Bài học Mittelstand cho doanh nghiệp châu Á

Hệ sinh thái khổng lồ gồm các công ty vừa và nhỏ, gọi tên là Mittelstand, đang đóng góp lớn vào việc duy trì nền kinh tế Đức vững mạnh.

Bài học Mittelstand cho doanh nghiệp châu Á

Các công ty Mittelstand giữ vị trí chính trong nền kinh tế của quốc gia này khi chiếm 95% số lượng công ty trên cả nước. Các công ty này cũng nắm giữ vị trí quan trọng trong thị trường xuất khẩu nhờ vào chiến lược kinh doanh cẩn trọng và bền vững trên toàn cầu.

Lực đẩy cho năng lực cạnh tranh của khối Mittelstand nằm ở các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo chất lượng cao.

Khối doanh nghiệp Mittelstand cũng duy trì sự gắn bó chặt chẽ với các cộng đồng địa phương như: hệ thống trường đại học – cao đẳng, chính quyền địa phương, nhà cung ứng, ngân hàng xã hội và các tổ chức khác.

Giáo sư Annie Koh thuộc chuyên ngành Phát triển kinh doanh của Đại học Quản trị Singapore đã chia sẻ với CNBC rằng: “Các công ty gia đình của châu Á có thể học hỏi mô hình từ khối Mittelstand của Đức”.

Trong một cuộc khảo sát tiến hành bởi Business Families Institute (BFI), thuộc trường Đại học Quản lý Singapore (SMU) phối hợp với Deloitte Đông Nam Á, những doanh nghiệp gia đình đã chỉ ra rằng ưu tiên lớn nhất của họ trong 3 đến 5 năm tới là tăng cường nghiên cứu phát triển và đổi mới để cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, giáo sư Annie nhận thấy các doanh nghiệp gia đình châu Á và khối doanh nghiệp Mittelstand của Đức có cùng điểm chung là nhấn mạnh vào đặc trưng văn hóa, ý thức về trách nhiệm xã hội đối với nhân viên và cộng đồng. Nhiều doanh nghiệp gia đình của Châu Á hoạt động trong khối tư nhân, do đó có một môi trường tốt để lập kế hoạch và điều hành chiến lược kinh doanh trong dài hạn.

Tuy nhiên, sự gắn kết của các doanh nghiệp gia đình châu Á còn yếu. Trong khi các công ty thuộc khối Mittlestand của Đức hiện đang được điều hành bởi các thế hệ thứ 3, thứ 4 của cùng một gia tộc, phần lớn các công ty châu Á chỉ mới truyền được hai đời. Tại Trung Quốc, hầu hết các công ty chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu.

Mặt khác, quá nhiều doanh nghiệp gia đình ở Châu Á đang kinh doanh đa ngành đã làm giảm bớt nguồn lực của mỗi công ty trong chiến lược cung ứng sản phẩm cho thị trường ngách trong cuộc chơi toàn cầu.

Theo giáo sư Annie Koh, để phát triển kinh doanh, các doanh nghiệp gia đình ở châu Á cần xây dựng tính bền vững trong cả nội bộ gia đình lẫn quá trình điều hành công ty. Đồng thời, các doanh nghiệp này phải xây dựng một thương hiệu tin cậy để thu hút nhân tài trong thị trường lao động.

Đồng thời, để chuyển đổi theo mô hình của Mittelstand, các doanh nghiệp châu Á nên chú ý đến việc giáo dục, tiếp cận và nghiên cứu nhằm kết hợp với các doanh nghiệp gia đình khác ở trong và ngoài châu Á để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

LÂM NGHI
Doanh nhân Sài Gòn
Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928