Đỗ Xuân Quang sinh năm 1962 tại Quảng Ngãi trong một gia đình có truyền thống hiếu học, ông nội là đồ nho, cha là hiệu trưởng trường làng. Năm 1983, anh nhận được học bổng theo học ngành luật tại Liên Xô và 6 năm sau trở về Việt Nam với tấm bằng Thạc sĩ luật.
Học cùng đợt với anh có rất nhiều bạn hiện đang giữ những chức danh quan trọng trong bộ máy Chính phủ, trong đó có Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình. Năm 1989, Đỗ Xuân Quang được phân công lên Buôn Ma Thuột làm tại Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, nhưng anh lại rẽ theo hướng khác.
“Ban đầu khi chọn ngành luật tôi rất “máu” lĩnh vực chính trị. Nhưng thời còn là lưu học sinh, tôi nhận ra còn rất nhiều thứ để học hỏi, xây dựng sự nghiệp, không chỉ trong trường lớp, mà còn cả cuộc sống. Và thế là tôi thích làm những ngành vừa có thể đi nhiều, giao tiếp với người nước ngoài để học hỏi” – Đỗ Xuân Quang nhớ lại.
Thời đó, không nhiều người có được tấm bằng Thạc sĩ luật, nên tìm việc làm không quá khó với Đỗ Xuân Quang. Mất gần 6 tháng chọn lựa, Hà Nội, Huế rồi Đà Nẵng, anh quyết định làm việc tại Công ty Giao nhận Kho vận Ngoại thương TPHCM (nay là Vinatrans), bộ phận vận tải tàu biển với Liên Xô vào cuối năm 1989.
Học ở Liên Xô, giờ lại làm việc với người Liên Xô nên không mấy khó khăn để Đỗ Xuân Quang bắt nhịp với công việc. 2 tháng sau, nhận thấy sự tháo vát của anh “lính mới”, lãnh đạo Vinatrans đã điều chuyển anh sang bộ phận giao nhận hàng không với yêu cầu cao hơn hẳn.
Nghề giao nhận hàng không đã chọn Đỗ Xuân Quang trước, điều này khác hẳn với việc anh luôn chủ động chọn nghề, chọn nơi làm việc, nhưng lại trở thành bước ngoặt trên con đường kinh doanh của anh sau này.
Năm 1992, anh Quang được thăng chức Trưởng phòng Giao nhận Hàng không thuộc Xí nghiệp Dịch vụ Kho vận của Vinatrans. Từ đây niềm đam mê được đi, được học trở thành hiện thực.
“Khi đó tôi phải học rất nhiều, không khác gì thời sinh viên. Giao tiếp với nhiều đối tác tại các quốc gia khác nhau, nên tôi phải liên tục bổ sung những quy tắc xã giao, có khi nước này trái ngược với nước khác. Rồi học tiếng Anh vừa để nói chuyện, vừa để dịch thuật các giáo trình nghiệp vụ cho mình và nhân viên” – Đỗ Xuân Quang kể.
Dứt bầu sữa mẹ
Năm 2002, khi Vinatrans cổ phần hóa Xí nghiệp Dịch vụ Kho vận thành Vinafreight, Đỗ Xuân Quang có đôi chút hụt hẫng. Bởi dù là người năng động, nhưng môi trường làm việc là doanh nghiệp nhà nước, vẫn có những sự bao bọc, bây giờ cổ phần hóa nghĩa là anh phải “tự bơi”, “tự bay”.
Mặc dù khi đó chưa đảm nhận vị trí cao nhất tại Vinafreight, nhưng anh Quang vẫn hình dung ra được mình sẽ phải làm nhiều hơn, sáng tạo hơn để tạo ra hiệu quả kinh doanh cao nhất. Bước đột phá đầu tiên và cũng là quan trọng nhất của anh là thành lập Công ty TNHH Vector Aviation, với chức năng làm tổng đại lý dịch vụ vận tải cho các hãng hàng không vào năm 2003.
Dù đã cổ phần hóa nhưng ảnh hưởng của Vinatrans tại Vinafreight vẫn rất lớn, vì vậy ý tưởng Vector Aviation đã được nâng lên hạ xuống không ít lần. Ngay trong chính nội bộ Vinafreight cũng có ý kiến cho rằng công ty đang trong giai đoạn chưa đủ mạnh để theo những ý tưởng đột phá.
Nhưng Đỗ Xuân Quang giải thích, đây không phải là ý tưởng mới mẻ, vì dịch vụ vận tải hàng không đã có từ lâu và tạo ra rất nhiều lợi nhuận. Nhận thấy nhiều người “bàn lùi” với đủ lý do nhưng chung quy cũng chỉ vì “sợ lỗ”, Đỗ Xuân Quang đề xuất thành lập Vector Aviation với vốn điều lệ vỏn vẹn 600 triệu đồng, nhân sự chưa đến 10 người và anh đảm nhận vị trí giám đốc.
Máy bay của hãng Malaysia Airlines (đối tác của Vector Aviation) bốc hàng tại cảng |
Chỉ sau 6 tháng hoạt động, Vector Aviation lãi 800 triệu đồng. Đối tác đầu tiên của Vector Aviation là Malaysia Airlines. Ban đầu Malaysia Airlines tỏ ra hồ nghi năng lực của Vector Aviation, nhưng chỉ sau 1 năm hợp tác, doanh số vận tải của hãng này trên chặng Việt Nam – Malaysia tăng từ 300.000USD lên 2,8 triệu USD.
Đỗ Xuân Quang lý giải: “Ai cũng nghĩ thị trường giao nhận hàng không khó làm hoặc bị các đại gia giành hết, nhưng thực tế không phải vậy. Thí dụ, các nhà hàng châu Á rất cần tôm hùm tươi sống của Việt Nam để chế biến cho khách, giá bao nhiêu cũng chấp nhận và để đáp ứng chỉ có thể vận chuyển bằng hàng không.
Nhiều hãng vận tải hàng không quốc tế đã phải bó tay trước việc vận chuyển tôm hùm, vì khối lượng thường không lớn nhưng nếu không am hiểu kỹ thuật đóng gói sẽ không đảm bảo được yếu tố tươi sống cho chuyến hàng.
Sự khác biệt được tạo ra ở chỗ chúng tôi thành công trong khâu bảo quản tôm hùm tươi theo đúng chuẩn hàng không. Ngoài hải sản, các mặt hàng may mặc, thủ công mỹ nghệ đắt tiền cũng là sản phẩm chủ đạo của Vector Aviation trong những năm đầu tiên”.
Từ làm đại lý cho các hãng hàng không, Vector Aviation tiến đến mua “tải” trên các chuyến bay để chủ động trong việc vận chuyển hàng hóa. Thực ra không hãng nào có thể “ôm trọn” thị phần, trái lại còn phải hỗ trợ lẫn nhau.
Chẳng hạn, tập đoàn DHL nổi tiếng thế giới về vận chuyển hàng hóa hàng đầu thế giới, thậm chí có cả máy bay riêng, nhưng nhiều lúc thiếu “tải” cũng phải đề nghị Vector Aviation thu xếp “tải” để chuyển hàng.
Hoặc cũng có trường hợp, hãng này thừa tải nhưng hãng khác thiếu tải, Vector Aviation nắm được điều này nên chỉ cần mua đi bán lại đã có lợi nhuận. 3 bí quyết giúp anh Đỗ Xuân Quang mở rộng thị phần là đi vào thị trường ngách để nắm bắt thời cơ, khác biệt hóa sản phẩm và giữ hình ảnh của mình trong mắt khách hàng.
Đứng bằng đôi chân của mình
– Anh nghĩ thế nào nếu có người nói rằng ngành nghề của anh chỉ cần có quan hệ là thắng? – tôi hỏi.
– Làm ngành hàng không đâu chỉ có các mối quan hệ. Dù có nhiều mối quan hệ, chúng tôi vẫn phải chủ động và bản lĩnh. Thời Vector Aviation chuẩn bị ra đời, nhiều người bên Vietnam Airlines nửa đùa nửa thật: Ông ra công ty, cạnh tranh với tụi tôi là “chết” đó! Tôi đáp: Làm sao “giết” được tôi, nhờ tôi mà các anh có thêm tải, có khi các anh thiếu tải lại phải nhờ tôi sắp xếp.
Những năm gần đây, Vector Aviation nói riêng và Vinafreight nói chung luôn nằm trong top những đại lý vận tải hàng không có lượng hàng lớn nhất khu vực TPHCM. Để chuyên nghiệp hóa hoạt động, Đỗ Xuân Quang đã chủ động thuê người nước ngoài có kinh nghiệm về làm việc.
– Anh làm thế nào để mời được những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm, thậm chí trình độ chuyên môn cao hơn mình? – tôi thắc mắc.
Một trong những điều trăn trở lớn nhất của tôi là tiềm năng phát triển ngành hàng không nước ta chưa được khai thác đúng mức, trong đó ngành giao nhận hàng không có ưu thế rất lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Tại sao Singapore, một quốc gia nhỏ nhưng trở thành trung tâm chuyên chở (hub) của thế giới? Còn chúng ta có đến 2 hub là Hà Nội và TPHCM lại chưa làm được? Vấn đề nằm ở cơ sở hạ tầng, kho bãi và cả cơ chế hải quan. Những hạn chế này cần được các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm giải quyết .
|
|
Ông ĐỖ XUÂN QUANG, |
– Người nước ngoài sẵn sàng làm việc cho một ông sếp kém hơn mình, miễn sao họ hài lòng về thu nhập và cơ hội thăng tiến. Khó nhất của tôi là vấn đề lương, người nước ngoài xem lương là thu nhập, còn người Việt Nam lại có lương khác thu nhập, thành ra mới có chuyện lương 1 mà thu nhập 3.
Thí dụ có người làm việc “trúng” ngành, lương vài triệu đồng mà ở nhà tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Trả lương cao cho những người giỏi, khai thác năng lực làm việc hiệu quả mới là yếu tố quan trọng của nhà quản trị.
Thực tế thì người nước ngoài họ mang đến những kiến thức toàn cầu, còn chúng ta chỉ vẽ cho họ những kinh nghiệm tại địa phương. Cân bằng được 2 yếu tố trên, việc điều hành sẽ suôn sẻ.
– Được biết Vinafreight đang tính đến chuyện thành lập hãng hàng không vận tải. Điều này có quá sức hay không khi một số hãng hàng không tư nhân ra đời chưa lâu đã chết yểu? – tôi nêu mối hoài nghi.
– Người ta lập hãng hàng không vận chuyển hành khách, còn tôi lập để vận chuyển hàng hóa, tiêu chí khác nhau khá nhiều. Hiện tại công ty của chúng tôi đang trong quá trình huy động vốn và khi nào đủ 300 tỷ đồng sẽ tiến hành lập hãng. Nếu hãng này ra đời, sẽ mang một cái tên thuần Việt.
Đâu là vấn đề quan trọng nhất khi đầu tư vào ngành hàng không? Thứ nhất, phải có chất xám và kinh nghiệm. Tôi đã ở ngành này hơn 20 năm, còn chất xám, nghiệp vụ nếu mình không đủ thì thuê chuyên gia nước ngoài. Điều quan trọng nhất là phải hoạt động chuẩn mực, rõ ràng, không thừa, không thiếu.
Ngoài 2 cương vị quan trọng tại Vinafreight (Chủ tịch HĐQT) và Vector Aviation (CEO), Đỗ Xuân Quang còn đảm nhận vị trí Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam (VIFFAS). Anh đã chi tiền riêng và huy động được 70.000USD xây dựng bộ giáo trình logistics (dịch vụ hậu cần) đầu tiên tại Việt Nam bao gồm đường thủy, đường bộ, hàng không…
Nhưng đó chưa phải là niềm tự hào của Đỗ Xuân Quang. Theo anh, sự cống hiến lớn nhất của doanh nhân ở chỗ tạo ra công ăn việc làm, đó mới là giá trị gia tăng cho xã hội. Vinafreight hiện có 120 nhân viên.