Trong 5 tháng đầu năm 2023, tính trung bình mỗi mỗi ngày có hơn 586 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội được Tổng cục Thống kê mới công bố cho biết, trong tháng Năm cả nước có hơn 12.000 doanh nghiệp thành lập mới và 5.952 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
Trong chiều ngược lại, trong tháng Năm có 5.364 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; có 4.717 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; có 1.223 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Tính chung 5 tháng đầu năm, 95.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Trong khi đó, Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 88.000 doanh nghiệp (55.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 25.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 7.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể), tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng có 17.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thi trường.
Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm
Cũng theo Tổng cục Thống kê, do tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,1%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Tổng cục Thống kê cho biết, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm.
Cụ thể, địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 5 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước: Quảng Nam giảm 36,7%; Bắc Ninh giảm 19,1%; Vĩnh Long giảm 16,6%… Các địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện giảm: Hà Giang giảm 33,4%; Lai Châu giảm 28,5%; Sơn La giảm 11,9%…
Thu ngân sách giảm
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm 2023 ước giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi, chi ngân sách ước tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 769.600 tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán năm. Trong chiều ngược lại, 5 tháng đầu năm 2023 chi ngân sách ước đạt 653.100 tỷ đồng, bằng 31,5% dự toán năm.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm mạnh
Theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 9,8 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 0,24 tỷ USD). Tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu có xu hướng giảm mạnh. 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 262,54 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 37,2 tỷ USD. Còn Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 43,4 tỷ USD.
Nguồn: VTV
29/5/2023
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!