Từng là trẻ mồ côi, bị cô lập vì màu da, bỏ học cấp 3 và sống trong nghèo đói, chàng trai 32 tuổi Josh Fabian đã vượt qua mọi trở ngại thành công xây dựng nên sự nghiệp đồ sộ của bản thân…
Josh Fabian là CEO và đồng sáng lập của nền tảng huấn luyện trò chơi điện tử Metafy
Josh Fabian từng là một cậu bé da đen được một cặp vợ chồng người da trắng nhận nuôi. Bất cứ nơi nào cậu xuất hiện, Fabian đều cảm thấy bị cô lập và xấu hổ vì màu da của mình. “Tôi cảm thấy mình như vô hình ở bất cứ nơi đâu. Mong ước của tôi ngày ấy là được trở thành một người giỏi nhất trong lĩnh vực nào đó, và làm những điều có ý nghĩa…”, Fabian chia sẻ.
Thế nhưng chính nhờ việc bị mọi người cô lập ấy lại tạo động lực mạnh mẽ cho Fabian, khiến anh trở thành nhà đồng sáng lập và giám đốc điều hành của công ty Metafy – một nền tảng trò chơi điện tử 2 năm tuổi và có trụ sở tại Pittsburg.
KHOẢN TIỀN THAY ĐỔI CẢ CUỘC ĐỜI
Ở độ tuổi 16, chàng trai Fabian đã tự “thoát ly” khỏi gia đình cha mẹ nuôi. Anh bỏ học cấp 3 và làm cha lần đầu tiên vào năm 20 tuổi. Khoảng thời gian chung sống với bạn gái, anh đã từng phải sống lay lắt qua ngày nhờ tem phiếu thực phẩm và “thỉnh thoảng còn phải đi ăn cắp tã và các đồ dùng khác cho con mình”.
Fabian bắt đầu tự học lập trình để tăng thu nhập cho bản thân cũng như vun vén cho gia đình nhỏ nhờ vào các công việc thiết kế trang web. Với mỗi trang web như vậy, Fabian được trả khoảng 100 USD. Sau khi nhận ra bản thân cần nghiêm túc với sự nghiệp để làm trụ cột cho gia đình, anh đã quyết tâm trau dồi thêm kỹ năng tại một khóa học lập trình kéo dài 3 tháng tại Chicago. Đó cũng là khởi đầu cho công việc thiết kế website tại công ty khởi nghiệp thị trường xã hội Obaz vào năm 2012 của Fabian.
Ngoài việc được trả mức lương 6 con số, Fabian cho biết, anh còn có vốn sở hữu trong công ty. Sau 2 năm, khi Groupon mua lại Obaz với giá khoảng 250 nghìn USD, tài chính của Fabian đã dư giả hơn so với trước đây. “Điều đó đã thực sự thay đổi cuộc đời tôi”, anh nói.
Sau gần 3 năm làm việc tại Groupon, Fabian chuyển sang tập trung vào lĩnh vực trò chơi điện tử. Anh tận dụng 8 giờ mỗi ngày để chơi các trò chơi trực tuyến như “Clash Royale” và “Hearthstone”, đồng thời ghi tên mình lên các bảng vàng những game thủ xuất sắc.
Fabian từng phát trực tiếp quá trình chơi game của mình trên Twitch và sau đó đăng tải lên Youtube. Nhiều người biết đến anh và yêu cầu anh huấn luyện cho họ. “Tôi đã nhận công việc ấy với giá 100 USD một giờ”. Chỉ trong vòng 6 tháng, các buổi huấn luyện của Fabian đã tạo cho anh mức thu nhập “khủng” lên tới 40 nghìn USD. Tuy đây là một mức thu nhập “đáng mơ ước” nhưng vẫn chưa đủ thuyết phục Fabian từ bỏ sự nghiệp lập trình có nhiều cơ hội. Chỉ khi anh bắt đầu có ý tưởng khởi nghiệp, anh mới thực sự can đảm để làm điều đó.
CON ĐƯỜNG KHỞI NGHIỆP CHÔNG GAI
Năm 2016, Fabian đã thử tung ra Kitsu, một nền tảng mạng xã hội dành cho những người yêu thích anime và truyện manga để họ kết nối với nhau và khám phá những tựa game mới. Tuy nhiên, ý tưởng này lại gặp khó khăn về mặt tài chính, và Fabia phải quay lại với ý tưởng huấn luyện trò chơi điện tử.
Vào thời điểm ấy, 4 đứa con của Fabian rất “nghiền” tựa game “Pokemon” đang thịnh hành trên toàn thế giới. Anh đã liên hệ với một vài game thủ có thứ hạng cao với mong muốn họ sẽ huấn luyện cho các con của mình. Một trong số họ đã đồng ý với mức thù lao chỉ 20 USD một giờ. Fabian lúc ấy phải thốt lên rằng: “Đến cả một người trông trẻ cũng không yêu cầu mức lương thấp như thế này!” Sau khi tìm hiểu, anh được biết người này làm việc chính tại một kho hàng với đồng lương vô cùng ít ỏi.
“Tôi chỉ cảm thấy điều đó thật khó tin”, anh nói. “Tôi nhận ra bản thân mình năm xưa. Có hàng trăm, hàng nghìn người phải chật vật kiếm sống vất vả như vậy, và hiếm có ai may mắn đi lên và đạt được thành công nhanh chóng”.
Nhờ việc tìm kiếm huấn luyện viên game cho các con, Fabian đã có ý tưởng khởi nghiệp mới
Các game thủ đã tự quảng bá bản thân trên các nền tảng như GamerSensei và Fiverr, nhưng Fabian cho biết không ai trong số họ được phục vụ các chuyên gia cấp cao hoặc được phép giữ 100% phí đặt chỗ. Vì thế anh và Tom McNiven, một kỹ sư phần mềm đã xây dựng lại Kitsu, bắt đầu tìm hiểu chi tiết về một nền tảng mới và lập trình mỗi lúc rảnh rỗi.
Trong lúc đại dịch diễn ra, hai người đã đưa ý tưởng tới Product Club – một công ty khởi nghiệp thần tốc do cựu chủ tịch Tinder Jeff Morris Jr điều hành. Đây cũng là công ty chuyên hỗ trợ 100 nghìn USD cho các startup triển vọng, và Metafy là một trong số đó. Tuy số tiền rất có giá trị nhưng Fabian nói rằng, giá trị thực sự nằm ở sự kết nối với mạng lưới các nhà đầu tư mạo hiểm.
Quả thực điều này vô cùng quan trọng với anh, do chỉ dưới 1% vốn đầu tư mạo hiểm được trao đến tay những nhà sáng lập da đen trong mỗi năm. Thậm chí ngay cả những ý tưởng sáng tạo nhất cũng bị từ chối. “Các nhà đầu tư hay nói rằng họ tôn trọng sự đa dạng, nhưng tôi chẳng dám tin vào điều đó. Thực sự nó khá là tệ”, anh chia sẻ.
NHỮNG MỤC TIÊU LỚN PHÍA TRƯỚC
Ngày nay, Metafy đã được tài trợ bằng những nguồn doanh thu đáng tin cậy: Công ty kiếm tiền từ 5% khoản phí thu từ mỗi học viên. Fabian cho biết, anh muốn nền tảng của mình sẽ chủ trì những nội dung như “Lớp học cao thủ” dành cho những game thủ và những sự kiện để huấn luyện viên và học viên có thể gặp gỡ trao đổi hay thậm chí cùng tranh tài ngoài đời thực. Anh mạnh dạn tuyên bố, Metafy có thể trở thành một công ty khởi nghiệp trị giá tỷ đô chỉ trong vòng vài năm tới và vĩnh viễn thay đổi bối cảnh của nền thể thao điện tử, giống như Twitch trước kia đã làm rộ lên phong trào phát trực tiếp các phiên chơi game.
Các nhà đầu tư của Metafy tin vào sự thành công trong tương lai của công ty, thế nhưng họ cũng có một vài thành kiến. Đối tác quản lý của Forerunner Ventures, Brian O’Malley, người mà Fabian coi là “cố vấn tuyệt vời nhất” cho biết, anh đã đầu tư vì Fabian “hiểu tâm lý của những game thủ, không chỉ về những mong muốn của họ mà còn về những điều họ yêu thích”. O’Malley còn tán dương Fabian rằng, anh sở hữu đặc điểm “ngàn năm có một” của một nhà sáng lập triển vọng.
Có lẽ đó là lý do vì sao Fabian lại tự hào so sánh tầm nhìn của bản thân với những ông lớn công nghệ như Youtube và Uber, dù Metafy vẫn còn quá non trẻ, và thậm chí còn chưa đạt được lợi nhuận. “Tôi đã tìm đến những nhà điều hành lớn ấy và còn coi họ là đối thủ của mình. Thật điên rồ phải không? Nhưng tôi đã thực sự nghĩ như vậy đó”, Fabian khẳng định.
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!