Bà Amanda Murphy – Giám đốc khối Ngân hàng Thương mại cho HSBC tại Nam Á và Đông Nam Á – nhận định, triển vọng kinh tế của Đông Nam Á tiếp tục nổi bật trong khi thế giới đối mặt với lạm phát và nhu cầu yếu. Dịch chuyển chuỗi cung ứng, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số sẽ là những động lực thúc đẩy khu vực trong tương lai.
Lợi thế từ RCEP, CPTPP
HSBC dự báo, 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á – Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam – tăng trưởng 4,2% trong năm nay và 4,8% trong năm 2024. Tốc độ tăng trưởng của Đông Nam Á sẽ vượt xa mức tăng 1,1% dự kiến trong năm 2023 và 0,7% trong năm sau ở các nước phát triển.
Mức tăng trưởng này càng đáng chú ý hơn khi dòng tiền từ khách du lịch Trung Quốc tới Đông Nam Á không được như dự kiến. Cụ thể, Thái Lan và Singapore – 2 điểm đến phổ biến của khách du lịch Trung Quốc – có lượng khách chỉ bằng khoảng 1/3 so với mức trước COVID-19.
Phục hồi du lịch chắc chắn mang lại những lợi ích cho Đông Nam Á. Tuy nhiên, bà Amanda Murphy lưu ý, các yếu tố gồm thương mại, chuyển đổi số và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net zero) sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ tới.
Đồng thời, những yếu tố đó cũng giúp đảm bảo rằng, khu vực năng động này tiếp tục là động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Theo Giám đốc Ngân hàng HSBC tại Nam Á và Đông Nam Á, khu vực Đông Nam Á đang được hưởng lợi từ việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu khi tham gia hai trong số các Hiệp định Thương mại tự do lớn nhất thế giới là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Chỉ riêng RCEP, việc giảm thuế và quy tắc xuất xứ thân thiện với doanh nghiệp, đang làm tăng sức hấp dẫn của Đông Nam Á như một cơ sở sản xuất. Đây là điều mà các doanh nghiệp nhận ra. Trong cuộc khảo sát gần đây của HSBC, các doanh nghiệp châu Á – Thái Bình Dương có kế hoạch đặt 24,4% chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á trong vòng 1-2 năm tới, tăng từ mức 21,4% năm 2020.
Khi các doanh nghiệp đa dạng hóa và áp dụng chiến lược sản xuất “Trung Quốc + 1″, Đông Nam Á sẽ tiếp tục giành được thị phần. Lượng vốn FDI đổ vào Đông Nam Á được dự kiến tăng khi trọng tâm của sản xuất toàn cầu tiếp tục thay đổi.
Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số
Chuyển đổi xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 được nhận định là xu hướng cấu trúc thứ 2 mang lại những cơ hội to lớn khi Đông Nam Á chạy đua để xanh hoá lưới điện.
Để thúc đẩy sự phát triển của khu vực, nhu cầu về năng lượng tiếp tục tăng nhanh. Hầu hết năng lượng cung cấp cho Đông Nam Á đến từ nhiên liệu hóa thạch, do đó, bà Amanda Murphy cho rằng, việc Indonesia và Việt Nam – hai trong số những nền kinh tế năng động nhất khu vực – công bố Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) với G7 và các quốc gia phát triển khác là thông tin đáng khích lệ.
Theo mô hình tài trợ mới, hàng chục tỉ USD tài chính công và tư nhân sẽ được huy động, xúc tác cho quá trình phi carbon hoá trong ngành điện, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của 2 nước.
Nguồn lực lạc quan dài hạn thứ 3 về Đông Nam Á là việc chuyển đổi kỹ thuật số của nền kinh tế khu vực. Đông Nam Á có nền kinh tế kỹ thuật số sôi động, trị giá gần 200 tỉ USD trong năm ngoái và dự kiến vượt qua quy mô 300 tỉ USD vào năm 2025. Thêm vào đó, 460 triệu dân số kết nối Internet. Do đó, các doanh nghiệp đang chuyển đổi mô hình kinh doanh để đáp ứng kịp sự thay đổi hành vi của khách hàng.
Nền tảng cho bùng nổ kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á là sự phổ biến của thanh toán theo thời gian thực trong khu vực.
Nguồn: Báo Lao động
27/7/2023
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!