Tim Cook xây dựng Apple thành đế chế 2.300 tỷ USD như thế nào?

Không có khả năng tạo ra sản phẩm tốt như Steve, nhưng Tim Cook đã xây dựng “một pháo đài” thiết bị và dịch vụ tiện ích quanh iPhone.

Tháng 1/2012, khi vẫn còn là Phó tổng thống Mỹ, Joe Biden từng hỏi Tim Cook – CEO của Apple rằng, tại sao hãng không thể sản xuất điện thoại iPhone ngay tại Mỹ?

Câu này được Biden hỏi Tim Cook trong một bữa tối có sự tham dự của nhiều lãnh đạo, quản lý cấp cao các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu nước Mỹ như CEO của Netflix – Reed Hastings, Chủ tịch điều hành Google – ông Eric Schmidt và Giám đốc hoạt động Facebook – bà Sheryl Sandberg.

Những người tham gia bữa tối hôm đó đều hiểu rằng ý tưởng sản xuất iPhone hoặc bất kỳ sản phẩm điện tử tinh vi nào trên quy mô lớn hoặc tại Mỹ là một nhiệm vụ quá khó.

Thời điểm này, Barack Obama đang trong quá trình vận động tái tranh cử Tổng thống Mỹ. Trước đó 3 tháng, nhà sáng lập và đồng thời là người tiền nhiệm của Tim Cook, Steve Jobs, đã qua đời.

Khả năng ngoại giao rất tốt

Các hãng sản xuất hàng điện tử theo hợp đồng lớn của châu Á, đặc biệt nhóm các doanh nghiệp đối tác của Apple, đã xây dựng nhiều nhà máy quy mô lớn tương đương các thành phố với sự tham gia của lực lượng hàng trăm nghìn lao động có trình độ tay nghề cao. Tại Mỹ ở thời điểm đó, tất cả những yếu tố tương đương không hề tồn tại. Người lao động tại Trung Quốc chấp nhận làm việc trong nhiều giờ mà chỉ nhận mức lương bằng một phần so với lao động tại Mỹ.

Một giám đốc điều hành doanh nghiệp công nghệ khác tại thung lũng Silicon và cũng là người chứng kiến cuộc trao đổi giữa Tim Cook, Biden và John Riccitiello, thậm chí từng khẳng định rằng ông không thấy Cook có khả năng làm được điều đó.

Câu hỏi của Biden đã khiến cho Tim Cook, người sau đó đảm nhiệm chức vụ CEO của Apple bối rối. Chính ông là “kiến trúc sư” của chiến lược thuê gia công sản phẩm của Apple tại Trung Quốc, xu thế khiến cho chính quyền Obama lo lắng.

Thế nhưng, Cook cũng được biết đến như một người rất giỏi giao tiếp và biết cách làm giảm những áp lực chính trị. Ông được đánh giá có khả năng ngoại giao tốt hơn nhiều so với Steve Jobs.

Obama từng hỏi Steve Jobs câu tương tự và nhận câu trả lời cụt ngủn, được đăng tải trên New York Times rằng: “Những việc làm đó sẽ không trở lại”. Trong khi đó, Tim phản ứng mềm mỏng hơn. Cuối năm đó, Tim Cook thông báo động thái mới có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị: Apple sẽ bắt đầu sản xuất một số máy tính Mac tại Mỹ. Nhưng kể từ đó, sự phụ thuộc của Apple vào Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn.

Năm 2016, Tim đương đầu với tình thế khó khăn về chính trị. Đó là khi ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ từ một chiến dịch có sự ủng hộ của những người có quan điểm chống Trung Quốc. Rủi ro tăng cao trước một cuộc chiến thương mại và những lời hứa của chính trị gia về việc đưa việc làm từ các nhà máy ở Thâm Quyến trở lại Mỹ. Đó là không nói đến thách thức của đại dịch Covid-19 và tâm lý chống độc quyền ngày một dâng cao.

Thế nhưng, điều kỳ lạ là Apple vẫn phát triển tốt dưới thời Trump. Tháng 1/2018, giá trị vốn hóa thị trường của Apple đạt mức một nghìn tỷ USD. 24 tháng sau đó, khi Donald Trump đang bận rộn hô hào khẩu hiệu những chuỗi cung ứng tại Trung Quốc nên được đưa lại Mỹ, giá trị vốn hóa của Apple vượt 2.000 tỷ USD.

Không ai có thể phủ nhận công lao của Tim Cook, kể cả nhân viên đang làm việc hoặc đã nghỉ tại Apple hay nhà điều hành tại các doanh nghiệp đối thủ cũng như các chính trị gia Mỹ.

Trump từng gọi Tim Cook là “Tim Apple” và tỏ ra khá vui vẻ với ông. Cùng lúc đó, phía Bắc Kinh cũng rất hài lòng với Cook còn Apple ngày một kiếm được nhiều tiền từ điện thoại iPhone.

Cách Tim đương đầu với các áp lực chính trị cho thấy cách mà ông có thể sẽ ứng xử dưới thời kỳ của Tổng thống Joe Biden. Trong 4 năm tới, Nhà Trắng sẽ vẫn tiếp tục tăng cường phát triển sản xuất tại Mỹ, đồng thời ủng hộ Quốc hội thực hiện các chính sách ngăn chặn hành vi phản cạnh tranh khi mà Facebook và nhiều công ty công nghệ khác nói rằng Apple có quá nhiều quyền lực.

Thế nhưng Tim Cook rất “cao tay”. Ông đã tăng cường sức ảnh hưởng của mình lên ngành điện thoại di động, cùng lúc đó thực hiện cam kết bảo vệ quyền riêng tư – điều mà các công ty kinh doanh mạng xã hội đòi hỏi. Cách ứng xử của ông giúp thích ứng rất nhanh với tình hình chính trị phân cực.

Nhiều nhà điều hành doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ đã khen ngợi ông về kỹ năng và bản năng ngoại giao. Tỷ phú Warren Buffett, người rất hiểu Tim Cook và cũng đang giữ vị trí cổ đông lớn tại Apple với lượng cổ phần nắm giữ ước tính 111 tỷ USD tính đến cuối tháng 9/2020, nhận xét rằng: “Tim có thể không có khả năng thiết kế ra được sản phẩm tốt như Steve, nhưng ông ấy hiểu thế giới đến độ mà trong 60 năm qua tôi từng gặp rất ít người như vậy”.

 CEO của Apple, ông Tim Cook. Ảnh: iDropNews.

CEO của Apple, Tim Cook. Ảnh: iDropNews.

Có cách tiếp cận rất khác biệt với nhà cung cấp, đối tác sản xuất

Cook bắt đầu gia nhập Apple năm 1998 sau khi làm việc nhiều năm tại IBM, cũng như từng có thời gian làm việc tại Compaq. Ông làm việc 18 tiếng mỗi ngày và gửi email suốt đêm. Khi không làm việc, ông dành nhiều thời gian trong phòng tập gym.

Khác Jobs, ông không có tố chất của một nghệ sỹ. Một cựu điều hành của Apple nói: “Ông ấy làm việc suốt ngày. Tôi thậm chí còn cảm thấy con người ông rất nhàm chán”.

Việc Apple vẫn tiếp tục phát triển sau thời kỳ của Steve Jobs được cho là chất lượng tuyệt vời của các sản phẩm, khởi đầu với máy tính iMac. Thế nhưng, yếu tố quan trọng không kém làm nên thành công của Apple như hiện tại chính là khả năng của Cook trong việc sản xuất các sản phẩm máy tính, tai nghe iPod, điện thoại iPhone và máy tính bảng iPad với số lượng lớn.

Ông đã áp dụng chiến lược tương tự như HP, Compaq hay Dell. Jobs từng không thích cách làm này, tuy nhiên nó lại phù hợp trong kỷ nguyên thuê gia công và sản xuất sản phẩm theo đơn đặt hàng.

Chuỗi cung ứng toàn cầu cho Apple mà Tim Cook xây dựng có nhiều khác biệt đáng kể so với Dell và Compaq. Các thương hiệu máy tính cá nhân lớn của thế giới thuê ngoài cả khâu sản xuất và thiết kế. Kết quả sản phẩm máy tính họ sản xuất ra có giá rẻ nhưng không có gì khác biệt nhiều so với sản phẩm khác trên thị trường.

Cook trong khi đó đã ép được các nhà cung cấp cho Apple chấp nhận các tiêu chuẩn về thẩm mỹ và chất lượng mà ông cũng như trưởng bộ phận thiết kế của Apple – Jony Ive yêu cầu. Các kỹ sư của Apple tạo ra các thiết bị chuyên phục vụ cho sản xuất sản phẩm của Apple. Họ thường xuyên đến Trung Quốc, dành rất nhiều thời gian không chỉ trong phòng họp mà còn trao đổi với cả các đối tác sản xuất để cùng tìm kiếm giải pháp tốt hơn.

Các nhà sản xuất sản phẩm điện tử theo hợp đồng làm việc với tất cả công ty sản xuất thiết bị điện tử lớn, tuy nhiên Cook đã có cách tiếp cận khác khi ông chấp nhận chi tiêu ra nhiều tiền để mua linh kiện mới nhất từ trước đó nhiều năm. Ngoài ra, ông ký các hợp đồng độc quyền để Apple có thể có được các linh kiện đó trước đối thủ. Cùng lúc đó ông ráo riết kiểm soát chi phí tại Apple.

Giám đốc quản lý chuỗi cung ứng tại Apple, Daniel Vidaña, cho biết Cook rất quan tâm đến thời gian hoàn thiện sản phẩm. Bởi vì nó càng ngắn thì càng giúp cho khách hàng hạnh phúc hơn và giảm đi áp lực của hàng tồn kho.

 Tim Cook và Donald Trump thăm một nhà máy sản xuất của Apple ở Austin ngày 20/11/2019. Ảnh: AP.

Tim Cook và Donald Trump thăm một nhà máy sản xuất của Apple ở Austin ngày 20/11/2019. Ảnh: AP.

Trong thời gian Donald Trump còn tại vị, ông và Cook đã có tình thân hữu tốt đến nỗi nhiều người làm việc lâu năm tại Apple cảm thấy bất ngờ. Cook luôn giữ được lập trường quan điểm của mình nhưng vẫn ứng xử đủ để làm cho Trump hài lòng.

Cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 chứng kiến sự ủng hộ nhiệt tình của ông với ứng viên Hillary Clinton, bởi ông không hài lòng với chính sách nhập cư, biến đổi khí hậu và sắc tộc của Trump. Thế nhưng, cùng lúc đó ông vẫn tham gia những buổi gặp gỡ giữa Tổng thống Trump với CEO các doanh nghiệp. Ngoài ra, ông cũng tham gia câu lạc bộ golf tại New Jersey và có mối quan hệ thân tình với con gái và con rể Trump.

Giám đốc bộ phận tư vấn kinh tế dưới thời chính quyền Trump cho tới năm 2018, Gary Cohn, ước tính rằng cứ mỗi 4 hoặc 6 tuần, Cook lại đến Nhà Trắng, tần suất cao hơn rất nhiều so với phần lớn các CEO ngành công nghệ.

Cook có cách rất khéo léo để xây dựng quan hệ thân tình với người trong chính quyền. Gary Cohn nói: “Trong bữa tối, chúng tôi không nói về các biện pháp thuế quan hay công nghệ của Apple mà chủ yếu nói chuyện về cuộc sống. Để làm được một CEO giỏi, bạn cần phải có kỹ năng giao tiếp tốt và biết lắng nghe. Tim Cook có tất cả những tố chất này”.

Tim Cook cũng luôn sẵn sàng làm tất cả những gì cần thiết nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng với trọng tâm là Trung Quốc, thậm chí điều này không làm hài lòng ông Trump. Nhưng mặt khác ông vẫn có cách để khiến Trump vui vẻ.

Giữa năm 2017, Trump nói với Wall Street Journal rằng, Cook sẽ xây ba nhà máy lớn tại Mỹ, tuy nhiên thông tin này sau đó là sai và Apple cũng từ chối xác nhận. Dẫu vậy, ảnh hưởng chính trị mà Cook tạo ra được đã mang lại nhiều lợi ích cho Apple.

Diệu Thanh (Theo Bloomberg)

 

 

Contact CEO Club

Contact us and we would love to to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928