Người phụ nữ được vinh danh là nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới đã “lật đổ” mọi quan niệm sai lầm về việc sử dụng nữ giới ở những vị trí đầu não của doanh nghiệp.
Whitney Wolfe Herd, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Bumble, ứng dụng hẹn hò cho phái nữ, vừa được vinh danh là nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới. Cổ phiếu của Bumble tăng “phi mã” sau đợt IPO thành công rực rỡ hồi tháng 2 vừa qua đưa khối tài sản của Wolfe Herd chạm mốc 1,5 tỷ USD, theo Forbes.
Nữ tỷ phú tự thân trẻ tuổi nhất thế giới Whitney Wolfe Herd
Theo Business Insider, ở tuổi 31, Wolfe Herd đã trở thành người phụ nữ trẻ nhất thành lập và dẫn dắt một công ty phát hành lần đầu ra công chúng thành công. Trong báo cáo tài chính công khai của Bumble vừa công bố cho thấy giá trị cổ phiếu của công ty đã tăng vọt lên tới 18%, với mức tăng trưởng doanh thu vượt cả ước tính của các nhà phân tích là 31%. Đó là bằng chứng về tầm quan trọng và sự thành công của cô trong vai trò lãnh đạo.
“Cô ấy đã tìm ra cách để thành công từ việc trao quyền cho phụ nữ. Điều đó thật phi thường”, Sally Helgesen, nhà đào tạo các CEO nữ với 30 năm kinh nghiệm trong ngành đã chia sẻ với Insider.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trọng dụng nhân tài nữ sẽ đem lại hiệu quả rất tốt trong phát triển doanh nghiệp bởi lẽ phụ nữ luôn biết cách thúc đẩy những người xung quanh. Helgesen nói rằng, điều này đóng vai trò rất quan trọng cho sự thành công trong kinh doanh.
Sự lãnh đạo của Wolfe Herd là một minh chứng điển hình về việc nâng cao tinh thần đoàn kết và kết nối những nhà quản lý, đặc biệt là phụ nữ trong công ty. Việc này sẽ mang lại lợi ích cho công ty trong một thời gian dài. Điển hình là đưa CEO của họ, Wolfe Herd, lên thành tỷ phú.
Hội chứng “ong chúa”
Có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng phụ nữ khó hòa nhập hơn nam giới trong môi trường công sở và những người phụ nữ thành đạt chắc chắn sẽ trở thành con mồi của hội chứng “ong chúa”, ám chỉ những người phụ nữ có quyền lực nhưng lại đối xử với nhân viên nữ dưới quyền tệ hơn nam giới chỉ vì phân biệt giới tính. Nói cách khác, những người này có xu hướng phá hoại công việc của các đồng nghiệp nữ thay vì hỗ trợ họ.
Bumble là bằng chứng cho thấy quan niệm trên hoàn toàn là sai lầm. Nhận diện thương hiệu của công ty mang hình dáng một tổ ong với thông điệp về một mô hình hợp tác và kết nối.
“Nhắc đến Bumble là nghĩ đến cộng đồng, sự an toàn và sự trao quyền” Wolfe Herd nói với Architectural Digest.
Bumble cũng phát triển Bumble BFF và Bumble Bizz để giúp kết nối phụ nữ thông qua tình bạn và mạng lưới hẹn hò chuyên nghiệp. Đó là một phần trong sứ mệnh xây dựng “mạng xã hội dành cho nữ giới” trong bối cảnh nam giới có xu hướng được coi trọng hơn.
Whitney Wolfe Herd cùng con trai rung chuông mừng Bumble lên sàn Nasdaq
Lắng nghe và trao quyền
Nguyên tắc tương tự cũng được Wolfe Herd áp dụng trong văn hoá công ty và việc tuyển dụng. Tại Bumble, phụ nữ chiếm 73% trong thành phần hội đồng quản trị và hầu hết nhân viên công ty cũng là nữ giới.
Nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới có một quan điểm trong lãnh đạo là tạo ra văn hóa công ty mà ở đó mọi người đều có tiếng nói và được lắng nghe.
“Doanh nghiệp phải đảm bảo cơ sở vật chất cũng như tinh thần để hỗ trợ nhân viên nữ, nhằm đảm bảo họ không bị phân biệt đối xử”, Wolfe Herd nói với The Wall Street Journal năm 2018.
Sarah Joyce, quản lý bộ phận xã hội của Bumble, đã gây tiếng vang trên LinkedIn khi lên tiếng về sự bất bình đẳng giới trong doanh nghiệp. Priti Joshi, Giám đốc chiến lược toàn cầu của Bumble, nói với Fast Company rằng tại Bumble cô được khuyến khích tham gia vào các cuộc tọa đàm quan trọng của công ty, khác với cách công ty trước đã đối xử với cô. Chính sự trao quyền đó khiến họ cảm thấy được tôn trọng và muốn đóng góp cho sự phát triển của công ty nhiều hơn nữa.
Siêu năng lực của phụ nữ
Wolfe Herd cũng được biết đến là nhà lãnh đạo có khả năng kết nối các mối quan hệ rất tốt.
“Cô ấy có thế mạnh của một người có tầm nhìn xa trông rộng, hướng ngoại và giỏi tận dụng mạng lưới quan hệ rộng lớn của mình để phát triển công ty”, Helgesen nói.
Wolfe Herd thành công nhờ chiến lược trao quyền cho phụ nữ
Wolfe Herd đã nhận được khoản đầu tư 10 triệu USD từ rất sớm, vào năm 2014 ngay sau khi nghỉ việc tại Tinder. Số tiền đầu tư này có được thông qua quan hệ đối tác của cô với doanh nhân người Nga Andrey Andreev. Cô ấy cũng có thể kết nối với những người phụ nữ nổi tiếng có tầm ảnh hưởng như Nicole Kidman hay Priyanka Chopra để quảng bá ứng dụng Bumble.
Cách tiếp cận của Wolfe Herd để xây dựng mạng lưới kết nối có giá trị đã trở thành một chiến lược tăng trưởng cho hoạt động kinh doanh của Bumble. Và đó là cách tiếp cận mà cô đã truyền đạt và hy vọng thế hệ lãnh đạo nữ tiếp theo có thể học hỏi, tận dụng
“Đừng lùi bước, hãy trân trọng việc bị thế giới đánh giá thấp vì mình là phụ nữ”, Wolfe Herd nói với The Wall Street Journal. “Sự bền bỉ bất kể điều gì xảy ra như cách nuôi những đứa con, là siêu năng lực chỉ phụ nữ mới có”.
Contact us and we would love to to answer any questions you may have.
Message Submitted!