Vào năm 1920, một người Đức tên là Eugen Herrigel đã chuyển đến sinh sống ở Nhật bản, tại đây anh đã theo học Kyudo – một môn nghệ thuật bắn cung nổi tiếng của đất nước mặt trời mọc.
Herrigel được dạy dỗ bởi huyền thoại Kyudo có tên Awa Kenzo. Kenzo luôn yêu cầu những học trò của mình nắm vững các nguyên tắc cơ bản của bắn cung, trước khi bắn vào mục tiêu thực sự và ông bảo vệ phương pháp này đến cùng. Trong 4 năm đầu tiên, Herrigel chỉ được phép bắn vào 1 cuộn rơm với khoảng cách hơn 2m.
Cho đến một ngày, Herrigel được thực hành với khoảng cách xa từ đầu – đến cuối sân tập, nhưng kết quả thu được lại hết sức thất vọng. Mũi tên bắn ra không đi trúng đích và anh ta ngày càng chán nản với mỗi lần giương cung lên để bắn. Herrigel cố đổ lỗi rằng mục tiêu của anh ta quá nhàm chán nhưng Kenzo không cho là vậy.
Ông nói rằng đó không phải là đích để nhắm đến mà phải làm thế nào để tiếp cận mục tiêu và thu về kết quả. Cảm thấy thất vọng về người thầy của mình, Herrigel buột miệng nói: Thế thì thầy hãy bịt mắt rồi bắn trúng đích đi!
Kenzo dừng lại giây lát rồi từ tốn trả lời: Hãy đến gặp thầy vào tối nay.
Khi màn đêm buông xuống, hai người đàn ông quay trở lại sân tập. Kenzo bước tới vị trí bắn cung, ông hướng tới mục tiêu đã bị màn đêm bao phủ. Chỉnh lại tư thế đứng, người thầy kéo căng dây cung và bắn phát đầu tiên – mũi tên xé tan màn đêm. Sau này Herrigel có viết lại rằng, khi nghe thấy âm thanh anh ta biết rằng mũi tên đã đi trúng đích.
Ngay lập tức Kenzo bắn mũi tên thứ hai. Trong cuốn sách “Nghệ thuật Thiền của cung thủ siêu hạng”, Herrigel viết: Khi tôi thắp đèn và tiến đến mục tiêu, tôi thật sự ngạc nhiên khi phát hiện ra mũi tên thứ nhất nằm chính giữa hồng tâm, trong khi mũi tên thứ hai cắm thẳng vào mũi tên thứ nhất.
3 cung thủ Nhật Bản – 1860
Mọi thứ đều nằm gọn trong tầm ngắm
Người thầy bắn cung siêu hạng này thường dạy rằng “Mọi thứ đều phải nằm trong tầm ngắm”. Đặt chân ở đâu, giương cung như thế nào, cách hít thở trong lúc ngắm bắn, tất cả sẽ quyết định tới kết quả cuối cùng.
Trong trường hợp của Awa Kenzo, người thầy này đã đạt được trạng thái có tên gọi là Zanshin.
Zanshin là một từ được sử dụng phổ biến trong các môn võ thuật tại Nhật Bản để chỉ một trạng thái tỉnh táo, thoải mái. Dịch theo nghĩa đen, Zanshin có nghĩa là: “Không để tâm đến hoàn cảnh”. Nói cách khác tâm trí hoàn toàn tập trung vào hành động và ngừng mọi suy nghĩ để tập trung vào nhiệm vụ chính. Zanshin trở thành nhận thức của cơ thể và tâm trí , môi trường xung quanh không thể gây áp lực lên người bắn cung.
Ngoài ra, Zanshin còn có một ý nghĩa sâu sắc hơn đó là lựa chọn cuộc sống một cách có chủ đích và hành động vì mục đích chứ không đơn giản là đầu hàng trước những khó khăn.
Kẻ thù của vinh quang
Có một câu ngạn ngữ nổi tiếng của Nhật bản nói rằng “Sau chiến thắng vẻ vang, nhớ thắt chặt quai mũ của bạn lại”
Nói cách khác, cuộc chiến chưa kết thúc ngay cả khi bạn đã giành chiến thắng. Cuộc chiến chỉ kết thúc khi bạn trở nên lười biếng. Đó chính là Zanshin: Hãy tỉnh táo dù đã đạt được mục tiêu. Chúng ta có thể áp dụng triết lý này vào nhiều lĩnh vực của cuộc sống:
- Viết lách: cuộc chiến không kết thúc khi bạn xuất bản một cuốn sách, nó chỉ kết thúc khi bạn suy nghĩ rằng mình đã hoàn thiện xong tác phẩm rồi bỏ bê việc viết lách.
- Thể dục: Cuộc chiến không kết thúc khi bạn đạt được một vóc dáng “chuẩn”. Nó chỉ kết thúc khi bạn mất tập trung và bỏ tập.
- Kinh doanh: cuộc chiến không kết thúc khi bạn thực hiện thành công 1 chiến dịch bán hàng lớn. Nó chỉ kết thúc khi bạn vênh váo và tự mãn.
Kẻ thù của vinh quang không phải là thất bại mà là sự nhàm chán, mệt mỏi và thiếu tập trung.
Chúng ta sống trong một thế giới bị ám ảnh bới kết quả. Giống như Herrigel, chúng ta có xu hướng chú trọng quá nhiều đến việc có hay không các mũi tên trúng vào mục tiêu. Nhưng nếu chúng ta đặt sức mạnh và sự tập trung lên hàng đầu: cách đặt chân như thế nào, giữ cung ra sao, thở như thế nào khi giương cung bắn. Và, việc bắn trúng đích chỉ đơn giản là một điều tất yếu.
Vấn đề ở đây là đừng lo lắng đến việc có bắn trúng mục tiêu hay không mà hãy tập trung để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, giống như Zanshin.
Đó là cách để chúng ta tiếp cận mục tiêu.
Mọi thứ đều đã nằm trong tầm ngắm. Zanshin.
Hồ Hằng
Theo Trí Thức Trẻ
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!