Để tiếp tục phát triển bền vững, TP HCM xem chuyển đổi công nghiệp là động lực mới và sẽ mời loạt chuyên gia hiến kế vào tháng 9.
TP.HCM muốn chuyển đổi công nghiệp để tạo động lực mới cho phát triển. Ảnh Hoàng Anh
Thông tin này được ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (Huba) cho biết chiều 18/7. Theo ông Hòa, chuyển đổi công nghiệp sẽ mang lại giá trị gia tăng cao cho thành phố, đáp ứng nhu cầu phát triển nội địa lẫn quốc tế.
Hiện nay, thương mại dịch vụ đóng góp 65,6% vào nền kinh tế TP HCM, tiếp đến là công nghiệp (17,8%), xây dựng (3,2%) và nông, lâm, thủy sản (0,5%). Đứng thứ hai nhưng tỷ trọng của công nghiệp trong quy mô nền kinh tế và tăng trưởng GRDP đang giảm dần. Tại các cuộc thảo luận năm ngoái, các chuyên gia và nhà quản lý nhận định sau 50 phát triển, ngành công nghiệp của TP HCM đã lạc hậu, còn dùng nhiều tài nguyên, thâm dụng lao động và giá trị gia tăng thấp. Do đó, việc chuyển đổi nền công nghiệp sang hướng công nghệ cao, hiện đại sẽ là nền tảng để “thành phố đi xa hơn”.
“Động lực mới này sẽ giúp thành phố tránh tụt hậu với đòi hỏi ngày càng cao của thế giới, cũng như nâng chất lượng sản phẩm cho thị trường nội địa”, ông Hòa nhận định.
Theo kế hoạch chiến lược phát triển ngành công nghiệp đến 2030, tầm nhìn 2050, TP HCM xác định phát triển theo chiều sâu, công nghệ cao, sử dụng vật liệu mới, năng lượng xanh và phát triển bền vững. Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho rằng quá trình chuyển đổi công nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài, tăng thị phần, doanh thu.
Do đó, Diễn đàn kinh tế (HEF) thường niên lần thứ 5 “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững” vào ngày 24-27/9, sẽ mời hơn 1.000 đại diện từ các định chế tài chính quốc tế, nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp hiến kế chuyển đổi công nghiệp cho đầu tàu kinh tế.
Nửa đầu 2024, khu vực công nghiệp của TP HCM đạt quy mô hơn 152.800 tỷ đồng, tăng 5,64% so với cùng kỳ 2023 và chiếm 17,8% trong GRDP. Theo các chuyên gia, chuyển đổi công nghiệp theo hướng xanh, bền vững là một trong những lựa chọn cần thiết cho địa phương.
“Doanh nghiệp sản xuất ngày càng phải đáp ứng chuyển đổi xanh. Thậm chí, nếu không theo kịp, việc chuyển đổi có thể là hàng rào kỹ thuật mới cho hàng hóa Việt Nam”, ông Hòa nhận định.
TP HCM hiện có đề án thí điểm chuyển đổi 5 khu chế xuất lâu đời thành các khu công nghiệp sinh thái, công nghệ cao hoặc dịch vụ logistics. Đề án đang được triển khai bởi Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (Hepza).
Song song đó, nhiều hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với phát triển bền vững được khuyến khích. Mới đây, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM (HIDS) cùng quỹ đầu tư Touchstone Partners và Temasek Foundation khởi động cuộc thi “Thách thức net zero” lần 2. Ba lĩnh vực chính của cuộc thi năm nay là năng lượng tái tạo và trung hòa carbon; hệ thống lương thực và nông nghiệp bền vững; kinh tế tuần hoàn và quản lý rác thải.
Viễn Thông (Nguồn: vnexpress.net)
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!