Năm qua, đa số dự án giao hàng bằng drone (máy bay không người lái) đều “giậm chân tại chỗ”. Tuy nhiên, 2024 có thể là năm hoàn thiện cuối cùng trước khi công nghệ thực sự “cất cánh”…
Zipline, công ty giao hàng bằng máy bay không người lái (drone) có trụ sở tại San Francisco, dự kiến đi vào hoạt động tại 15 thành phố Hoa Kỳ vào năm 2025, theo báo cáo từ Yahoo Finance.
Mặc dù drone đã thực hiện giao hàng trên khắp thế giới suốt hơn một thập kỷ qua, nhưng chủ yếu là hoạt động kinh doanh tích hợp, giới hạn trong trường hợp khẩn cấp hay cung cấp vật tư y tế. Mới đây, Cục Hàng không Liên bang (FAA) đã cho phép sử dụng máy bay không người lái quy mô lớn hơn với bộ quy tắc được thay đổi vào tháng 9/2023.
Trước đó, Cục yêu cầu máy bay không người lái phải luôn nằm trong tầm quan sát của nhân viên mặt đất dọc theo tuyến đường vận hành. Vài tháng trước, cơ quan này cấp quyền miễn trừ cho Zipline và hai công ty khác thực hiện giao hàng thương mại mà không cần quan sát viên.
Ông Rob Enderle, Chủ tịch kiêm cố vấn cấp cao tại Enderle Group, dịch vụ tư vấn đặt trụ sở tại Bend (Oregon), lưu ý: “Động thái thay đổi quy định từ chính phủ mở ra cơ hội cho thị trường phân phối máy bay không người lái, phát triển công nghệ cả về chi phí lẫn quy mô”.
Tận dụng cơ hội, Zipline mở rộng hoạt động nhằm cung cấp thực phẩm, thuốc men, hàng tiêu dùng và một số sản phẩm khác cho hàng triệu người Mỹ theo xu hướng xanh, giảm hơn 97% lượng khí thải mỗi lần giao hàng so với một chiếc xe chạy bằng xăng.
BỘ QUY TẮC CẦN THIẾT
Ông Adam Robertson, Giám đốc Công nghệ tại Fortem Technologies, cho rằng “những biện pháp miễn trừ” đã kìm hãm phát triển ngành trong nhiều năm.
Ông chia sẻ với TechNewsWorld: “Mất nhiều thời gian hơn tưởng tượng để có thể giao hàng bằng máy bay không người lái. Chúng ta cần xây dựng bộ quy định cấp phép tiêu chuẩn, chứ không phải hình thức miễn trừ đặc biệt cho số ít công ty”.
Một trong số những doanh nhân đặt kỳ vọng cao rằng dịch vụ giao hàng bằng drone sẽ phát triển nhanh chóng là cựu Giám đốc Điều hành Amazon Jeff Bezos. Trong chương trình truyền hình khoảng 10 năm trước, vị tỷ phú dự đoán công ty của ông sẽ được FAA chấp thuận giao hàng bằng máy bay không người lái trong 4-5 năm.
“Phần chậm nhất của quá trình chính là hoạt động pháp lý”, CTO Robertson nói thêm. “Các công ty giao hàng bằng máy bay không người lái ở Mỹ ngày nay chỉ có thể hoạt động theo hình thức xin miễn trừ quy định. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn triển khai hình thức này trên toàn bộ không phận quốc gia. Việc công ty cần làm là tuân theo bộ quy tắc chính thống, không phải bằng cách miễn trừ hạn chế hiện tại”.
KIỂM SOÁT KHÔNG LƯU
Quyết định của FAA cho phép drone giao hàng hoạt động ngoài tầm nhìn của quan sát viên là bước đệm quan trọng để mở rộng công nghệ.
“Hiện tại, chúng tôi đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 4 triệu khách hàng và vấn đề lớn nhất là giảm chi phí cho mỗi lần giao”, CEO DroneUp – đối thủ lớn trong ngành của Zipline – ông Tom Walker bày tỏ.
Mở rộng quy mô hoạt động là vấn đề cấp bách, Chủ tịch Enderle đồng tình, “Hầu hết công ty đều chưa đạt được hiệu quả chi phí do quy định từ FAA cũng như hạn chế khi cất cánh và hạ cánh”.
Ông nói thêm rằng mặc dù phần cứng của đa số máy bay không người lái hiện nay đều đạt mức tiêu chuẩn, nhưng vẫn tồn tại vấn đề kiểm soát không lưu. “Chúng ta đang gặp khó khăn trong việc bố trí nhân viên trực hệ thống kiểm soát không lưu hiện có, và hệ thống gần như không thể trụ được nếu máy bay không người lái được thương mại hoá”, ông giải thích. “Chúng ta đưa hàng ngàn drone lên không trung mà không có hình thức kiểm soát tập trung. Điều này cực kỳ nguy hiểm và có khả năng gây ra tai nạn thương vong”.
NHU CẦU CÓ THẬT SỰ CAO?
Ông Mark N. Vena, Chủ tịch và nhà phân tích chính tại SmartTech Research, tỏ ra hoài nghi về công nghệ này.
Ông chia sẻ: “Tôi không chắc khách hàng có nhu cầu giao hàng bằng hình thức này, vì Amazon hay đa số công ty khác đều vận chuyển thành công nhiều sản phẩm trong ngày và rất ít mặt hàng cần được giao hỏa tốc qua máy bay không người lái”.
Chủ tịch SmartTech cho hay: “Hệ thống phương thức giao hàng hiện tại có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu người dùng trong môi trường đô thị, và lộ trình phức tạp khi giao hàng bằng drone chưa chắc đã thực sự phù hợp”.
Tuy nhiên, một lĩnh vực rất cần giao hàng nhanh chóng, đó là đồ ăn.
CEO Walker tiết lộ: “Ví dụ, chúng tôi nhận giao đơn cho một nhà hàng phục vụ đồ ăn nhanh. Tỷ lệ đặt hàng lại là 90% và chúng tôi sẽ giao trong khoảng 15,9 phút kể từ khi đặt hàng. Khách hàng sẽ không phải tip cho drone và họ thực sự thích điều này”.
GIAO HÀNG CHẶNG CUỐI
Mô phỏng máy bay không người lái Zipline thực hiện giao hàng đến sân sau trong một khu dân cư.
Nếu có lĩnh vực nào của nền kinh tế hoan nghênh giao hàng bằng drone, thì đó là các công ty giao hàng trọn gói vì công nghệ này giảm đáng kể chi phí “chặng cuối”, thường chỉ chặng đường từ kho trung chuyển tới tận tay khách hàng.
“Chặng cuối tương đối tốn kém tiền bạc và công sức, cộng với tình trạng gia tăng trộm cắp, bạo lực, gây mất an toàn cho nhân viên giao hàng và tốn kém cho doanh nghiệp”, ông Enderle nói.
CEO Walker lưu ý rằng 90% gói hàng được giao đến khu dân cư có trọng lượng dưới 3,8 kg và 90% trong số đó luôn nằm tại kho cách địa điểm nhận hàng dưới 8km. Một máy bay không người lái có thể chở tới 4,5kg và chỉ hết dưới 3 USD thay vì 16 – 20 USD phí giao hàng theo cách truyền thống.
Ông Robertson nói thêm: “Các chặng giao hàng cuối cùng rất tốn kém về thời gian và nguồn lực. Nếu drone có thể làm điều đó nhanh hơn, rẻ hơn hoặc đạt được hiệu quả nhất định, con người sẽ sớm bị thay thế ở chặng này”.
(Nguồn: vneconomy.vn)
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!