Nhìn lại tăng trưởng GDP

(KTSG) – Tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2010-2022 là 6,1%. Tuy nhiên, giai đoạn này cần chia ra trước và sau đại dịch Covid-19. Tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2010-2019 là 6,6%; giai đoạn 2019-2022 là 4,4%. Cần lưu ý rằng tăng trưởng GDP năm 2022 so với năm 2021 cao tới 8,02% do hai năm 2020 và 2021 tăng trưởng GDP rất thấp, tương ứng 2,9% và 2,6%.

Trong hai năm 2020 và 2021, nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn giữ được mức tăng trưởng giá trị tăng thêm (3% và 3,1%) bằng hoặc cao hơn mức tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân giai đoạn 2010-2019 (3%). Tăng trưởng giá trị tăng thêm của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong hai năm 2020 và 2021 giảm rất sâu, tương ứng là 5% và 6%, trong khi tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân của nhóm ngành này giai đoạn 2010-2019 là 9,7%.

Hầu hết các ngành dịch vụ có tăng trưởng giá trị tăng thêm giảm trong hai năm 2020 và 2021, như vận tải kho bãi (giảm 3,1%), dịch vụ ăn uống, lưu trú (giảm 20%), hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (giảm 15,4%); nghệ thuật, vui chơi giải trí (giảm 9%); hoạt động dịch vụ khác (giảm 9,4%). Tuy nhiên, trong bối cảnh ảm đạm chung thì hoạt động y tế và trợ giúp xã hội lại có mức tăng trưởng thần kỳ, với năm 2020 tăng trưởng của ngành này là 10,4% và bùng nổ vào năm 2021, tăng tới 41%.

Tăng trưởng của nhóm ngành này từ sự tăng lên bất thường của hai nguồn, nguồn ngân sách (tiêm chủng Covid-19 miễn phí cho toàn dân) và tiêu dùng của dân cư qua việc bắt buộc phải “chọc, ngoáy mũi” làm xét nghiệm Covid-19 với giá cao. Trong trường hợp này phải chăng tham nhũng (như những gì đã diễn ra trong vụ án Việt Á) và cách phòng, chống dịch thiếu khoa học cũng tạo ra tăng trưởng GDP? Nhân dân không cần tăng trưởng kiểu này!

GDP năm 2022 tăng 8,02% (quí 1 tăng 5,05%; quí 2 tăng 7,83%; quí 3 tăng 13,71%; quí 4 tăng 5,92%) so với năm trước do nền kinh tế được khôi phục trở lại và cơ bản do nền so sánh của năm trước thấp, đặc biệt là nhóm ngành dịch vụ. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng như trước và trong dịch Covid-19 (3,36%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78% – thấp hơn mức tăng trưởng GDP chung; chỉ có khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng 10% – cao hơn mức tăng trưởng GDP chung do năm trước những ngành này tăng trưởng âm khá sâu.

Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội sáu tháng đầu năm 2023 cho thấy GDP sáu tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của sáu tháng đầu năm 2020 tính trong giai đoạn 2011-2023. Xét về sử dụng GDP sáu tháng đầu năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 2,68% so với cùng kỳ năm 2022; tích lũy tài sản tăng 1,15%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 13,2%. Tuy xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đều giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ rất cao – khoảng 10 tỉ đô la Mỹ theo giá hiện hành và đóng góp vào tăng trưởng đến 63,45%. Chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa cao là do xuất siêu của khu vực FDI quá lớn (khoảng 21 tỉ đô la Mỹ), trong khi đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu hàng hóa (khoảng 9 tỉ đô la Mỹ).

Có thể thấy, từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ khu vực FDI chuyển tiền về nước một cách hợp pháp so với tổng giá trị tăng thêm (GVA) khu vực này tạo ra ngày càng tăng, năm 2022 tỷ lệ này ước tính khoảng 31%. Có thể thấy, lợi nhuận khu vực FDI tạo ra phần lớn được chuyển về nước họ.

Chú ý rằng về nguồn lực của nền kinh tế, theo Hệ thống các tài khoản quốc gia (System of National Accounts – SNA) của Liên hiệp quốc thì nguồn lực cơ bản để đầu tư là tiết kiệm (saving) của nền kinh tế, tiết kiệm cộng chuyển nhượng vốn thuần nếu không đủ phải đi vay để đầu tư. Trong một số trường hợp như đào bới, sới lộn đường sá vào mỗi dịp cuối năm (từ hàng chục năm nay nhằm mục đích giải ngân trong năm), xây tượng đài, cổng chào, đầu tư xây dựng cơ bản bị đội vốn… và phụ thuộc vào FDI đều làm tăng GDP (theo nguyên tắc tính GDP) nhưng lại làm giảm khả năng tiết kiệm của nền kinh tế khiến tăng trưởng GDP có khi lại làm nguồn lực của nền kinh tế giảm sút.

Theo SNA, chỉ tiêu tiết kiệm được xác định = GDP + Thuần thu nhập về sở hữu + Thuần thu nhập từ chuyển nhượng – Tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình – Tiêu dùng cuối cùng của Chính phủ. Tiết kiệm cũng là nguồn đầu tư cho chu kỳ sản xuất sau. Cũng theo SNA: Đầu tư = Tiết kiệm + Chuyển nhượng vốn thuần + Đi vay/cho vay. Công thức trên và bảng bên dưới cho thấy mức độ chênh lệch giữa tiết kiệm, đầu tư và tích lũy ngày càng lớn. Điều này xảy ra do đầu tư không hiệu quả.

Nguồn: KTSG
06/08/2023

 

Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928