Câu chuyện nổi tiếng nhất về “đam mê” tiểu tiết của tỷ phú dầu mỏ Rockerfeller là chuyện về một giọt chất lỏng trị giá hàng trăm nghìn USD.
John D. Rockefeller là người sáng lập Standard Oil năm 1870 và sau đó biến nó thành công ty lọc dầu lớn nhất thế giới. Ông nổi tiếng với danh hiệu “tỷ phú USD đầu tiên trên thế giới”. Nếu tính theo tỷ giá hiện tại, doanh nhân này ước tính sở hữu khối tài sản lên tới hơn 300 tỷ USD.
Rockefeller khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và đạt thành công từ khi còn rất trẻ. Năm 25 tuổi, ông kiểm soát một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất nước Mỹ. Năm 31 tuổi, ông làm chủ của đơn vị lọc dầu lớn nhất thế giới.
Ở tuổi 38, ông kiểm soát tới 90% lượng dầu tinh chế ở Mỹ. Khi nghỉ hưu ở tuổi 58, ông là người giàu nhất nước Mỹ và khi qua đời năm 97 tuổi, ông là người giàu nhất thế giới ở thời điểm đó.
Rockefeller được gọi là “thiên tài kinh doanh” vì chưa năm nào không kiếm được lợi nhuận. Thậm chí hoạt động của công ty ông điều hành còn thăng hoa trong thời kỳ suy thoái.
Vị tỷ phú từng tiết lộ một trong những bí kíp thành công của ông là “Hãy trở thành ‘bạo chúa’ của chính mình”. Ông nói: “Tôi thà là bạo chúa của chính mình còn hơn là để kẻ khác điều khiển”.
Phẩm chất nổi bật nhất của ông là sự tự chủ đến đáng kinh ngạc. Ông không ngừng rèn luyện ý chí, rèn luyện bản thân để làm chủ được cảm xúc và mong muốn trong cuộc sống. Ông đặt ra nhiều mục tiêu lớn rồi “tấn công” chúng bằng tinh thần làm việc hết mình.
Hơn ai hết, ông hiểu rằng nếu muốn trở thành ông chủ của chính mình, trước hết, bạn phải học cách làm chủ bản thân. Một tác giả từng viết sách về Rockefeller cho biết: “Ông ấy dường như được định sẵn để thành công ngay từ những thói quen hàng ngày và sự khôn ngoan có sẵn. Rockefeller thừa nhận mình có niềm đam mê với tiểu tiết”.
Về ngoại hình, ông luôn ăn mặc chỉnh tề, luôn cạo râu gọn gàng và đi giày được đánh sáng bóng. Khi tham gia các cuộc hẹn, ông chưa bao giờ đến muộn bởi ông tin rằng “không ai có quyền chiếm dụng thời gian của người khác một cách không cần thiết”. Trong làm ăn, ông luôn trả nợ cũng như hoàn thành hợp đồng đúng hạn.
Khi viết giấy tờ quan trọng, ông thường viết tới 5-6 bản nháp, trau chuốt diễn đạt, soát lỗi chính tả rồi mới đưa cho thư ký. Là chủ tịch của Standard Oil, ông luôn nắm bắt được mọi con số vì chúng cho phép ông theo dõi một cách khách quan tình hình hoạt động và biết khi nào dữ liệu không khớp với những gì cấp dưới báo cáo. Mọi chi phí của công ty đều được tính chi tiết đến vài chữ số thập phân. Châm ngôn mà Rockefeller tin vào là “Những gì có thể đo lường được thì sẽ quản lý được”.
Tuy nhiên, câu chuyện nổi tiếng nhất về sự chú ý đến tiểu tiết của Rockerfeller là chuyện về một giọt chất lỏng trị giá hàng trăm nghìn USD.
Vào đầu những năm 1870, trong một lần đi tham quan một nhà máy đóng lon dầu hỏa 5 gallon để xuất khẩu ở New York, Rockefeller nhìn thấy một chiếc máy đang hàn nắp vào thân lon dầu.
Ông hỏi người vận hành máy: “Bạn sử dụng bao nhiêu giọt chất hàn để hàn hoàn chỉnh một chiếc lon?”.
Người này đáp: “40 giọt, thưa ngài”.
Rockefeller hỏi tiếp: “Vậy bạn đã bao giờ thử dùng 38 giọt chưa?”.
“Thưa ngài chưa”.
“Bạn có phiền không nếu thử hàn một số lon bằng 38 giọt và cho tôi biết kết quả?”.
Sau đó, khi sử dụng 38 giọt chất hàn, họ phát hiện một số lon bị rò rỉ nhưng với 39 giọt, mọi thứ đều ổn. Cuối cùng, 39 giọt chất hàn đã trở thành tiêu chuẩn mới cho tất cả các nhà máy lọc dầu của Standard Oil.
Khi Rockerfeller tiết lộ kết quả, tất cả đều vô cùng bất ngờ: Chỉ 1 giọt “ăn bớt” trị giá vài xu đó đã giúp Standard Oil tiết kiệm 2.500 USD trong năm đầu tiên. Hoạt động xuất khẩu dầu của công ty tiếp tục tăng gấp đôi và thậm chí là gấp 4 lần, dẫn đến việc số tiền tiết kiệm được từ tiêu chuẩn 39 giọt chất hàn đã tăng lên đến hàng trăm nghìn USD.
Hơn ai hết, ông hiểu rằng ngay cả 1 xu tiết kiệm được cũng sẽ được nhân lên hàng nghìn lần đối với hoạt động kinh doanh khổng lồ của tập đoàn.
Ngoài chú ý đến tiểu tiết, Rockerfeller còn là một tỷ phú siêu tiết kiệm dù thừa khả năng để sống cuộc đời vương giả. Ông mặc quần áo đến khi rách mới thôi, đi tàu đi làm mỗi ngày, thậm chí giữ lại giấy gói và dây buộc của các gói hàng nhận được qua đường bưu điện.
Vợ chồng Rockefeller có 5 người con và họ trả công cho các con để làm việc nhà. Ví dụ, 10 xu cho việc gọt bút chì, 2 xu cho việc đập ruồi muỗi hay 15 xu/giờ cho việc chẻ củi.
Tuy sống tằn tiện nhưng Rockerfeller nổi tiếng là một nhà từ thiện hào phóng. Các khoản tài trợ của ông chủ yếu dành cho nhà thờ, khoa học, y tế và giáo dục.
Theo Mộc Tiên
Doanh nghiệp và tiếp thị
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!