Để có được thành công như ngày hôm nay, công ty đại chúng lớn nhất Trung Quốc đã triệt để áp dụng văn hóa “cá lớn ăn thịt cá bé” trong nội bộ của mình.
Dịch vụ WeChat của Tencent ra đời sau khi nhà sáng lập Ma Huateng khuyến khích nhân viên cạnh tranh với nhau để tạo ra một ứng dụng nhắn tin di động mới. WeChat hiện là ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Trung Quốc, với hơn 805 triệu người dùng và có đủ các tính năng từ nhắn tin, chơi game cho đến thanh toán điện tử.
Thành công vang dội của WeChat đã đưa Tencent trở thành công ty đại chúng lớn nhất Trung Quốc với giá trị thị trường lên tới 257 tỷ USD. Hiện nay, Ma muốn lặp lại thành công đó khi Tencent gia nhập lĩnh vực phát video trực tuyến, bằng cách cho phép 6 bộ phận của công ty cạnh tranh với nhau để giành giật khách hàng. Theo dự đoán, giá trị của thị trường phát video trực tuyến sẽ tăng gấp 9 lần, lên 13 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.
“Văn hóa của Tencent giống như tử cung của cá mập mẹ, nơi các con cá mập chưa ra đời cắn xé chị em của mình để trở thành cá thể sống sót duy nhất”, Andy Mok, giám đốc công ty nhân sự Red Pagoda Resources nói. “Văn hóa này quả thực là tàn nhẫn, nhưng nó giúp các thành viên thích ứng nhanh hơn và nâng cao khả năng cạnh tranh của họ”.
Tencent không phải là công ty đầu tiên đưa ra ý tưởng trên. Văn hóa cạnh tranh với đồng nghiệp từ lâu đã được áp dụng ở Goldman Sachs và General Electric. Ma, người giàu thứ ba Trung Quốc, từng phát biểu rằng, cạnh tranh nội bộ là động lực của sáng tạo.
Bên cạnh dịch vụ phát video trực tuyến, Tencent hiện còn vận hành ít nhất bốn ứng dụng âm nhạc, ba mảng kinh doanh thực tế ảo và hai bộ phận sản xuất phim.
“Chúng tôi luôn mang trong mình tinh thần khởi nghiệp”, Ross Liang, giám đốc mảng kinh doanh mạng xã hội của Tencent chia sẻ. “Ở Tencent, không có ranh giới rõ ràng về những gì không được phép làm”.
Văn hóa cạnh tranh được các nhân viên của Tencent thấm nhuần từ sớm. Họ thường xuyên được khuyến khích tìm kiếm sản phẩm mới. Thất bại trong việc phát hiện các xu hướng mới có thể khiến họ bị đồng nghiệp vượt mặt.
“Chúng tôi xem việc thua kém đồng nghiệp là một điều đáng hổ thẹn” Alex Bai, cựu giám đốc sản phẩm của Tencent, giờ đang làm cho Baidu nói.
Ý tưởng mới thường đến từ những nhân viên cấp thấp nhất. Những người đề xuất chúng có thể được thưởng bằng tiền mặt, từ 500 nhân dân tệ (75 USD) cho việc thiết kế lại giao diện cho đến 1 triệu nhân dân tệ (150.000 USD) cho các sáng kiến quan trọng hơn. Bai từng nhận được 300.000 nhân dân tệ nhờ cải tiến mảng quảng cáo của công ty.
“Việc đạt được thành tựu nào đó, dù nhỏ đến đâu, được xem là một điều tuyệt vời. Điều đó đã trở thành văn hóa của công ty”, Bai chia sẻ.
Ở các cuộc họp hàng tháng của Tencent, hàng trăm nhân viên, từ đội ngũ lãnh đạo cấp cao cho đến nhân viên mới vào sẽ thảo luận các dự án mới nhất của họ. Chủ tịch Martin Lau, người nắm quyền điều hành thứ hai trong công ty, thường xuyên tham gia các buổi họp như vậy, và đôi khi cả Ma cũng xuất hiện.
Quy trình ra quyết định ở Tencent cũng ít trịnh trọng hơn các công ty khác. Các bộ phận kinh doanh giao tiếp với nhau qua WeChat. Đôi khi Ma và Lau cũng “xin” tham gia thảo luận qua chính ứng dụng nhắn tin này.
“Đây là điều các sếp lớn muốn khuyến khích. Họ muốn các nhóm tự do hoạt động cho đến khi tìm ra sản phẩm tốt nhất”, Bai nói.
Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg
Contact us and we would love to to answer any questions you may have.
Message Submitted!