Trong kịch bản tích cực, BSC cho rằng kế hoạch giải ngân bị dồn nén lại sau hai năm COVID-19 sẽ bùng nổ trong năm 2022, làm đẩy mạnh quá trình giải ngân vốn FDI.
Trong báo cáo vĩ mô và thị trường năm 2022, Chứng khoán BSC ước tính giải ngân vốn FDI năm 2022 sẽ đạt khoảng 21,4 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ, ở kịch bản thứ nhất.
Trong kịch bản thứ hai tích cực hơn, BSC dự báo giải ngân vốn FDI có thể đạt 22,2 tỷ USD trong năm nay. Tình trạng giải ngân vốn FDI dự báo tăng mạnh và đạt 12,4% so với cùng kỳ sau khi suy giảm trong hai năm 2020 -2021.
Theo BSC, kế hoạch giải ngân bị dồn nén lại sau hai năm COVID-19 sẽ bùng nổ trong năm 2022 khi nhu cầu tiêu dùng thế giới hồi phục mạnh kéo theo hiện tượng gia tăng năng suất tại các xưởng nhà máy và từ đó, làm đẩy mạnh quá trình giải ngân vốn FDI trong năm 2022.
Nhận định về dòng vốn FDI trong năm 2021, BSC cho biết bất chấp dịch bệnh căng thẳng, Việt Nam vẫn tiếp tục đón nhận nhiều dự án lớn. Vốn FDI đăng ký cao hơn chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Điều này cho thấy xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất cung ứng vẫn đang được củng cố.
BSC cũng chỉ ra một số yếu tố có khả năng tác động đến FDI của Việt Nam như việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 khả quan giúp đảm bảo năng suất hoạt động cao tại các nhà máy FDI.
Ngoài ra, kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh cũng tác động tích cực tới FDI. Khi nhu cầu tiêu dùng thế giới tăng trưởng mạnh trở lại sẽ là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp FDI gia tăng tốc độ giải ngân tại Việt Nam nhằm nâng cao sức sản xuất cũng như nhu cầu hồi phục của thế giới.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã là thành viên của nhiều hiệp định thương mại song và đa phương có quy mô lớn như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; Hiệp định EVFTA; các hiệp định thương mại song phương với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh,…
Theo BSC, vị trí địa lý thuận lợi cùng với các điều khoản về hiệp định thương mại với các nền kinh tế lớn mạnh sẽ tiếp tục duy trì sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, làn sóng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc được củng cố. Chẳng hạn như, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc chưa đến hồi kết sẽ tiếp tục ủng hộ xu hướng chuyển dịch này.
Chính sách môi trường mới gây nên khủng hoảng năng lượng và tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc đã đẩy chi phí sản xuất tăng cao và làm giảm năng suất của các nhà máy.
Những điều này sẽ khiến các chuỗi doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục giảm thiểu rủi ro tập trung Trung Quốc và phân tán chuỗi cung ứng sản xuất sang các quốc gia xung quanh.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 20/12/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 19,74 tỷ USD, giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, vốn đăng ký mới: Có 1.738 dự án mới được cấp GCNĐKĐT (giảm 31,1%), tổng vốn đăng ký đạt trên 15,2 tỷ USD (tăng 4,1% so với cùng kỳ).
Vốn điều chỉnh: Có 985 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 13,6%), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 9 tỷ USD (tăng 40,5% so với cùng kỳ).
Góp vốn, mua cổ phần: Có 3.797 lượt GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 38,2%), tổng giá trị vốn góp đạt gần 6,9 tỷ USD (giảm 7,7% so với cùng kỳ).
Về cơ cấu vốn FDI, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 18,1 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 5,7 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản; bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là trên 2,6 tỷ USD và trên 1,4 tỷ USD. Còn lại là các ngành khác.
Về đối tác, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 19,1% so với cùng kỳ 2020. Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 5 tỷ USD, chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư, tăng 25,4% so với cùng kỳ.
Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,9 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư, tăng 64,6% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,…
Về địa bàn, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 2021. Hải Phòng vượt qua Long An vươn lên dẫn đầu top 10 tỉnh thành hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5,26 tỷ USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Long An xếp thứ hai với trên 3,84 tỷ USD, chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư cả nước. TP HCM đứng vị trí thứ ba với gần 3,74 tỷ USD, chiếm gần 12% tổng vốn đầu tư, giảm 14,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Bắc Ninh, Hà Nội,…
Nguồn: Doanh Nghiệp & Kinh Doanh
Footer Subheading
Message Submitted!