Để biến Amazon thành đế chế bán lẻ, tỷ phú Jeff Bezos cũng phải vận dụng không ít chiến thuật cân não: Đối thủ chẳng có gì đáng sợ, khách hàng mới là trên hết

Những bài học mà Jeff Bezos để lại không chỉ giúp người kế nhiệm ông đảm đương tốt trọng trách ở Amazon, mà còn tạo điều kiện cho bất kỳ doanh nhân nào muốn vươn tới thành công.

 Để biến Amazon thành đế chế bán lẻ, tỷ phú Jeff Bezos cũng phải vận dụng không ít chiến thuật cân não: Đối thủ chẳng có gì đáng sợ, khách hàng mới là trên hết

Jeff Bezos đã không ngừng theo đuổi mục tiêu xây dựng một doanh nghiệp lớn mạnh, coi khách hàng là trung tâm. Điều này thể hiện rõ qua cái tên Relentless.com mà ban đầu ông muốn đặt cho công ty mình.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại quá khứ, vị tỷ phú này cũng trải qua không ít khó khăn, nhất là trong những năm đầu sự nghiệp. Tuy nhiên, nhờ tầm nhìn của Jeff Bezos, Amazon đã vươn lên trở thành một công ty xuất sắc, làm thay đổi cuộc sống của rất nhiều người. Dưới sự điều hành của ông, Amazon từ con số 0 trở thành đế chế thương mại điện tử trị giá 1.700 tỷ USD.

Trong quá trình ấy, Jeff Bezos đã để lại nhiều bài học quan trọng về kinh doanh, đổi mới  và trải nghiệm khách hàng. Dưới đây là 11 nguyên tắc mà bất cứ doanh nhân nào cũng có thể học hỏi từ ông chủ Amazon.

1. Áp dụng khuôn khổ nhằm giảm thiểu sự hối tiếc

Khi Jeff Bezos lần đầu nghĩ tới chuyện mở một cửa hàng online ở đầu kia đất nước, ông đã sử dụng một bài tập tinh thần gọi là “khuôn khổ giảm thiểu hối tiếc”. Vị tỷ phú này sẽ tưởng tượng mình ở tuổi 80 và nhìn lại cuộc đời đã qua.

“Tôi muốn giảm thiểu số lần tiếc nuối trong đời mình”, ông giải thích”. “Tôi biết rằng ở tuổi 80, mình sẽ không cảm thấy hối hận vì đã thử điều này. Tôi không hối hận vì đã tham gia Internet – thứ mà tôi nghĩ sẽ có vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống”.

2. Tìm kiếm đúng cơ hội

Ban đầu, Jeff Bezos dự định kinh doanh Internet chứ không phải kinh doanh sách. Thời còn làm việc cho công ty D.E. Shaw ở New York, ông đã nghe tin rằng nhu cầu sử dụng Internet sẽ tăng 2.300%/năm. Tuy nhiên, tính toán của Jeff Bezos hoàn toàn sai. Trên thực tế, nhu cầu sử dụng Internet đã tăng trưởng ở mức 230.000%.

Vị tỷ phú này không thực sự đam mê sách, nhưng đây lại là lĩnh vực chiếm lợi thế lớn khi nhu cầu Internet bùng nổ. Khi Amazon ra đời năm 1994, trên thị trường có hơn 3 triệu đầu sách, rất phù hợp để bán lẻ trực tuyến. Việc vận chuyển sách cũng tương đối dễ dàng và không quá đắt đỏ. Do đó, đây là một ý tưởng hoàn toàn khả thi.

 Để biến Amazon thành đế chế bán lẻ, tỷ phú Jeff Bezos cũng phải vận dụng không ít chiến thuật cân não: Đối thủ chẳng có gì đáng sợ, khách hàng mới là trên hết - Ảnh 1.

3. Khách hàng là trên hết

Nhiều công ty cũng coi “khách hàng là trên hết”, nhưng Jeff Bezos thực sự sống chết với phương châm này.

“Trong số những bí quyết của Amazon, yếu tố số 1 giúp chúng tôi thành công đến giờ là tập trung cao độ đến mức ám ảnh về khách  hàng”, Jeff Bezos trả lời trong một cuộc phỏng vấn.

Bên cạnh dịch vụ tuyệt vời, vị tỷ phú này đã tạo ra một công ty mà khách hàng không thể sống thiếu. “Ngay từ đầu, chúng tôi đã tập trung đem lại cho khách hàng những giá trị hấp dẫn”, ông viết trong thư gửi cổ đông năm 1997.

Với mỗi sản phẩm mới, ông chủ Amazon sẽ yêu cầu nhân viên viết một bản ghi nhớ dài 6 trang, kèm theo một thông cáo báo chí mẫu. Họ sẽ phải đọc những tài liệu này trước khi bắt đầu họp, thay vì sử dụng PowerPoint.

Jeff Bezos tin rằng thói quen này sẽ giúp các nhân viên hiểu rõ chiến lược, cũng như đặt mình vào vị trí của khách hàng khi lần đầu tiếp xúc với sản phẩm.

4. Khiến cho giá trị cao hơn chi phí

Khi bán lẻ trực tuyến mới ra đời, đó là một trải nghiệm tồi tệ với cả người mua và người bán. Chỉ khoảng 1/3 hộ gia đình có máy tính và chúng rất chậm. Internet cũng không phổ biến, còn trang web thì tồi tệ.

Jeff Bezos tin rằng, nếu muốn thuyết phục ai đó mua máy tính, kết nối Internet và mua sắm, bạn phải cung cấp sản phẩm mà họ không thể có được ở nơi khác. Trải nghiệm đó phải đem lại đủ giá trị – bằng việc bán giá thấp, đưa ra các lựa chọn không giới hạn và hoàn toàn thỏa mãn khách hàng.

Kể cả khi các trang web đã trở nên dễ truy cập hơn, câu hỏi vẫn là: Liệu trang web của bạn có giúp khách hàng dễ sống hay sống tốt hơn không? Nếu có, họ sẽ sẵn sàng mua bất cứ thứ gì của bạn. Đó chính là điều mà Amazon đã làm được.

 Để biến Amazon thành đế chế bán lẻ, tỷ phú Jeff Bezos cũng phải vận dụng không ít chiến thuật cân não: Đối thủ chẳng có gì đáng sợ, khách hàng mới là trên hết - Ảnh 2.

5. Đừng sợ đối thủ, khách hàng mới là điều đáng lưu tâm

Jeff Bezos từng dặn dò các nhân viên: Đừng sợ đối thủ, bởi họ chẳng cho mình đồng nào. “Khách hàng mới đáng lưu tâm, bởi họ mới là những người có tiền”, ông kết luận. Nói cách khác, bạn nên lo lắng cho những vấn đề thực sự quan trọng.

6. Tập trung vào dài hạn

Năm 1997, Amazon vẫn là một doanh nghiệp nhỏ với 1,5 triệu khách hàng. Thế nhưng, Jeff Bezos lại chẳng quan tâm đến thu nhập mỗi quý – thứ mà Amazon sẵn sàng dành nhiều năm trời để chứng minh.

“Chúng tôi tin rằng thước đo cơ bản cho sự thành công là giá trị mà chúng tôi có thể mang lại cho các cổ đông về lâu dài”, ông cho biết. “Giá trị này sẽ là kết quả trực tiếp cho khả năng mở rộng và củng cố vị trí dẫn đầu thị trường hiện tại của chúng tôi”.

Prime chính là một ví dụ tiêu biểu. Khi ra mắt vào năm 2005, dịch vụ này chỉ tốn 79 USD/năm và bao gồm 2 ngày giao hàng miễn phí. Tuy nhiên, chỉ những khách hàng hay mua đồ mới cần Prime, nghĩa là phí vận chuyển sẽ nhanh chóng vượt mức gói dịch vụ.

Amazon sẵn sàng mất tiền trong thời gian ngắn để ưu tiên doanh số, nhằm phục vụ cho kế hoạch lớn đằng sau. Suốt một thời gian dài, tập đoàn này đã tái đầu tư hầu hết vào hoạt động kinh doanh, đặt mục tiêu tăng trưởng thay vì lợi nhuận.

7. Sử dụng hiệu ứng bánh đà

Sách vốn chỉ là sản phẩm ban đầu. Để thu hút thêm nhiều khách hàng, Jeff Bezos dự định sẽ cung cấp nhiều loại mặt hàng với mức giá thấp và dịch vụ khách hàng tuyệt vời. Số lượng khách hàng tăng sẽ lôi kéo thêm người bán bên thứ ba, nhờ đó gia tăng chủng loại sản phẩm.

Amazon càng bán nhiều sản phẩm, hệ thống và quy trình này càng trở nên hiệu quả. Doanh thu càng tăng, mức giá từ các nhà cung cấp càng ưu đãi, qua đó chi phí giảm và tăng trưởng tốt hơn.

Hiệu ứng bánh đà đã có từ lâu, nhưng Jeff Bezos mới là người khiến cho vòng quay này trở nên nhanh hơn bao giờ hết.

 Để biến Amazon thành đế chế bán lẻ, tỷ phú Jeff Bezos cũng phải vận dụng không ít chiến thuật cân não: Đối thủ chẳng có gì đáng sợ, khách hàng mới là trên hết - Ảnh 3.

8. Trao mục đích cho nhân viên

Bạn cần một người truyền bá tư tưởng hay một thương nhân? “Làm thế nào để tuyển dụng và giữ chân nhân tài?”, Bezos đặt vấn đề. “Trước tiên, hãy trao cho họ một sứ mệnh lớn lao – một thứ có ý nghĩa và mục đích thực tế”.

9. Bảo vệ văn hóa công sở

Văn hóa công sở ở Amazon chẳng phải điều gì bí mật. Người ta vẫn đồn thổi về những giờ làm việc bất tận, điều kiện làm việc khắc nghiệt và môi trường buộc nhân viên phải vượt qua giới hạn bản thân.

Tuy nhiên, tập đoàn này vẫn thu hút một lượng lớn nhân tài – những người góp phần cung cấp các sản phẩm và dịch vụ có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống nhân loại.

“Chúng tôi chưa từng khẳng định phương pháp của mình là đúng, nhưng nó là cách làm việc của chúng tôi. Trong vòng 20 năm qua, chúng tôi đã tập hợp được đông đảo những người cùng chí hướng”, Bezos viết cho các nhà đầu tư vào năm 2016.

Dù bị nhiều người chỉ trích về văn hóa doanh nghiệp, Jeff Bezos vẫn đúng khi nói rằng văn hóa “được từ từ tạo ra bởi con người và sự kiện, bởi những câu chuyện thành công và thất bại trong quá khứ, thứ đã trở thành một phần cốt lõi của công ty”. Điều quan trọng là phải nhận ra và bảo vệ lịch sử đó cẩn thận.

 Để biến Amazon thành đế chế bán lẻ, tỷ phú Jeff Bezos cũng phải vận dụng không ít chiến thuật cân não: Đối thủ chẳng có gì đáng sợ, khách hàng mới là trên hết - Ảnh 4.

10. Biết rõ quyết định mình đưa ra

Amazon chia quyết định ra thành 2 loại. “Có những quyết định không thể thay đổi và gây hậu quả nghiêm trọng. Chúng tôi gọi đó là cánh cửa một chiều, hoặc quyết định loại 2″, Jeff Bezos giải thích.

Đối với loại này, ông chủ Amazon sẽ xem xét cẩn thận mọi thông tin, bởi quyết định một khi đã đưa ra thì không thể đảo ngược.

Theo Jeff Bezos, hầu hết các quyết định đều thuộc loại 1, hay còn gọi là cánh cửa hai chiều. Chúng không gây hậu quả nghiêm trọng; bạn có thể sửa chữa nếu chọn sai. Vấn đề là nhiều người nhầm lẫn giữa hai loại, hoặc mất quá nhiều thời gian cho những quyết định loại 1.

“Đó là quyết định loại 1 hay loại 2?”, ông đặt vấn đề. “Nếu là loại 1, hãy đưa ra quyết định sau khi tham khảo một nhóm nhỏ hoặc một cá nhân có óc phán đoán cao”. Ngoài ra, mọi doanh nhân nên tránh nhầm lẫn giữa hai loại quyết định này.

11. Lắng nghe, nhưng đừng quá bận tâm trước những lời phê bình

Trách nhiệm thường đi kèm với những lời chỉ trích. “Nếu không chịu được cảm giác bị hiểu nhầm, đừng làm gì mới mẻ hay sáng tạo”, Jeff Bezos nói.

Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra một vài lời khuyên về cách hứng chịu chỉ trích. “Đầu tiên, hãy nhìn vào gương và tự hỏi những lời phê bình đó có đúng không”, ông chủ Amazon cho biết. “Nếu đúng, bạn cần thay đổi’.

Amazon đã thực hiện đúng như vậy. Năm 2018, khi bị chỉ trích về việc trả lương thấp cho các nhân viên kho hàng, tập đoàn này đã quyết định nâng mức lương tối thiểu của nhân viên len 15 USD/h.

Ngọc Hà

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928