Tại Việt Nam, bức tranh kinh tế vĩ mô ba quý đầu năm cũng bao gồm những gam màu sáng tối đan xen nhau, Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận định.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa phát hành bản tin kinh tế vĩ mô của quý 3, với nhiều khuyến nghị chính sách quan trọng. Một trong các vấn đề được Ủy ban đề cập là câu chuyện liệu có nên lựa chọn giải pháp kích cầu cho nền kinh tế hay tiếp tục thận trọng?
Thận trọng với gói kích cầu?
Ủy ban Kinh tế đánh giá, hiện tại, trong bối cảnh tăng trưởng trì trệ và lạm phát ở mức thấp, có một số kiến nghị đề xuất nên hướng tới kích thích nền kinh tế (thực hiện chính sách kích cầu) vì lạm phát trong nước năm nay ở mức rất thấp. Tuy nhiên, cần hết sức thận trọng với các kiến nghị kích cầu.
Bởi, lạm phát ở Việt Nam rất nhạy cảm với việc nới lỏng các chính sách tiền tệ và tài khóa do những yếu kém trong cơ cấu kinh tế (sự không hiệu quả của hệ thống doanh nghiệp, các điểm nghẽn về hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực có chất lượng…) cũng như tâm lý lạm phát của người dân còn nặng nề sau một giai đoạn bất ổn vĩ mô kéo dài. Những diễn biến trong suốt những năm gần đây đã thể hiện rất rõ điều này.
Vấn đề thứ hai là môi trường làm chính sách hiện nay có quá nhiều ràng buộc hạn chế. Cụ thể là nợ công đang ở mức cao và đang có xu hướng tiếp tục gia tăng.
Tiền lương, thu nhập tối thiểu chưa đảm bảo mức sống tối thiểu.
Mặt khác, lộ trình chuyển lĩnh vực năng lượng sang cơ chế thị trường, cũng như giảm bù lỗ trong các lĩnh vực y tế, giáo dục vẫn còn tiếp tục diễn ra.
Năng lực thiết kế và đặc biệt là thực thi chính sách còn hạn chế, dẫn đến việc chính sách chậm được triển khai làm tăng thêm độ trễ giữa thời điểm nền kinh tế cần được kích thích với thời điểm thực sự được kích thích, dẫn đến sự sai lệch hoàn toàn kết quả so với dự tính ban đầu (kích thích khi nền kinh tế đã phục hồi hay ngược lại, thắt chặt khi nền kinh tế đã nguội lạnh).
Read More