Thanh long ruột tím hồng LĐ5 là dòng thứ năm của giống thanh long Long Định, được nghiên cứu từ năm 2005 – 2010 thì thành công. So với sản phẩm cùng loại, thanh long LĐ5 có ưu điểm màu sắc lạ, tai lá đẹp, thịt giòn chứ không mềm. Sản lượng: 30 – 40 tấn/ha sau 5 – 6 năm trồng. |
Hết thời “xài chùa” sáng chế
Việc công ty trách nhiệm hữu hạn thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) mua bản quyền giống thanh long ruột tím hồng LĐ5 của viện Cây ăn quả miền Nam ngày 12/9 với giá 2 tỷ đồng, đã tạo ra một tiền lệ: lần đầu tiên một giống cây trồng do các nhà khoa học Việt Nam lai tạo được thương mại hoá.
Thương vụ “mang tính lịch sử của nghề tạo giống cây ăn quả ở Việt Nam” này, như nhận định của ông Nguyễn Minh Châu – viện trưởng viện Cây ăn quả miền Nam, gợi ra nhiều điều đáng ngẫm.
ThS Trần Thị Oanh Yến, trưởng bộ môn chọn và tạo giống, viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, với nghề làm giống cây ăn trái, để có một giống hoàn toàn mới phải mất 15 – 20 năm nghiên cứu. Sở dĩ thanh long LĐ5 chỉ mất sáu năm nhờ kinh nghiệm từ giống LĐ1, rút được thời gian giai đoạn cây con cũng như giai đoạn đánh giá.
Từ giống bố mẹ đã được tuyển chọn sẵn, chỉ cần cải thiện, tăng phẩm chất lên bằng biện pháp kỹ thuật là lai hữu tính (lai cổ điển): “Cũng giống như một cuộc thi hoa hậu, phải trải qua vòng sơ loại, vòng loại mới tới chung kết. Từ thụ phấn, chờ cây đơm trái, thu hạt, gieo cây con, trồng cây con, đánh giá, khảo nghiệm và cứ như thế… để tạo ra “hoa hậu” LĐ5”, ThS Oanh Yến mô tả.
Trước đây, thời gian công nhận giống phải trồng ở nhiều điểm, do vậy rất dễ thất thoát giống ra ngoài. Ông Châu nhận định: “Đó là tư duy làm ăn cũ của các nhà khoa học, các viện và phải thay đổi. Chuyện làm ra giống thành công, bị phát tán ra nông dân, thậm chí thất thoát ra cả nước ngoài cho họ lấy xài tự nhiên bây giờ không thể chấp nhận”.
Theo ông Châu, việc bán bản quyền khai thác thanh long LĐ5 cho ra bài học: “Lúc ra giống phải đăng ký bản quyền, bảo hộ bản quyền sáng chế. Làm vậy có lợi cho ba nhà: nhà khoa học, nhà quản lý và Nhà nước. Từ đây các nước muốn lấy giống của mình không dễ như trước.
Ví dụ nếu thấy Trung Quốc trồng “chui” giống này xuất khẩu qua Mỹ, Nhật – thị trường mình đăng ký quyền bảo hộ thì mình có quyền yêu cầu họ ngưng. Rõ ràng, không chỉ giúp nhà khoa học có thêm nguồn kinh phí, mà còn giúp đất nước không mất giống”.
Ông Châu cho biết, quá trình thương thảo với công ty trách nhiệm hữu hạn thanh long Hoàng Hậu khoảng ba tháng: “Chúng tôi phân tích về giống này, về luật tác quyền, về cách thức thương mại hoá. Chúng tôi cũng nhấn mạnh tại hội nghị: nếu không ai mua chúng tôi sẽ tự trồng, tự bán ra thị trường và bất cứ ai sử dụng bất hợp pháp giống này sẽ bị khiếu nại.
Bên công ty Hoàng Hậu mua quyền khai thác giống này sẽ độc quyền khai thác ở Việt Nam và những thị trường đăng ký. Thực ra ở đây bán thương phẩm (trái) thì lợi lớn (một năm có thể thu về 100 triệu USD), chứ bán giống giỏi lắm một năm chỉ thu 1 tỷ đồng. Điều đó được khai thác trên cơ sở hàng rào luật pháp rõ ràng”.
Về số tiền 2 tỷ đồng bản quyền, theo ông Châu: “Sáng chế được căn cứ vào thế mạnh của giống này và do chúng tôi định giá. Nếu lui về thời gian trước, giống Long Định 1 có thể bán ít ra 5 tỷ đồng”.
Giống cây được đánh giá đúng giá trị, tiền bán bản quyền thu về sẽ dùng tái đầu tư nghiên cứu. Theo ông Châu, hồi xưa không nhạy ở khâu này, đó có lẽ là đặc điểm chung của người làm nghiên cứu – chỉ thuần chuyên môn, ít có độ nhạy thương mại.
Cái bắt tay cần thiết
Đánh giá thương vụ 2 tỷ đồng mua quyền khai thác giống thanh long LĐ5, ông Trần Ngọc Hiệp, giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn thanh long Hoàng Hậu cho rằng đó là cái bắt tay cần thiết: “Tôi nhận thấy đây là việc làm mới, cần phải làm như một cuộc cách mạng về giống, tạo bước đi tốt đẹp hơn cho ngành khoa học, để có nguồn vốn tái nghiên cứu tốt hơn”.
Theo ông Hiệp, người ta hay nhắc nhiều tới việc hợp tác giữa nhà nghiên cứu và doanh nghiệp, nhưng làm được là chuyện khác. Là dân kinh doanh cây ăn trái, ông nghe nhiều, thấy nhiều giống cây mới làm ra, người ta buôn bán mà không ai ghi nhận công sức của nhà nghiên cứu: “Khi ra được giống rồi, người ta sử dụng mà không nghĩ gì tới nhà nghiên cứu, là không công bằng”.
Ông Hiệp cho biết, thanh long LĐ5 sẽ được nhân giống sau đó bán cho nông dân, tạo vùng nguyên liệu sản xuất số lượng lớn để xuất khẩu: “Giống mới này có tính cạnh tranh tốt, tuy nhiên màu giống ruột đỏ nên dễ bị lẫn lộn. Còn chuyện có bị phát tán hay không thì cứ theo quy định của luật pháp để xử lý. Dù sản phẩm đang trong thế độc quyền nhưng nước khác cũng đã trồng được, chẳng hạn Trung Quốc, chỉ chưa đủ sức cạnh tranh với mình. Vì vậy cần phải có tính toán, chiến lược phù hợp để đầu tư”.
Khi được hỏi liệu 2 tỷ bỏ ra cho một thương vụ như vậy có liều lĩnh, ông Hiệp nói: “Thực ra hai tỉ đồng với tôi không nhiều, quan trọng là tạo tiền lệ trong việc hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu, cho một sản phẩm có tính cạnh tranh cao, ai cũng có lợi. Chúng tôi bỏ tiền mua, cũng là cách đặt hàng nhà nghiên cứu. Có kinh phí họ sẽ tái đầu tư, bởi sáng chế muốn đi vào đời sống thì không chỉ nâng cao sản lượng mà phải tăng chất lượng, như một biện pháp cạnh tranh”.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị