Mặc dù tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong 2 tháng đầu năm 2023 giảm tới 13,4% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng do xuất khẩu cao hơn nhập khẩu nên cán cân thương mại tiếp tục nghiêng về xuất siêu với 3,44 tỷ USD…
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 2/2023 (từ ngày 16/02 đến ngày 28/02/2023) đạt 23,16 tỷ USD, giảm 10,3% (tương ứng giảm 2,66 tỷ USD) so với nửa đầu tháng 02/2023.
Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 02/2023 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 95,83 tỷ USD, giảm 13,4% (tương ứng giảm 14,83 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 68,2 tỷ USD, giảm 11,8% (tương ứng giảm 9,15 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 27,62 tỷ USD, giảm 17,1% (tương ứng giảm 5,68 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể về xuất khẩu, trong kỳ 2 tháng 2/2023 đạt 12,47 tỷ USD, giảm 7,2% (tương ứng giảm 972 triệu USD) so với kỳ 1 tháng 2/2023.
Một số nhóm hàng có trị giá xuất khẩu kỳ 2 tháng 2/2023 biến động giảm so với kỳ 1 tháng 02/2023, bao gồm: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 492 triệu USD (tương ứng giảm 21%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 166 triệu USD (tương ứng giảm 8,1%); phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 139 triệu USD, (tương ứng giảm 23%)…
Như vậy, tính chung 2 tháng đầu năm 2023, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 49,64 tỷ USD, giảm 10% (tương ứng giảm 5,55 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 2 tháng 2/2023 đạt 9,23 tỷ USD, giảm 9% (tương ứng giảm 914 triệu USD) so với kỳ 1 tháng 2/2023, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa trong 2 tháng đầu năm 2023 của nhóm các doanh nghiệp này lên 37,34 tỷ USD, giảm 7,3% (tương ứng giảm 2,93 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 75,2% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Từ chiều ngược lại, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 2/2023 đạt 10,69 tỷ USD, giảm 13,7% (tương ứng giảm 1,69 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 2/2023.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 02/2023 giảm so với kỳ 1 trước đó chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 651 triệu USD (tương ứng giảm 19,9%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 188 triệu USD (tương ứng giảm 12,3%); xăng dầu các loại giảm 143 triệu USD (tương ứng giảm 32,8%)…
Như vậy, tính chung 2 tháng đầu năm 2023, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 46,2 tỷ USD, giảm 16,7% (tương ứng giảm 9,28 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 7,02 tỷ USD, giảm 14,3% (tương ứng giảm 1,17 tỷ USD) so với kỳ 1 tháng 02/2023. Tính trong 2 tháng đầu năm 2023, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 30,87 tỷ USD, giảm 16,8% (tương ứng giảm 6,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 66,8% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Với kết quả trên, trong kỳ 2 tháng 2/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,78 tỷ USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023 cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 3,44 tỷ USD.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang chịu nhiều tác động từ cả bên trong và bên ngoài, thì việc tiếp tục xuất siêu là tín hiệu đáng mừng. Đây không chỉ thể hiện vị thế của Việt Nam trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, mà còn là một trong những kết quả và cũng là một trong những yếu tố tạo tiền đề cho quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, việc xuất siêu trong 2 tháng đầu năm 2023 cũng đang để lại nhiều lo ngại, bởi xuất siêu không phải do xuất khẩu tăng, mà ngược lại còn bị giảm 10%. Đáng chú ý, hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt, may sụt giảm tới 19,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng ghi nhận sự sụt giảm 10,9%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, xuất siêu cũng là do nhập khẩu giảm sâu hơn xuất khẩu (-16,7% so với -10%). Nhập khẩu giảm sẽ ảnh hưởng đến lượng thiết bị, vật tư cung cấp cho sản xuất ở trong nước và đây là một trong những yếu tố làm cho chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2023 giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 5,6%)
Bộ Công Thương cho biết theo chu kỳ những năm trước, nhập siêu thường đến trong các tháng đầu năm do các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu. Nhưng năm nay, với việc thiếu vắng các đơn hàng từ các thị trường chính, tình hình nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đã có phần trầm xuống. Điều này cũng cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu nhiều khả năng vẫn còn khó khăn trong những tháng tới.
Footer Subheading
Message Submitted!