Nhà quản lý kiểm soát. Nhà lãnh đạo dẫn dắt.
Theo kinh nghiệm của tôi, các công ty tạo được dấu ấn trên thế giới này là những công ty được dẫn dắt chứ không phải bị kiểm soát.
Bạn là một nhà lãnh đạo hay một nhà quản lý? Dưới đây là 4 cách đơn giản giúp bạn tìm ra câu trả lời:
1. Cởi mở đón nhận những ý tưởng mới
Phải thừa nhận là trong sự nghiệp của mình, tôi đã nhiều lần bắt gặp bản thân mình nói câu “Việc này thường làm theo cách đó” với ai đó. Khi làm như vậy tôi biết mình đang cố gắng kiểm soát chứ không phải dẫn dắt.
Khi các nhân viên hoặc khách hàng thách thức cách làm hiện nay của công ty bạn, thì đó là lúc thích hợp để cho họ dẫn dắt.
Các nhân viên và khách hàng của bạn có những ý tưởng hay có thể khiến công ty bạn trở nên tốt hơn. Thay vì luôn nói hoặc nghĩ rằng: “Chúng tôi làm theo cách này vì chúng tôi luôn làm như vậy”, hãy thách thức bản thân ngừng kiểm soát tình hình và để người khác thử làm công ty tốt đẹp hơn.
2. Theo dõi các đối thủ để học hỏi từ họ
Một nhà quản lý có thể nói: “Các đối thủ của chúng tôi thật kinh khủng”. Nếu bạn đang nghĩ hoặc nói rằng các đối thủ thật kinh khủng thì bạn chính là một nhà quản lý. Các nhà quản lý thích kiểm soát mọi thứ và thứ họ không thể kiểm soát trong kinh doanh là các đối thủ.
Trái lại, nhà lãnh đạo thấy rằng các đối thủ có thể khiến công ty mạnh hơn. Các nhà lãnh đạo chú ý tới những việc các đối thủ đang làm đúng và sai, để họ có thể học những cách mới và tốt hơn để xây dựng chính doanh nghiệp của họ.
Các nhà lãnh đạo nhận ra rằng các đối thủ không hề kinh khủng, họ chỉ có sự khác biệt. Khi giải thích các giá trị của công ty, các nhà lãnh đạo có thể nêu chi tiết một cách hùng hồn những khác biệt giữa các giá trị của họ và của các đối thủ mà không nói ra bất cứ điều gì tiêu cực về công ty khác.
3. Đón nhận thông tin của nhân viên
Các nhà quản lý không hỏi ý kiến của những người khác vì làm như vậy là mất đi sự kiểm soát. Các nhà lãnh đạo yêu thích việc sử dụng công nghệ như công cụ khảo sát trực tuyến Survey Monkey để có thể hỏi ý kiến và lời khuyên của đội ngũ về mọi vấn đề.
Khó khăn lắm tôi mới học được điều này. Tôi thường kiểm soát và điều khiển mọi thứ trong công ty từ việc tổ chức sự kiện cho tới việc đào tạo và tiếp thị. Khi bạn bắt đầu thấy ít người tham gia các sự kiện và các buổi đào tạo của mình hoặc thấy ít người hưởng ứng các ý tưởng mới của bạn, thì đã tới lúc nhờ giúp đỡ.
Tôi đã khảo sát ý kiến của đội ngũ về mọi thứ từ việc nên cung cấp các khóa đào tạo nào, tài liệu tiếp thị sẽ ra sao và sẽ tổ chức các sự kiện ở đâu và vào lúc nào. Làm như vậy, tôi đã có sự đồng thuận về những điều quan trọng đối với họ.
Khi mọi người cùng tham gia vào quá trình ra quyết định, họ sẽ nắm rõ các nỗ lực tổ chức của nhà lãnh đạo hơn. Ngay cả khi có một số nhân viên không tán thành quyết định cuối cùng, họ cũng đánh giá cao việc bạn hỏi ý kiến họ, và họ sẽ dễ tiếp thu sáng kiến hơn ngay cả khi họ không đồng tình với nó.
4. Không cần đến câu trả lời cuối cùng
Các nhà quản lý thích kiểm soát và một trong những cách duy trì sự kiểm soát của họ là phân tích hầu hết các qui trình ra quyết định với giả định rằng lúc nào họ cũng đúng.
Các nhà lãnh đạo tiếp cận với mọi việc từ góc độ quan điểm khác, với giả định rằng họ không có tất cả các câu trả lời và cách tốt nhất để tìm ra các câu trả lời hay nhất là thông qua việc hợp tác với những người khác trong nhóm.
Về tác giả:
(Dịch từ Entrepreneur)
Phạm Lê Phương (hoclamgiau)
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!