Cách Australia thúc đẩy kinh tế xanh

Theo UNEP, kinh tế xanh (Green Economy) là nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội đồng thời chú trọng giảm thiểu hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên. Với bề dày thành tựu trong lĩnh vực môi trường, Australia chú trọng phát triển kinh tế xanh từ sớm, cùng cam kết giảm lượng khí thải xuống 43% so với năm 2005 vào năm 2030, và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

 

Để thực hiện cam kết này, Chính phủ Australia đã xây dựng lộ trình triển khai các công nghệ phát thải thấp, năng lượng tái tạo, hydro sạch, lưu trữ năng lượng, đào tạo nguồn nhân lực cho quốc gia và thế giới, đồng thời đầu tư vào nghiên cứu và phát triển giải pháp xanh trong tất cả các ngành.

Về năng lượng tái tạo, Australia có hơn một thế kỷ kinh nghiệm trong quản lý năng lượng, cung cấp điện tới khu vực hẻo lánh, kết hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào lưới điện và hoạch định tương lai.

Các doanh nghiệp công nghệ năng lượng hàng đầu của quốc gia này đang tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống hiện tại, tạo nên giải pháp lưới điện thông minh quản lý hệ thống dữ liệu, đồng thời cung cấp các giải pháp năng lượng tối ưu cho các hộ gia đình, nhà máy, vùng ngoại ô và khu vực vùng sâu vùng xa. Đơn cử, tấm pin mặt trời linh hoạt, không dùng kính eArc của Sunman; hoặc Maverick của 5B – hệ thống pin năng lượng mặt trời gắn đất có thể di chuyển, giúp triển khai nhanh hơn đáng kể so với những hệ thống truyền thống.

 

Song song, Australia chú trọng ứng dụng công nghệ phát thải thấp vào phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông vận tải. Theo Liên Hợp Quốc, các thành phố lớn trên thế giới chiếm khoảng 2% bề mặt thế giới nhưng lại tiêu thụ đến 78% năng lượng và tạo ra hơn 60% lượng phát thải nhà kính. Australia là một trong những quốc gia có công trình xanh hoàn thiện nhất thế giới và có 3 thành phố nằm trong top 5 thành phố bền vững hàng đầu châu Á bao bao gồm Sydney, Perth và Melbourne.

“Từ tư vấn và phát triển không gian bền vững; lựa chọn và quản lý vật liệu trong xây dựng, vận hành và bảo trì công trình; lập mô hình và phân tích khí hậu, rủi ro thời tiết để tối ưu hóa hạ tầng đô thị; phát triển các giải pháp giao thông thế hệ mới; đến quản lý nước và quản lý chất thải rắn; các doanh nghiệp Australia đều có thể mang đến giải pháp giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, hướng tới các thành phố xanh hơn”, bà Rebecca Ball – Tham tán Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia cho hay.

 

Một ví dụ về sự đi đầu của Australia trong phát triển đô thị bền vững là dự án Barangaroo South trị giá 6 tỷ USD ở Sydney của nhà phát triển bất động sản Lendlease. Dự án được công nhận là đô thị không phát thải trong 4 năm liên tiếp từ năm 2019; thông qua quản lý chất thải có trách nhiệm, tái chế nước, sử dụng và sản xuất năng lượng mặt trời, và nâng cao phúc lợi cộng đồng với hơn 50% diện tích dành cho không gian mở công cộng (không bao gồm đường bộ, làn đường và lối đi bộ).

Mirvac, một nhà phát triển bất động sản khác của Australia đã đạt mục tiêu phát thải ròng vào năm 2021 và hiện đặt các mục tiêu mới về quản lý bền vững tài nguyên nước – cung cấp nước cho môi trường và cộng đồng nhiều hơn lượng nước mà doanh nghiệp sử dụng (Net Water Positive) và chôn lấp rác thải vào năm 2030.

Giao thông vận tải cũng là một trong những nguyên nhân chính gây phát thải lượng lớn khí nhà kính, khi chiếm 24% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu. Để giải quyết vấn nạn này, Australia phát triển xe đạp điện Zoomo, xe máy điện VMoto dùng để giao hàng với hình thức cho thuê và chia sẻ, xe tải điện hạng nhẹ trung bình (4,5-22,5 tấn) của SEA Electric. Ngoài ra, Janus Electric – đơn vị đứng đầu trong lĩnh vực này đang phát triển hệ thống hoán đổi pin cho xe tải chở xi măng và phương tiện vận tải đường bộ. Năm 2023, xe điện chiếm 8,4% tổng số ôtô mới bán ra tại Australia và số lượng điểm sạc điện tăng 57% từ 6/2022 đến 6/2023, theo thống kê của Hội đồng Xe điện quốc gia (EVC) Australia.

 

Các thế mạnh trên cùng hành động của Chính phủ giúp Australia có tiềm năng điện mặt trời đứng thứ hai thế giới với hơn ba triệu hộ gia đình (khoảng 30%) có điện mặt trời trên mái nhà. Chi phí sản xuất điện mặt trời thấp thứ ba trong số các nhà sản xuất điện mặt trời lớn. Theo dữ liệu từ báo cáo của Hội đồng Năng lượng sạch Australia, 2022 là năm kỷ lục về sản xuất năng lượng tái tạo của Australia, 35.9% tổng sản lượng điện của quốc gia này là từ các nguồn năng lượng tái tạo (tăng từ 32.5% năm 2021), trong đó năng lượng mặt trời chiếm 14.7%, gió 12.8%, thủy điện 7.1% và năng lượng sinh học 1.4% .

Song song với tiềm lực về năng lượng tái tạo, Australia cũng là một trong những quốc gia dẫn đầu về các nghiên cứu và đổi mới trong sản xuất nông nghiệp. Các giải pháp tiềm năng bao gồm tăng hiệu quả tưới tiêu, phát triển các giống cây trồng khác nhau, tăng lượng carbon trong đất, cải thiện quản lý hệ sinh thái và phát triển ngành lâm – ngư nghiệp bền vững. Australia có thể cung cấp giải pháp cho tất cả những thách thức này với sự hỗ trợ của CSIRO – Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối Thịnh vượng chung và Hiệp hội AusAgritech – mạng lưới gồm các nhà đổi mới công nghệ nông nghiệp.

Với rất nhiều nỗ lực, lượng khí thải của Australia tính đến tháng 6/2022 thấp hơn 21,6% so với lượng phát thải trong năm tính đến tháng 6/2005. Hầu hết sản lượng năng lượng của Australia được xuất khẩu, với năng lực xuất khẩu ròng bằng 70% sản lượng trong năm tài chính 2020 – 2021.

 

Theo số liệu của Chính phủ Australia, quốc gia này đã đầu tư 24,9 tỷ AUD để thực hiện các giải pháp về biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, bao gồm chuyển đổi nguồn cung cấp điện sang sử dụng chủ yếu bằng năng lượng tái tạo; hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp năng lượng mới, sạch; hỗ trợ quá trình khử carbon của các ngành công nghiệp và mạng lưới giao thông hiện có.

Chính phủ Australia cũng cam kết chi ngân sách kỷ lục gần 25 tỷ AUD để đạt các mục tiêu phát thải thông qua kế hoạch Powering Australia (tạo việc làm, giảm áp lực lên hóa đơn năng lượng và giảm lượng khí thải), bao gồm tài trợ cho các dự án, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư vào năng lượng sạch, các công nghệ carbon thấp khác.

Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, Chính phủ Australia cũng đang đầu tư hơn 40 tỷ AUD để khử carbon, bao gồm 23 tỷ AUD để nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa hệ thống năng lượng của Australia nhằm mở ra khả năng thâm nhập lớn hơn của năng lượng tái tạo và đẩy nhanh quá trình khử carbon trong lưới điện.

“Bằng cách xây dựng và tận dụng các mối quan hệ, chúng tôi sẽ tiếp tục khai thác tiềm năng của mình trong ngành công nghiệp, xuất khẩu và đổi mới, nhằm xanh hóa nền kinh tế trong nước và toàn cầu”, đại diện Austrade nhấn mạnh.

 

Đào tạo nguồn nhân lực cho Australia và thế giới cũng là nhiệm vụ ưu tiên của quốc gia này. Australia xếp thứ 7 trên thế giới về nghiên cứu năng lượng sạch, theo Chỉ số Tự nhiên năm 2022. 9 trong số 200 tổ chức hàng đầu thế giới đều ở Australia, trong đó có bốn trường nằm trong top 100 là Đại học Wollongong; Đại học New South Wales; Đại học Queensland; và Đại học Monash.

Quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ước tính sẽ tạo thêm 10 triệu việc làm trên toàn cầu trong 6 năm tới. Thông qua quan hệ đối tác địa phương và quốc tế với chính phủ và ngành công nghiệp, các tổ chức giáo dục của Australia đang phát triển các chương trình thực tế nhằm giải quyết các năng lực quan trọng cần thiết trong các ngành. Các khóa đào tạo mới đang được phát triển trong các lĩnh vực như sản xuất sinh học, cơ khí xe điện và tính toán lượng carbon để đáp ứng nhu cầu lực lượng lao động hiện tại và tương lai nhằm hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế xanh.

Song song, quốc gia này đầu tư vào nghiên cứu và phát triển giải pháp trong tất cả các ngành. Thực tế, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đòi hỏi một hệ sinh thái gồm các dịch vụ và chuyên môn có thể hỗ trợ các công ty trong suốt hành trình. Kiến thức chuyên môn sâu rộng của Australia trong nhiều lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh.

 

 

Tại COP26, Australia đã công bố Bản cáo bạch nền kinh tế xanh cung cấp cái nhìn tổng thể về chuyên môn và năng lực của Australia đang góp phần thay đổi quốc gia này. Sự phong phú của tài nguyên thiên nhiên, kết hợp với các nghiên cứu, công nghệ đẳng cấp thế giới và thực tiễn kinh doanh bền vững, giúp đất nước này trở thành đối tác quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững và linh hoạt hơn.

Australia đã phát triển các công nghệ được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới; bao gồm hiệu suất đang giữ kỷ lục thế giới của tấm pin năng lượng mặt trời, cho đến bộ sạc nhanh hiệu suất cao cho xe điện. Các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp Australia tiếp tục dẫn đầu trong việc đổi mới.

“Các giải pháp biến đổi khí hậu của Australia đã sẵn sàng cho việc xuất khẩu”, đại diện Austrade khẳng định. Từ phát triển chính sách đến thực thi dự án, Australia có bề dày chuyên môn trong toàn bộ vòng đời và kinh nghiệm trong việc cung cấp các giải pháp quốc tế cho các vấn đề phức tạp, đáp ứng phạm vi ngân sách và đảm bảo tiến độ.

Song song, sự hỗ trợ về mặt pháp lý đã giúp Australia có nhiều công ty chuyên môn cao, có kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ các quốc gia khác cải thiện, bảo vệ và khắc phục môi trường tự nhiên thông qua các hợp tác nghiên cứu và tư vấn. Các chuyên gia cung cấp giải pháp cho toàn bộ vòng đời phát triển và triển khai dự án – từ phát triển chính sách, tài chính, nguồn năng lượng và nguồn nước đến dịch vụ tư vấn các dự án nông nghiệp và thành phố bền vững.

“Chính phủ và ngành công nghiệp Australia luôn ủng hộ Việt Nam như một đối tác đáng tin cậy để hiện thực hóa tham vọng chung của chúng ta về một nền kinh tế xanh hơn và một tương lai tươi sáng hơn”, bà Rebecca chia sẻ.

 

Nguyễn Phượng (Nguồn: vnexpress.net)

Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928