Đặt ra những câu hỏi này, và trả lời, sẽ giúp doanh nghiệp tìm hiểu những vướng mắc hiện tại, từ đó tháo gỡ và giữ nhân tài ở lại với công ty.
Ở vị trí quản lý, chắc hẳn bạn đã từng trải qua chuyện nhận đơn nghỉ việc từ một trong những nhân viên giàu kinh nghiệm và xuất sắc nhất của mình. Họ xin nghỉ vì một công việc khác tốt hơn. Trong thị trường lao động đầy tính cạnh tranh ngày nay, những nhân viên giỏi sẽ luôn là mục tiêu được các công ty săn đầu người săn đón. Các công ty này có đủ mọi cách để thu hút sự chú ý và sau đó là thuyết phục được nhân viên của bạn chuyển việc.
Trong trường hợp này, phần lớn các quản lý chọn cách tăng lương. Đây là cách giải quyết tức thời nhưng không bền vững, vì công ty đối thủ của bạn cũng có thể tăng mức lương cao hơn. Trên thực tế, trong một khảo sát gần đây về nhu cầu của các nhân sự ở vị trí điều hành, do website tuyển dụng Ladders thực hiện, thì kết quả cho thấy lương không phải là yếu tố quyết định chuyện nghỉ việc của các nhân sự này.
Cụ thể, khảo sát của Ladders thực hiện với 83% người tham gia khảo sát có mức lương từ 80.000 – 250.000 USD/năm, ở nhiều lĩnh vực khác nhau, và chỉ 30% người tham gia khảo sát trả lời họ xem mức lương là yếu tố quan trọng nhất.
Thay vào đó, trong phần lớn các lĩnh vực, hai lý do chính đưa đến quyết định nghỉ việc của các nhân viên này chính là sự nhàm chán và giờ làm việc kéo dài, đặc biệt đối với các ngành tài chính, kỹ sư, quản lý dự án và công nghệ thông tin.
Vậy các doanh nghiệp có thể làm gì để giữ nhân tài?
Đầu tiên, khi mọi chuyện có vẻ đang ổn (như hiện tại chẳng hạn), thì hãy liệt kê ra cho chính bạn danh sách những nhân tài bạn muốn giữ. Sau đó, hãy dành thời gian để có thể trực tiếp trò chuyện sâu với từng nhân viên này.
“Không ai bỗng đột nhiên thức dậy vào một buổi sáng và chán ngán công việc của mình, hay cảm thấy kiệt sức với hàng giờ làm việc liên tục cả”, Stacey Engle – Phó chủ tịch điều hành công ty cung cấp dịch vụ tư vấn phát triển năng lực lãnh đạo Fierce chia sẻ, “Đó là một quá trình tích tụ theo thời gian, cho đến một lúc, cảm giác chán nản đầy tràn bên trong một nhân viên nào đó. Và họ quyết định nghỉ việc”.
Theo Engle, điều doanh nghiệp cần làm trong tình huống này không phải là chấp nhận thực tế mà là phát hiện và ngăn chặn quá trình tích lũy chán nản ấy nơi nhân viên. Để thực sự biết chuyện gì đang xảy ra, bạn cần một cuộc trò chuyện sâu sắc hơn. Ba câu hỏi sau, được Engle chia sẻ trên tờ Fortune, sẽ giúp bạn xác định những điểm bất ổn hiện tại, giải quyết và giữ nhân tài ở lại cho công ty:
1. Có điều gì đang làm bạn chùn lại trong công việc không?
“Đây là một câu hỏi rào trước”, Engle nhìn nhận, “nhưng đáng để hỏi”. Vì câu hỏi này là tín hiệu cho thấy bạn sẵn sàng tiếp nhận những góc nhìn của nhân viên đang trò chuyện về các yếu điểm trong quy trình quản lý, trong kết nối giữa các đồng nghiệp trong công ty… Câu hỏi này đóng vai trò quan trọng để hiểu được những điểm gút mắc mà nhân viên chưa có cơ hội trực tiếp thảo luận cùng bạn.
2. Bạn sẽ muốn làm gì trong hai tháng tới?
“Hai tháng không phải quá dài, nhưng đủ để đặt ra một mục tiêu ngắn hạn, khả thi”, Engle nói. Những mục tiêu này có thể vượt ra ngoài phạm vi công việc như về nhà đúng giờ để ăn tối ít nhất một vài buổi trong tuần, hoặc hoàn tất một dự án rất thú vị nhưng đang phải gác lại vì các công việc khác cấp bách hơn.
Nếu bầu không khí đủ cởi mở, bạn có thể mở rộng biên độ thời gian ra đến một hoặc hai năm tới. Hãy xem cuộc trò chuyện này như một cơ hội để nhìn ra kỹ năng và kinh nghiệm của nhân viên dưới góc nhìn mới. Từ đó, bạn có thể tìm ra những vị trí công việc phù hợp để làm mới cảm hứng làm việc cho nhân viên hiện tại.
3. Bạn muốn tạo ra sự thay đổi gì ở công việc hiện tại?
Một điều thú vị trong khảo sát của Ladders chính là hơn 50% người tham gia khảo sát cho biết “điều tuyệt nhất ở công việc hiện tại” chính là “kiến thức của tôi có thể tạo ra một điều giá trị nào đó”.
Sâu thẳm hơn nhu cầu kiếm sống, chính là mong muốn góp phần tạo ra hoặc thay đổi một điều gì đó để xã hội được tốt đẹp hơn nơi mỗi cá nhân. Engle tin rằng khi hỏi nhân viên giỏi nhất của bạn về điều này, bạn có thể “tạo dựng một kết nối tốt vì hiểu được mục đích sống của từng cá nhân, cũng như chia sẻ về mục tiêu của doanh nghiệp, tổ chức”.
Kết
Ba câu hỏi trên chỉ thực sự phát huy được hiệu quả trong một cuộc trò chuyện sâu, khi cả hai đều dành thời gian để thực sự cởi mở chia sẻ và lắng nghe nhau. Vì vậy, nếu bạn quyết định áp dụng ba câu hỏi này để hiểu thêm về những vướng mắc hiện tại, từ đó tháo gỡ và giữ nhân tài cho công ty, thì bạn cần dành thời gian để thực hiện chúng nghiêm túc.
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!