Khi thất bại là điều không thể tránh khỏi, hãy học cách cảm thấy thoải mái với nó. Để điều hành công việc hiệu quả, các nhà lãnh đạo càng cần phải xây dựng một đội ngũ không sợ hãi thất bại.
Chúng ta có xu hướng tự nhiên là xem thất bại như một điều gì đó tồi tệ và luôn “thiên vị” những điều tiêu cực hơn những điều tích cực. Chẳng hạn, nếu rơi vào trường hợp bị mất 100 USD vào buổi sáng và có được 100 USD vào buổi chiều, chúng ta vẫn cảm thấy tồi tệ về sự mất mát vào buổi sáng hơn.
Trang Inc. đã tập hợp những lời khuyên giá trị giúp nhà lãnh đạo tạo nên một đội ngũ có khả năng thất bại một cách… hiệu quả:
1. Chấp nhận thực hiện một “vụ cược” nhỏ
Jeff Gothelf – tác giả cuốn Lean UX và Sense and Respond:
Tôi yêu cầu các thành viên trong đội ngũ tự hỏi một điều rằng “Điều quan trọng nhất chúng ta cần học hỏi trước tiên/tiếp theo là gì?”, và sau đó là “Thứ tối thiểu chúng ta phải làm để học hỏi được điều đó là gì?”. Bằng cách này, nếu thấy ý tưởng bất hợp lý, chúng tôi có thể dễ dàng từ bỏ nó.
2. “Ăn mừng” sớm
Melissa Perri – nhà sáng lập Hãng tư vấn quản lý sản phẩm Produx Labs:
Tôi đề nghị các thành viên trong đội ngũ ăn mừng khi quyết định chấm dứt sớm quá trình thực hiện những ý tưởng sai lầm. Chúng tôi tập trung sự chú ý vào khối lượng lớn thời gian và công sức mình sẽ tiết kiệm được khi không tiếp tục hành trình đó nữa.
3. Rút ra các bài học
Mathias Jakobsen – chuyên viên quản lý và đào tạo tại Hãng tư vấn SYPartners, giảng viên tại Trường Thiết kế Parsons:
Bản chất thất bại không phải là điều gì tốt đẹp, nhưng chúng ta có thể “chiết xuất” những bài học hữu ích từ nó.
4. Tự chữa lành
Srini Pillay – CEO NeuroBusiness Group, phó giáo sư Trường Y khoa Harvard:
Cơ thể chúng ta có khả năng tự chữa lành các loại viêm, bệnh nhiễm trùng… Nó cũng có cơ chế tự phục hồi từ thất bại. Khi gặp thất bại, hãy ví bản thân chỉ như một đứa trẻ bị vấp ngã và trầy xước (hoặc đôi khi thâm tím mình mẩy), bạn sẽ cảm thấy dễ chấp nhận thất bại hơn và quyết tâm “dưỡng bệnh” để sẵn sàng tiếp tục “chạy nhảy”.
5. Thất bại… nhanh hơn
Jonathan Bertfield – chuyên gia cấp cao tại Hãng hỗ trợ startup Lean Startup Co.:
Có nhiều loại thất bại, và không phải loại thất bại nào cũng đáng được chào đón. Có những sự thất bại chỉ bắt đầu “lộ diện” khi chúng ta đã đầu tư rất nhiều nguồn lực, thời gian và công sức. Kiểu thất bại này cần được tránh xa.
“Thất bại nhanh” là kiểu thất bại sẽ xuất hiện khi một đội ngũ được khuyến khích làm việc với tinh thần thoải mái và nhanh chóng phát hiện ra những điểm thiếu sót trong một kế hoạch. Kiểu thất bại này chính là động lực của sự phát triển.
6. Ăn “chiếc bánh thất bại”
Barry O’Reilly – nhà sáng lập và CEO của chương trình tư vấn lãnh đạo ExecCamp, đồng tác giả cuốn Lean Enterprise:
Thứ chúng ta chào đón không phải sự thất bại, mà là những bài học được rút ra từ đó. Bạn phải học hỏi và hấp thu chúng hoàn toàn bằng cách nuốt chửng “chiếc bánh thất bại” của chính mình.
7. Định nghĩa lại sự thất bại
JB Brown – Giám đốc Peloton, cựu lãnh đạo đổi mới (Head of Innovation) của Hãng bán lẻ mặt hàng thời trang Nordstrom:
Thời điểm duy nhất mà một trải nghiệm được xem như thất bại là khi nó không thuyết phục. Vì vậy, hãy định nghĩa lại sự thất bại để khiến nó trở thành một điều gì đó dễ chấp nhận.
8. Thay đổi cách đặt tên đội ngũ
David J Bland – nhà sáng lập, CEO Công ty agency Precoil:
Đừng đặt tên cho một nhóm làm việc theo tên sản phẩm. Bởi nếu sản phẩm không thành công như mong đợi, cả đội ngũ đó thường bị sa thải hoặc chịu một “hình phạt” nào đó. Điều này sẽ tạo ra một tâm lý không tích cực trong quá trình làm việc
Doanh nhân Sài Gòn