Trong 12 năm giữ chức vụ giám đốc điều hành, Indra Nooyi đã đưa Pepsi tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành một trong những công ty sản xuất đồ uống, thực phẩm thành công nhất.
Indra Nooyi, người phụ nữ đứng đằng sau thành công của Pepsi. Ảnh: Bloomberg.
Theo Forbes, Stefan Stern, một cây bút chuyên viết về các nhà lãnh đạo và nghệ thuật lãnh đạo, cho biết Indra Nooyi hiểu rằng thế giới đang thay đổi thái độ và thói quen về sức khỏe và dinh dưỡng. Việc đẩy mạnh bán đồ uống có đường và thức ăn nhẹ sẽ không phải là công thức chiến thắng cho Pepsi.
Vì vậy, trong năm 2007 (chỉ sau 1 năm khi trở thành giám đốc điều hành của Pepsi), bà quyết định giảm thiểu lượng đường và muối trong các sản phẩm đồ uống và thức ăn nhanh của hãng.
Khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu vào năm sau và doanh số các sản phẩm của hãng đi xuống, các cổ đông của Pepsi lập tức chỉ trích kế hoạch của Nooyi. Tuy nhiên, bà vẫn tiếp tục thực hiện mục tiêu đề ra, đầu tư vào quảng cáo và đội ngũ lãnh đạo thay vì cắt giảm.
Vì vậy, việc kinh doanh của Pepsi ngày càng đi vào ổn định. Từ năm 2016, kết quả tài chính quý của Pepsi bắt đầu vượt mong đợi. Doanh thu Pepsi tăng trưởng từ 35 tỷ USD vào năm 2006 lên đến 63,5 tỷ USD vào năm 2017. Một nửa trong đó là doanh thu từ các sản phẩm đồ uống và thức ăn nhanh lành mạnh.
Thành công này bắt nguồn từ cách bà Nooyi lãnh đạo Pepsi. Và CNBC đã chỉ ra một số điều quan trọng trong cách lãnh đạo của bà.
Có một tầm nhìn
Khi đảm nhiệm một vị trí, điều quan trọng khi tạo ra tầm nhìn và chia sẻ với các cộng sự. Sẽ dễ dàng hơn để đạt được mục tiêu khi bạn biết rằng mình đang hướng tới điều gì. Đó chính xác là điều mà Indra Nooyi đã làm khi chuyển từ vị trí giám đốc tài chính sang giám đốc điều hành của Pepsi.
Bà đã nghiên cứu trong vai trò mới: Theo dõi nền kinh tế, xem xét các xu hướng và phát hiện ra thời kỳ khó khăn đang ở phía trước. Indra đã thấy thấp thoáng một cuộc khủng hoảng tài chính và sự tăng trưởng từ các thị trường mới nổi. Câu hỏi lớn của bà là: Làm thế nào để có thể chèo lái công ty vượt qua được những sự thay đổi này?
Indra Nooyi cho biết: “Có rất nhiều lo ngại khi tôi đảm nhận vị trí CEO của công ty. Tôi nhận ra rằng mình cũng có những lo ngại như vậy nhưng đối với công ty, tôi phải thể hiện được sự tự tin, lạc quan, một tinh thần có thể làm mọi thứ và quyết tâm phải làm”.
Bà cho biết, những người lãnh đạo cần phải thành thật: Điều duy nhất tôi học được là đừng bao giờ nói dối. Đừng nói với mọi người về điều gì đó khi mà sự thật lại khác xa”.
Những người lãnh đạo cũng cần truyền đạt lại kế hoạch. Indra sẽ cho các nhân viên biết chính xác họ sẽ làm gì trong các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn: “Tôi nói với họ cần giữ hiệu suất làm việc trong ngắn hạn. Trong tâm của kế hoạch trung hạn là những gì chúng tôi sẽ thâu tóm để củng cố các danh mục đầu tư tại các thị trường mới nổi và đang phát triển. Đối với kế hoạch dài hạn, chúng tôi sẽ phát triển các trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển), bắt đầu chuyển đổi các danh mục đầu tư…”.
Can đảm với niềm tin của mình
Các nhà lãnh đạo luôn là người đưa ra quyết định lớn nhưng điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt là khi liên quan đến số tiền lớn. Điều quan trọng là dành thời gian nghiên cứu, lắng nghe những người khác và sử dụng thông tin đó để đưa ra quyết định.
Indra là bậc thầy trong việc nghiên cứu và phân tích sâu sắc trước khi đưa ra quyết định. Khi còn là giám đốc tài chính của Pepsi, bà đã đưa ra một quyết định táo bạo là đại tu các hệ thống công nghệ thông tin của công ty. Đó là một dự án trị giá 1 tỷ USD và bà phải đối mặt với nhiều hoài nghi.
Tuy nhiên, Indra biết rằng phải chắc chắn rằng dự án đang làm là điều đúng đắn. Trong kỳ nghỉ, bà đã nghiên cứu vấn đề từ mọi góc độ, đọc 10 quyển sách về công nghệ thông tin cũng như gọi điện cho các giáo sư để có câu trả lời các vấn đề.
Bằng cách này, Indra kết luận rằng công ty không có lựa chọn nào khác ngoài việc thay thế hệ thống. Bà áp đảo sự hoài nghi thông qua kiến thức và năng lực. Và cũng vì vậy, không ai hối hận về quyết định này.
Giải phóng sức mạnh của nhân viên
Thực tế chứng minh rằng các công ty thành công đều có một nền văn hóa nơi mỗi nhân viên đều cảm thấy công việc của mình có giá trị. Bất kể vị trí nào, họ đều biết sẽ có cơ hội để đóng góp và tạo ra sự khác biệt.
Không hề nghi ngờ rằng mọi người thích làm việc cho Pepsi và niềm tin của Indra vào mọi người thúc đẩy văn hóa công nhận. Bà biết cách tận dụng sức mạnh của sự công nhận dẫn đến kết quả tích cực.
Trong khi Pepsi có nhiều chương trình khen thưởng khác nhau, từ cá nhân đến nhóm, thì Indra hài lòng nhất khi viết thư cho cha mẹ của các thành viên trong đội.
Indra Nooyi cho biết: “Tôi kể với các bậc phụ huynh về việc con của họ đang làm một công việc tuyệt vời. Và khi cuối ngày, bố mẹ bạn nói với bạn: ‘Chúng ta rất tự hào về con. Sếp con vừa viết thư cho chúng ta nói rằng con rất tuyệt vời ‘. Điều đó đáng giá hơn tiền bạc, giá cổ phiếu tăng, trúng vé số hay bất cứ thứ gì khác”.
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!