Cũng tương tự như các thị trường du lịch bùng nổ, nơi người dân mở nhà hàng, quán vỉa hè để kiếm thu nhập từ du khách, kinh doanh quán cà phê tại Hàn Quốc là một cách khởi nghiệp thời thượng…
Ảnh: Korea Bridge
Ở Hàn Quốc có nhiều loại hình quán cà phê ít thấy ở những quốc gia khác từ cà phê cưới hỏi cho đến quán cà phê ngủ, bói bài, hẹn hò, thú cưng… Số liệu từ Tổng công ty Thương mại Nông thủy sản & Thực phẩm Hàn Quốc, tính đến cuối năm 2022, có hơn 99.000 quán cà phê ở Hàn Quốc bất chấp những khó khăn của đại dịch, lạm phát hay bất ổn kinh tế. Đây cũng là con số kỷ lục từ trước đến nay tại Hàn Quốc về số quán cà phê tồn tại. Số lượng quán cà phê tại Hàn Quốc đạt mức tăng trưởng 21%/năm – mức kỷ lục mà đất nước này từng ghi nhận.
Nhưng khi ngày càng có nhiều người tham gia vào “miếng bánh” này, các cửa hàng cà phê buộc phải bước vào cuộc chiến cạnh tranh khác mang tên giảm giá để duy trì hoạt động. Thị trường càng phát triển thì các chuỗi cà phê từ lớn đến bé càng cạnh tranh gay gắt. “Nếu quán bên cạnh bán đồ rẻ hơn, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc giảm giá đồ uống của mình. Một ly Americano có giá 2.500 won (2 USD), đã giảm hơn một nửa xuống còn dưới 1 USD sau khoảng 3 năm”, một chủ quán cho hay.
Gà rán vốn là món ăn ưa thích số 1 của người dân và cũng là cửa hàng hay được mở nhiều nhất trước đây. Bất cứ ai đến xứ sở kim chi chắc chắn phải thưởng thức món gà và bia địa phương, hay còn gọi là “chimac”. Dữ liệu từ nhà cung cấp nghiên cứu thị trường Euromonitor International cho thấy Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ gà rán lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Cứ 20 nhà hàng thì có một quán bán gà rán đạt doanh thu đến 8 tỷ USD/năm, đây là một trong những mô hình kinh doanh tư nhân phổ biến nhất ở Hàn Quốc mang lại lợi nhuận khổng lồ.
Tuy nhiên hiện nay, quán cà phê đã nhanh chóng vượt qua với số lượng quán mở mới kỷ lục. Đây là thức uống có thể đáp ứng đúng sở thích của nhiều lứa tuổi bởi tính đa dạng, có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau. Những người trẻ xứ sở kim chi có thói quen uống cà phê thường xuyên, có người uống 3 – 5 ly cà phê một ngày, bắt đầu buổi sáng, trên đường, sau bữa cơm, sau tan ca, cà phê tối… Họ cần cà phê để giữ cho mình sự tỉnh táo. Nhưng ngoài sự tỉnh táo, có lẽ người ta cũng sẽ tìm đến cà phê bởi sự mới lạ, độc đáo và ngon miệng.
Quá nhiều người mở quán, dẫn đến tình trạng các cửa hàng buộc phải cạnh tranh nhau về giá để sống sót.
Trong năm 2021, số lượng quán đã tăng 21% và tỷ lệ là 17,4% vào năm ngoái. Theo tờ Korea Joongang Daily, Hàn Quốc là một chiến trường nóng bỏng cho ngành cà phê, nhất là những cửa hàng cà phê nhỏ tự phát. Thị trường này từng được ví vui là “quốc gia cà phê” khi có đến 99.000 quán trên diện tích nhỏ chưa bằng bang Kentucky của Mỹ. Con số này cao hơn số lượng 80.000 cơ sở nhà hàng gà rán đang hoạt động.
Các nhà phân tích cho rằng việc tiêu thụ cà phê phổ biến và sự gia tăng của các nhà khởi nghiệp bằng nguồn vốn thấp là lý do đằng sau cơn sốt cà phê ở Hàn Quốc. Tại Quận Jung nằm ở trung tâm thủ đô Seoul, có những tòa nhà cho thuê đến 4 cửa hàng cà phê cùng một tầng, qua đó tạo ra những cuộc cạnh tranh về giá cực kỳ khốc liệt. Hầu như tại mỗi con hẻm tại các thành phố lớn của Hàn Quốc đều có ít nhất 3 – 4 quán cà phê, từ những thương hiệu quốc tế hay chuỗi nội địa cho đến các quán nhỏ tự phát.
Nhu cầu lớn đi kèm với việc chi phí mở cửa hàng chỉ vào khoảng 50 – 70 triệu Won, chưa tính giá thuê mặt bằng, khiến rất nhiều cá nhân có thể “khởi nghiệp” trở thành ông chủ. Một địa diện của Coffee Design cho biết: “Thế hệ trẻ thường ‘nhảy’ vào dịch vụ này vì nghĩ rằng họ có đủ khả năng. Nhiều người trong số họ chỉ đơn giản là đã có kinh nghiệm làm việc bán thời gian quán cà phê. Không cần quá nhiều vốn cũng là lý do quan trọng”.
Tờ Korea Joongang Daily cho biết nhiều chuỗi cửa hàng cà phê hiện đã hạ giá một cốc Americano xuống còn 900 Won, rẻ hơn cả những cốc cà phê bán trong các siêu thị tiện lợi, buộc vô số các cửa hàng khác phải đóng cửa vì không chịu nổi cuộc chiến về giá. Trong khi đó, các loại đồ uống có giá đắt hơn khác, ngoài cà phê Americano, cũng đang trở nên ít sinh lời hơn do chi phí nguyên liệu pha chế ngày càng tăng lên.
Những người trẻ xứ sở kim chi có thói quen uống cà phê thường xuyên, có người uống 3 – 5 ly cà phê một ngày.
“Gần đây, giá một hộp kem 1 lít tăng từ 6.000 won lên 9.000 won, trong khi một hộp sữa 1 lít tăng từ 1.800 won lên 2.000 won, khiến việc vận hành quán càng khó nhằn hơn”, chủ một quán cà phê gần ga Seonjeongneung ở quận Gangnam, phía nam Seoul, bày tỏ. Không thiếu cửa hàng đã buộc phải đóng cửa.
Barsali Bhattacharyya, quản lý tại Economist Intelligence Unit (EIU), cho biết: “Các doanh nghiệp chuỗi đó có thể bán giá thấp như vậy do lợi thế quy mô. Họ có thể mua sỉ nguyên liệu và do đó yêu cầu mức giá tốt hơn từ các nhà cung cấp. Các cửa hàng bán lẻ nhỏ không có lợi thế này và họ phải chịu chi phí đầu vào cao hơn nhiều”. Lý do khiến Hàn Quốc phải đối mặt với những vấn đề như vậy là do nước này nhập khẩu gần một nửa lượng lương thực. Hàn Quốc là một trong những nền kinh tế châu Á chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ giá cả tăng vọt trên thế giới, bởi phụ thuộc vào các quốc gia khác đối với nhiều loại thực phẩm.
Jin Sang-heon, người điều hành Cafe Ma ở Gimpo, tỉnh Gyeonggi, đã đóng cửa quán của mình sau 6 tháng hoạt động. Việc kinh doanh của anh bắt đầu gặp khó khăn sau khi một cửa hàng nhượng quyền cà phê bình dân, giá rẻ được mở ngay đối diện, chỉ một tháng sau khi anh khai trương quán của mình. Để cạnh tranh, Jin bắt đầu chương trình giảm giá cho khách mua vào buổi sáng. Song, động thái này vẫn không ăn thua. Cuối cùng, việc dừng lại là không thể tránh khỏi để tránh thua lỗ nặng thêm.
Hàn Quốc là một chiến trường nóng bỏng cho ngành cà phê, nhất là những cửa hàng cà phê nhỏ tự phát.
Các nhà phân tích đánh rằng các quán cà phê nói chung có thể tồn tại nếu họ có thể chi trả tiền thuê mặt bằng hàng tháng nếu số tiền bằng doanh số bán hàng trong 4 ngày. Chẳng hạn, nếu tiền thuê nhà là 1 triệu won/tháng, doanh thu hàng ngày phải chạm mốc 300.000 won. “Doanh thu một ngày không vượt quá 100.000 won. Tôi bị thâm hụt trung bình hơn 1,5 triệu won/tháng”, anh Jin Sang-heon nói. Dù chăm chỉ làm việc 12 tiếng/ngày, người đàn ông không thể hòa số chi phí khởi nghiệp 70 triệu won.
“Hiện nay, cuộc chiến cà phê đang ngày càng nóng bỏng khi quán mới lấy mất khách của quán cũ. Cứ mỗi một quán mới mở là sẽ khiến 2 quán cũ phải đóng cửa”, CEO Hyeon Hyeok của hãng Broaden Coffee, chuyên cung cấp hạt cà phê cho 280 quán cà phê tại Hàn Quốc nói, đồng thời cảnh báo việc nhiều người trẻ nhảy vào lĩnh vực này mà không có sự tìm hiểu kỹ. Số liệu của Seoul Metropolitan cho thấy trong năm 2022, riêng tại thủ đô Seoul đã có khoảng 2.187 quán cà phê đóng cửa, tương đương có 6 quán sập tiệm mỗi ngày.
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!