đặc biệt là tại nơi làm việc; bởi lẽ, tình yêu thương nếu được duy trì và phát huy ở môi trường làm việc hoàn toàn có thể trở thành động lực tốt để doanh nghiệp đi lên.
1. Suy nghĩ và hành động vị tha mà không trông chờ được báo đáp
Tình yêu thương tồn tại dựa trên nguyên tắc tương hỗ, có qua có lại. Thế nên, khi chúng ta chủ động cho đi sự yêu thương, dù chỉ dưới hình thức là một lời động viên tinh thần đồng nghiệp, một sự quan tâm dẫn dắt với cấp dưới hay nhấn mạnh tầm quan trọng của ai đó, thì tình yêu thương tự khắc sẽ quay về với chúng ta. Và, khi quay trở lại, cùng với nó sẽ là sự tôn trọng, ngưỡng mộ, sự tin tưởng, lòng trung thành…
2. Xây dựng văn hoá doanh nghiệp dựa trên tình yêu thương
Buffett nói: “Tôi yêu cảm giác được đi làm mỗi ngày. Ý tôi là, tôi có thể vui vẻ nhảy múa ở công ty của mình và làm việc bên cạnh tôi, không ai khác ngoài những người mà tôi yêu quý. Không có công việc nào trên thế giới này cho tôi cảm giác vui sướng như điều hành Berkshire, và tôi thực sự cảm thấy bản thân mình thật may mắn khi được như thế này”.
Có thể, khi nhắc đến công việc, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến sự đơn điệu, nhàm chán, đấu đá lẫn nhau hay những cá nhân gây ảnh hưởng tiêu cực. Bởi thế cho nên, những công ty sở hữu môi trường làm việc tốt nhất trên thế giới là nơi có khả năng mang lại cho nhân viên của mình cảm giác thích được đi làm mỗi ngày. Vì tại nơi đó, những người lãnh đạo luôn biết cách quan tâm và cho đi tình yêu thương. Đồng thời, chắc chắn văn hoá doanh nghiệp tại những nơi ấy cũng luôn tràn đầy sự tích cực lẫn hào hứng.
3. Thực tiễn nguyên tắc “bạch kim” trong đối nhân xử thế
Trong phép ứng xử, có lẽ, chúng ta ít nhiều đều đã từng nghe qua câu nói này: “Hãy đối xử với người khác như cách mà bạn muốn được đối xử”. Còn Khổng Tử, khi được Trọng Cung hỏi thế nào là “nhân”, đã trả lời rằng: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, nghĩa là điều gì mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Tóm lại, có thể thấy, dù trong bất kỳ nền văn hoá nào, thì “nguyên tắc vàng” trong đối nhân xử thế nằm ở chỗ, tất cả những gì mà bạn muốn người ta làm cho mình, thì chính bản thân cũng hãy làm cho người ta. Tuy nhiên, với “nguyên tắc bạch kim”, bạn sẽ nâng cấp điều này lên thành: “Hãy đối xử với người khác như cách mà họ muốn được đối xử”.
Dave Kerpen – tác giả của cuốn sách The Art of People, đã chia sẻ như sau: Nguyên tắc vàng trong ứng xử, dù rất hay, song vẫn tồn tại một số hạn chế. Bởi vì, vốn dĩ tất cả mọi người chúng ta đều khác nhau và không phải bất cứ trường hợp nào cũng tương tự. Do đó, khi bạn thực tiễn nguyên tắc bạch kim, bạn có thể đảm bảo chắc chắn rằng, bản thân đang thực sự làm những điều mà người khác muốn bạn làm cho họ.
Và, rõ ràng, để có thực hiện nguyên tắc này, bạn cần phải sở hữu trí thông minh cảm xúc, mà cụ thể hơn là sự cảm thông. Dù không được đánh giá cao, nhưng sự cảm thông – tức việc biết đặt bản thân trên lập trường, hoàn cảnh và quan điểm của người khác thay vì bản thân mình – thực sự là một vũ khí lợi hại trong quản trị.
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!