Trong thế giới kinh doanh, sự khác biệt là một lợi thế.
Bởi ở một thị trường với hàng trăm, hàng ngàn mặt hàng, nhãn hiệu, đối thủ cạnh tranh khác nhau, sự khác biệt giúp chúng ta tạo ra dấu ấn với khách hàng, đồng thời khai phá những phân khúc, thị trường mới.
Để tạo ra một sản phẩm, một thương hiệu khác biệt, doanh nghiệp cần có cho mình một đội ngũ nhân sự khác biệt, có tư duy sáng tạo, phá cách, có lối suy nghĩ độc đáo. Tuy nhiên, tuyển dụng được những nhân sự như vậy không phải là một việc dễ. Nó đòi hỏi doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí, thời gian, không chỉ để tìm kiếm, tuyển dụng, mà còn để giúp những nhân sự đó hòa nhập được với môi trường đặc thù, văn hóa cụ thể của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, có một cách khác mà doanh nghiệp có thể vừa tiết kiệm chi phí, thời gian, vừa tạo ra được một đội ngũ nhân sự khác biệt, sáng tạo và phù hợp cho mình, đó là tự mình tạo ra những nhân sự khác biệt.
“Suy nghĩ khác biệt, hành động khác biệt không chỉ giúp bạn tạo ra sự khác biệt, mà còn giúp bạn tối đa hóa tiềm năng của bản thân, của nhân sự. Và thật may là con người chúng ta có khả năng tạo ra được nhiều thứ, trong đó có cả sự khác biệt” – Jamil Qureshi, chuyên gia tâm lý học hành vi người Anh, nhà sáng lập Công ty Tư vấn JQED Ltd, chia sẻ.
Hãy hỏi mọi thứ
Tò mò là điểm bắt đầu hoàn hảo cho sự sáng tạo. Liên tục đặt câu hỏi, liên tục buộc nhân sự tìm kiếm câu trả lời, tìm kiếm giải pháp mới, đẩy nhân sự của mình vượt qua những giới hạn suy nghĩ thông thường, tạo ra sự đột phá trong tư duy, trong sản phẩm… là một trong những cách hữu hiệu giúp doanh nghiệp có thể tạo ra một đội ngũ khác biệt.
Cựu kỹ sư công nghệ của Apple, Guy Kawasaki, ghi nhận một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà ông học được từ Steve Jobs – huyền thoại của Apple – đó là không ngừng đặt câu hỏi, đẩy nhân viên tới giới hạn, tới những thử thách vô cùng khó khăn, từ đó khiến họ bộc lộ tất cả khả năng.
Guy Kawasaki cho biết: “Steve Jobs là một người luôn để ý đến từng chi tiết dù là nhỏ nhất. Ông ấy luôn hỏi và luôn tạo ra thử thách không ngừng cho nhân sự. Ông ấy vừa xem đó là một bài kiểm tra, vừa là một cách để thúc đẩy nhân viên của mình. Và chính điều này giúp nhân viên rèn luyện các kỹ năng làm việc và tạo ra được những sáng kiến độc đáo.
Cũng giống như việc bạn phải phục vụ những khách hàng khó tính. Sẽ rất mệt mỏi, căng thẳng và luôn rơi vào trạng thái kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần, nhưng sau khi giải quyết xong vấn đề với những khách hàng như vậy, bạn sẽ học được rất nhiều điều”.
Một cựu kỹ sư phần mềm khác của Apple, David Black, cũng nhận ra điều này, khi ông từng hóm hỉnh lý giải việc không có nhiều nhân viên của Apple có thể ngồi ăn với Steve Jobs.
“Câu chào thường trực nhất của Steve Jobs với nhân sự là “Bạn đang làm gì vậy?” (What’re you working on?). Đa số nhân sự sẽ nhanh chóng kết thúc bữa ăn của mình chỉ trong 15-20 phút, trước khi Steve Jobs xuất hiện. Luôn có những thử thách trong các câu hỏi mà ông ấy đặt ra và không phải ai cũng dám đối diện” – David Black nhớ lại.
Công bằng với mọi người, nhưng hãy tôn vinh nhà vô địch
Để tạo ra một đội ngũ nhân sự sáng tạo, khác biệt, đòi hỏi nhà quản trị cần một lộ trình, một kế hoạch đảm bảo vừa lan tỏa, vừa có chiều sâu.
Sự lan tỏa, được hình dung là mọi câu hỏi hay vấn đề cần được phổ biến, trao đổi rộng rãi, công khai với tất cả thành viên có trách nhiệm, quyền hạn liên quan đến vấn đề đó. Điều này giúp tạo ra cơ hội cho tất cả mọi người, huy động được chất xám cũng như rèn giũa sự sáng tạo cho nhân viên. Tránh được những vấn đề tiêu cực như đố kỵ, thiên vị… trong đội ngũ.
Còn chiều sâu, hiểu đơn giản là doanh nghiệp cần xác định một nhà vô địch, hình mẫu cá nhân, nhóm cụ thể đã hoạt động hiệu quả trong suốt một quá trình và tưởng thưởng họ một cách xứng đáng. Bởi chiến thắng của nhà vô địch sẽ trở thành một câu chuyện thành công tiêu biểu, kích thích được tinh thần làm việc của toàn bộ đội ngũ, để họ hăng say, quyết tâm hơn trong công việc.
“Sự khác biệt thường được thúc đẩy bởi cái gì đó mà một người đang tìm kiếm, mong muốn để đạt được, chứ không phải được tạo ra bởi điều gì đó mà chúng ta đang cố tránh né” – Jamil Qureshi đúc kết.
Xác định rõ mục tiêu của nhân sự
Cuối cùng, để tạo được một đội ngũ nhân sự khác biệt, nhà quản trị cần xác định rõ nguyện vọng, mục tiêu lâu dài của mỗi nhân viên trong doanh nghiệp. Bởi định hình được mục tiêu của nhân sự sẽ giúp doanh nghiệp tính toán được những bước phát triển phù hợp với tương lai doanh nghiệp, đồng thời có thể hỗ trợ và tạo cơ hội cho nhân viên một cách tốt nhất.
Đơn cử, khi một nhân viên hỗ trợ khách hàng bày tỏ mong muốn làm việc trong phòng công nghệ thông tin, tức là người này đã đưa ra cho nhà quản trị một dấu hiệu về một ước mơ, mục tiêu trong tương lai. Nếu không được nhà quản trị đáp ứng mục tiêu ấy, hoặc nếu nhà quản trị không giúp nhân viên này hiểu được lý do vì sao người đó không được đổi công việc, thì việc thúc đẩy nhân viên này sáng tạo, tạo ra điều khác biệt, sẽ cực kỳ khó khăn.
“Một đội ngũ sáng tạo cần mối quan hệ chặt chẽ và một hệ thống quy tắc, điều luật linh hoạt. Bởi bạn không thể tạo ra những con gà chọi nếu bắt chúng sống trong chuồng và ăn uống theo chế độ của gà công nghiệp. Tuy nhiên, một hệ thống quy tắc linh hoạt chỉ nên được áp dụng với những cá nhân có tính chuyên nghiệp, có mục tiêu, động lực, những thứ sẽ luôn thúc đẩy họ đi lên” – Rosabeth Moss Kanter, giáo sư giảng dạy về quản trị kinh doanh thuộc Harvard Business School, kết luận.
Đạt Long (DNSG)
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!