Pin lưu trữ đối với hệ thống điện đã được nhiều quốc gia trên thế giới lắp đặt, song ở Việt Nam vẫn còn hạn chế khiến các chuyên gia kiến nghị cần có cơ chế để tăng tỉ lệ lắp đặt pin lưu trữ trong hệ thống điện Việt Nam.
Bộ Công Thương cho hay đang nghiên cứu chính sách phát triển pin lưu trữ năng lượng tại Việt Nam – Ảnh: NGỌC HIỂN
Chuyên gia đề xuất cần tăng tỉ trọng pin lưu trữ
Ông Phạm Đăng An – phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group – nhận định trong bối cảnh phát triển năng lượng tái tạo ngày càng trở nên cấp thiết, các hệ thống lưu trữ năng lượng đang đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng (BESS) và phát triển bền vững.
Theo ông An, hệ thống lưu trữ năng lượng đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa và ổn định nguồn điện từ năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, việc phát triển các hệ thống lưu trữ không chỉ giúp giảm áp lực lên lưới điện quốc gia mà còn đảm bảo cung cấp điện liên tục và ổn định.
Do đó, ông An đề xuất cần có chính sách rõ ràng để Nhà nước hỗ trợ tài chính và phát triển các quy chuẩn kỹ thuật để đảm bảo chất lượng và an toàn cho các hệ thống này. đồng thời giúp tăng tỉ lệ pin lưu trữ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Sunita Dubey – đại diện Quốc gia Liên minh Năng lượng toàn cầu vì con người và hành tinh (GEAPP) tại Việt Nam – cho rằng tỉ trọng năng lượng tái tạo trong hệ thống điện tại Việt Nam ngày càng cao, đòi hỏi phải tích hợp các công nghệ tiên tiến như hệ thống pin lưu trữ năng lượng vào các chiến lược phát triển và phục hồi năng lượng của Việt Nam.
Theo bà Sunita Dubey, các tập đoàn đa quốc gia như Apple, Microsoft, Samsung, Nike, PepsiCo, Procter and Gamble, Nestle và Unilever cũng đã cam kết dần chuyển đổi sang 100% sử dụng năng lượng tái tạo, phản ánh nhu cầu cấp thiết cho các nguồn năng lượng sạch tại Việt Nam.
Hiện GEAPP đang hợp tác với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Viện Rocky Mountain (RMI) và Viện Năng lượng Việt Nam (IE) triển khai dự án thí điểm hệ thống pin lưu trữ năng lượng kết nối lưới điện đầu tiên của quốc gia.
Tập hợp chuyên môn và nguồn lực của các đối tác liên minh, GEAPP đã điều phối kế hoạch triển khai và mở rộng dự án BESS thí điểm, xây dựng lộ trình tăng trưởng công suất pin lưu trữ lên 300MW và hỗ trợ cơ chế tài chính.
“Việc tích hợp BESS vào cơ sở hạ tầng năng lượng Việt Nam cho thấy triển vọng đầy hứa hẹn trong chuyển đổi năng lượng của quốc gia.
Bằng việc lưu trữ năng lượng dư thừa trong các giai đoạn nhu cầu điện năng thấp và giải phóng năng lượng trong thời gian cao điểm, BESS có thể tăng cường tính linh hoạt của lưới điện, giảm phát thải và giảm chi phí điện.
Tuy nhiên, để có thể hiện thực hóa các lợi ích này, Việt Nam cần xúc tiến những chính sách và quy định hỗ trợ thúc đẩy quá trình triển khai BESS”, bà Sunita Dubey nói.
Theo bà, các quốc gia lân cận như Indonesia, Thái Lan và Philippines chủ động tích hợp BESS cùng với sản xuất năng lượng tái tạo.
Bà Sunita Dubey cho rằng theo thông tin từ nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới, chi phí sản xuất pin lithium ngày càng giảm, kết hợp với những tiến bộ công nghệ đã khiến BESS dễ tiếp cận hơn. Do đó, Việt Nam nên tận dụng xu thế này để thu hút đầu tư, tạo việc làm xanh và tăng cường an ninh năng lượng.
Bộ Công Thương: Nghiên cứu tỉ trọng lắp pin lưu trữ
Bộ Công Thương cho hay trong quy hoạch điện VIII, Việt Nam dự kiến phát triển khoảng 300MW đến năm 2030.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu về vấn đề pin lưu trữ trong hệ thống điện Việt Nam, trong đó nghiên cứu về tỉ trọng lắp đặt BESS trong dự án năng lượng tái tạo và nghiên cứu về cơ chế, chính sách cho phát triển pin lưu trữ tại Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, việc tích hợp pin lưu trữ bảo đảm khả năng hấp thụ của hệ thống điện và khả năng vận hành an toàn, tin cậy của lưới điện.
Hiện Bộ Công Thương đã giao Viện Năng lượng nghiên cứu xây dựng đề án, tổ chức tham vấn kỹ thuật để tổng hợp, đánh giá và hoàn thiện đề án, làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quá trình rà soát Quy hoạch điện VIII.
Trước đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu trong trường hợp đầu tư điện mặt trời mái nhà, để sử dụng có lắp đặt hệ thống lưu trữ điện năng có thể mua 100% công suất điện dư và cho phép mua điện theo giá từng thời điểm.
Cần lưu ý vấn đề cháy nổ
Ông Phạm Phước Bình – giám đốc Công ty cổ phần Bincon – cho biết việc lắp điện mặt trời kết hợp với pin lưu trữ sẽ giải quyết được nhược điểm của năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng là tính bất ổn định.
Do nguồn điện này trồi sụt thất thường nên sẽ gây khó khăn cho EVN trong điều độ hệ thống điện, song khi có pin lưu trữ sẽ giải quyết được phần nào khó khăn này.
Tuy nhiên, ông Bình cho rằng vẫn cần lưu ý các vấn đề kỹ thuật để vận hành an toàn và đầu tư hợp lý.
Cụ thể, khi lắp hệ thống điện mặt trời có chức năng trữ điện sẽ sử dụng loại biến tần tích hợp với bộ sạc điện, trữ điện, hệ thống được lập trình để hoạt động tối ưu với bức xạ mặt trời và điện lưới.
Vì vậy, hệ thống năng lượng mặt trời đã lắp, hòa lưới và đang hoạt động trước đây nếu muốn lắp thêm bộ lưu trữ điện sẽ phải tính toán chi phí thay thế tích hợp cao hơn so với các dự án đầu tư mới. Bên cạnh đó cần phải tính toán không gian để lắp các bình lưu điện phù hợp, đặc biệt là đảm bảo an toàn PCCC.
NGỌC HIỂN (Nguồn: tuoitre.vn)
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!