Những gì mà Tesla đã làm được trên thị trường xe điện buộc các công ty sản xuất ô tô truyền thống phải có những đánh giá và nhìn nhận lại khi tham gia vào lĩnh vực này.
Nếu bạn muốn thấy công nghệ và sự phi toàn cầu hóa thay đổi thế giới như thế nào, cách đơn giản nhất là nhìn vào sự biến động của ngành công nghiệp xe hơi. Lĩnh vực này không chỉ trải qua một sự thay đổi mang tính thời đại, từ rời xa động cơ đốt trong để chuyển sang xe điện, mà ô tô ngày nay giống như những chiếc PC có gắn bánh xe, phụ thuộc nhiều vào công nghệ và hiệu suất xử lý, theo The Economist.
Khi đại dịch COVID-19 tàn phá chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô, nổi bật nhất là gián đoạn cung ứng chất bán dẫn, các nhà sản xuất ô tô đã chuyển hướng sang điện khí hóa, máy tính hóa và trang bị lại chuỗi cung ứng của họ cho cuộc sống mới. Một trong những lĩnh vực lâu đời nhất đang trải qua sự chuyển đổi lớn trong nhiều thập kỷ.
Trong suốt chiều dài lịch sử, các công ty thường thuê đơn vị bên ngoài để sản xuất, bao gồm việc tập trung vào thiết kế, quản lý nhà cung ứng và lắp ráp phụ tùng. Tuy nhiên, giờ đây các hãng ô tô muốn kiểm soát tốt hơn chuỗi giá trị của họ, từ những chi tiết nhỏ nhất. Họ muốn biến một nhánh của ngành ô tô thành các startup công nghệ.
Tesla hướng tới việc tự làm mọi thứ. (Ảnh: WRAL TechWire).
Ví dụ cho sự thay đổi rõ ràng nhất, có thể nhìn vào Tesla, công ty xe điện lớn nhất thế giới hiện tại do tỷ phú Elon Musk điều hành. Theo nhận định của The Economist, trái với các công ty ô tô truyền thống, Tesla hướng tới việc tự làm mọi thứ. Đây là một ý tưởng mới mà cũ.
Thực tế, CEO Elon Musk cũng tham khảo rất nhiều từ những người đi trước. Huyền thoại ngành ô tô Henry Ford từng lấy nguyên liệu thô từ các đồn điền và lò luyện kim thuộc sở hữu của công ty. Tương tự, nhà máy River Rouge của ông ở Detroit cũng hoạt động bằng than từ các mỏ của Ford.
Tesla gần đây cũng có chiều hướng vận hành giống như những gì Henry Ford từng làm. Công ty đạt được nhiều thỏa thuận với các hãng khai thác lithium và than chì, hai chất liệu quan trọng trong việc sản xuất pin. Công ty đã ký hợp đồng với một đơn vị có tên Vale của Brazil để mua niken. Tesla dự kiến mua trực tiếp phần lớn lithium, hơn một nửa cobalt và khoảng 1/3 lượng nkien từ 9 công ty khai khoáng.
Các nguyên vật liệu sẽ được Tesla sử dụng trực tiếp trong các nhà máy của mình. Công ty xe điện do Elon Musk điều hành bắt đầu tự sản xuất pin khi hợp tác với ông lớn Panasonic vào năm 2017. Kể từ đó, Tesla dần phát triển thêm khả năng tự sản xuất của mình.
Không chỉ pin, Tesla cũng hướng tới việc tự sản xuất các thành phần trong dây chuyền hệ thống truyền động. CEO Credit Suisse Dan Levy chia sẻ việc Tesla tự làm động cơ và nhiều thiết bị khác giúp họ có khả năng kiểm soát chi phí tốt hơn. Kể cả khi việc sở hữu riêng một nhà máy chip khó có thể trở thành hiện thực, công ty xe điện này vẫn quyết định tự mình sản xuất. Tesla và Elon Musk cũng có mối quan hệ được coi là bền chặt hơn so với các nhà sản xuất chip.
Thậm chí, ngay kể cả mô hình bán hàng của Tesla cũng tạo ra sự khác biệt so với các hãng ô tô truyền thống. Nhiều doanh nghiệp ô tô trước giờ ưu tiên việc bán hàng qua đại lý, nhưng Tesla ưu tiên việc tự mở cửa hàng.
Các hãng xe ô tô học theo Tesla
Trên thị trường hiện nay, lãnh đạo các hãng xe khác đang muốn làm theo mô hình của Elon Musk. Theo UBS, hội nhập chỉ thể hiện lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ trong môi trường chuỗi cung ứng chặt chẽ về cấu trúc. Điều đó giờ không còn mữa. CEO Ford Jim Farley gần đây còn tuyên bố: “Điều quan trọng nhất là chúng ta tích hợp theo chiều dọc. Henry Ford đã đúng”.
Điều này sẽ đảo ngược xu hướng hàng thập kỷ qua, rằng các hãng ôtô chỉ tập trung vào thiết kế, tiếp thị, lắp ráp và quản lý chuỗi cung ứng. Còn các bộ phận của chiếc xe chủ yếu do một số nhà cung cấp lớn như Bosch, Continental và Denso đảm trách.
Chẳng cần nói đâu xa, trong thời kỳ điện khí hóa, các hãng ô tô đang dần chuyển hướng sang xe điện với kỳ vọng sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc và Hàn Quốc. Gã khổng lồ Volkswagen là một ví dụ. Nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới đã đưa sản xuất về Đức khi chi 2,1 tỷ USD cho một nhà máy tại quốc gia này và dự kiến xây thêm 6 nhà máy khác trên khắp châu Âu vào năm 2030.
Volkswagen cũng là một ví dụ khác cho việc tự phát triển phần mềm, giống những gì mà Tesla đã làm. Chủ tịch Herbert Diess của công ty từng khẳng định rằng việc tự phát triển phần mềm là sự thay đổi lớn nhất, đánh dấu bước ngoặt của công ty trên thị trường ô tô.
Dù vậy, riêng với ngành xe điện, ngân hàng Barclays nhận định rằng để bắt kịp Tesla, các công ty xe điện khác phải có sự thay đổi “đáng kinh ngạc”. Điều này đồng nghĩa với việc cần phải có sự thay đổi trong nhiều bộ phận để tăng tốc trên đường đua.
Sẽ không dễ để một công ty sản xuất ô tô truyền thống rẽ ngang sang thị trường xe điện và bắt kịp Tesla trong “một sớm một chiều”. Chắc chắn các công ty ô tô còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là làm sao để thay đổi các vấn đề mà không gây ra những phản ứng tiêu cực từ người lao động và các nhà đầu tư.
Doanh Chính
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!