“Điều quan trọng nhất là Việt Nam muốn đạt được tăng trưởng kinh tế tốt thì cần nỗ lực hết mình từ góc độ cải cách, điều hành chính sách, duy trì môi trường kinh tế ổn định, thuận lợi cho nhà đầu tư. Việt Nam vẫn cần một chút may mắn cho kinh tế thế giới. Kinh tế thế giới có chuyển động nhưng Việt Nam không cải cách đúng như kỳ vọng thì kết quả sẽ khó như mong muốn” – ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định.
Kịch bản tươi sáng nhất là 6,46%
Trong 3 kịch bản mà chuyên gia của CIEM nêu ra thì kịch bản tươi sáng nhất GDP Việt Nam đạt ở mức 6,46% và kịch bản thấp nhất GDP là 5,34%.
“Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng, nhưng vẫn phải tạo môi trường thông thoáng. Cần cải thiện năng lực hấp thụ vốn. Việc điều hành theo chỉ tiêu tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng xanh cho dự án xanh kinh tế tuần hoàn xanh thì được đặt ngoài chỉ tiêu tín dụng của Ngân hàng Nhà nước” – ông Nguyễn Anh Dương nhận định.
Dự báo về kinh tế Việt Nam thời gian tới, ông Nguyễn Anh Dương chỉ ra 3 kịch bản kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm 2023.
Ở kịch bản 1: Diễn biến kinh tế thế giới tốt được như là kỳ vọng của các Tổ chức Quốc tế. Việt Nam duy trì được chính sách tương đồng như các năm 2021-2022. Tăng trưởng GDP khả năng đạt 5,34% trong năm 2023; trong đó xuất khẩu cả năm giảm 5,64% và chỉ số CPI bình quân tăng 3,43%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 9,1 tỉ USD.
Ở kịch bản 2, các chuyên gia duy trì các giả thiết như kịch bản 1 nhưng vấn đề giải ngân tín dụng, đầu tư công ở mức cao hơn. Song có một số điều chỉnh nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam. Theo đó, CIEM kỳ vọng tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,72% trong năm, xuất khẩu giảm 3,66% và CPI bình quân tăng 3,87%, cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 10,3 tỉ USD.
Kịch bản 3 dự báo bối cảnh kinh tế thế giới có chuyển biến tích cực hơn như tăng trưởng được phục hồi, gián đoạn chuỗi cung ứng giảm đáng kể, lạm phát ở Mỹ giảm, thời tiết thuận lợi hơn…) và sự quyết liệt trong cải cách, điều hành ở Việt Nam tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Các chỉ số tín dụng và đầu tư công được giải ngân ở mức tối đa. Môi trường kinh doanh và năng suất lao động tiếp tục cải thiện. Hoạt động đầu tư được thúc đẩy và thực hiện theo hướng hiệu quả hơn.
Ở kịch bản này, CIEM kỳ vọng tăng trưởng GDP có thể ở mức 6,46% trong năm 2023. Theo đó, xuất khẩu cả năm chỉ giảm 2,17%, CPI bình quân tăng 4,39%, cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 6,8 tỉ USD.
Sức ép phát triển kinh tế đến từ nhiều phía
Ông Phan Lê Thành Long – chuyên gia kinh tế, CEO của AFA Group – cho rằng, cho đến kỳ họp tiếp theo của FOMC, còn đến 40 ngày nữa, việc Fed có tăng hay giảm lãi suất thì không ai dám chắc do còn nhiều biến số. Tuy nhiên, khả năng cao Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp sắp tới.
Dự báo về tỉ giá ở Việt Nam, ông Phan Lê Thành Long dự báo tỉ giá sẽ tăng nhẹ trong phạm vi
khoảng 1%.
“Biến số đặc biệt quan trọng là chỉ số CPI, nếu Mỹ tiếp tục tăng lãi suất thì sức ép cho Việt Nam thời gian tới rất lớn do có thể nhập khẩu lạm phát. Kể cả Việt Nam áp dụng chính sách tài khoá giảm thuế kích thích tiêu dùng thì sức ép vẫn còn. Vấn đề không phải Ngân hàng Nhà nước có dư địa hạ lãi suất tiếp hay không mà Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục theo dõi chặt chẽ để có động thái kịp thời” – ông Phan Lê Thành Long nói.
Bàn về triển vọng kinh tế Việt Nam, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới nhận định hiện các đối tác thương mại chính của Việt Nam là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đều bị ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian qua do môi trường toàn cầu bất ổn và nhu cầu giảm. Nhu cầu bên ngoài thấp đã kéo sức cầu nền kinh tế, làm giảm mức tăng trưởng nền kinh tế. Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm sút, ảnh hưởng tới sản xuất công nghiệp, giảm còn 1,1% so với cùng kỳ so với mức 7,8% so với cùng kỳ nằm trước.
Dự báo về kịch bản kinh tế Việt Nam thời gian tới, bà Dorsati Madani cho rằng, “Tăng trưởng kinh tế Việt Nam chưa khởi sắc trong năm 2023 và sẽ phục hồi dần trong năm 2024 và 2025”.
Nguồn: Báo Lao động
14/8/2023
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!