Bộ óc siêu việt của FED

Khi người đứng đầu hiện thời của Ngân hàng trung ương Mỹ ra tín hiệu muốn nghỉ ngơi sau 8 năm mệt mỏi bởi hai chữ “khủng hoảng” thì mọi chú ý đổ dồn vào cấp phó của ông từ năm 2010 đến nay – bà Janet Yellen. Trên chính trường Mỹ, việc chọn người cho một trong những công việc quyền lực nhất thế giới này luôn là một sự kiện cực kỳ căng thẳng, hao tốn nhiều giấy mực của báo chí.
 
Một nhà kinh tế có sức hút
 
Theo đánh giá của tờ Washington Post, vũ khí mạnh nhất của người phụ nữ 66 tuổi này chính là tài nghệ “truyền thông”. Năm 1996 “ông già gân” Alan Greenspan nhìn thấy cơ hội để lần đầu tiên trong nhiều thập niên đẩy lạm phát năm xuống zero nhằm đạt được sự ổn định giá cả mà ông cho đó là nhiệm vụ trọng tâm của ngân hàng trung ương thời điểm đó. 
 
Tuy nhiên, bà Yellen lúc đó còn là gương mặt chưa có tiếng tăm tên tuổi là mấy, đã mạnh dạn bày tỏ chính kiến: “Tôi tin rằng sẽ là một ý kiến hay khi hướng đến lạm phát ở mức 2%. Chúng ta nên làm điều đó một cách chậm rãi và quan sát những diễn biến xung quanh”.
 
Những tranh cãi liên quan về vấn đề này vẫn tiếp tục trong nhiều năm và cuối cùng FED chấp nhận con số đó.
 
Đây chỉ là một trong nhiều câu chuyện về một người bộc trực, can đảm, có cách làm việc mềm dẻo và cách thương thuyết rất hiệu quả. Chính ông Greenspan nhận xét: “Tôi lắng nghe bà ấy cẩn thận hơn bởi bà bày tỏ lập trường theo phép phân tích mà bạn có thể nghe và hiểu”.
 
Trong mắt cựu Phó chủ tịch FED Alan Blinder, “Yellen tranh luận chứ không tranh cãi nên không làm cho phe bên kia nổi cáu mà ngược lại chuyển qua ủng hộ bà. Đó là một khả năng mà không phải ai cũng có”.
 
Lợi thế của bà Yellen trong những tranh luận lúc nào cũng nảy lửa tại FED được xem là “trái ngọt” của “chiến lược” tiếp cận con người ngay từ khi bà được bổ nhiệm vào Hội đồng thống đốc FED dưới thời Tổng thống Bill Clinton năm 1994. Bà thường xuyên ăn trưa ở căng tin dành cho nhân viên, phá vỡ “thành trì” tôn ti trật tự tồn tại quá lâu tạo hố sâu khoảng cách về giao tiếp giữa các thống đốc và một đội ngũ hùng hậu các nhà kinh tế. 
 
Theo nhà kinh tế Kevin Hassett, các thống đốc khác thì cố gắng thay đổi các phép tắc nhưng bà Yellen lại tìm được cách đi riêng, không đụng chạm gì đến chúng. “Điều này cho thấy một sự uyển chuyển, một sự khôn ngoan rất khó tìm ở Washington”, Hassett cho biết.
 
Người thầy quá cố của bà Yellen – James Tobin nhận xét: “Yellen là một thiên tài có thể diễn giải những lý lẽ phức tạp một cách đơn giản và rõ ràng”. Giáo sư Tobin, chủ nhân giải Nobel năm 1981, là người đã tiếp lửa cho đam mê ngành kinh tế của bà Yellen bởi đây là cách tư duy logic để phục vụ cho mục đích giúp đỡ con người. 
 
Với mục đích sống được xác định ngay từ sớm này mà Yellen thường được “dán nhãn” là “bồ câu” trong các chính sách tiền tệ vì muốn tập trung mọi nguồn lực kích thích nền kinh tế nhằm tạo ra nhiều công ăn việc làm. “Với tôi, tỷ lệ thất nghiệp không đơn thuần là con số thống kê. Chúng ta đều biết rằng thất nghiệp lâu dài sẽ phá hủy cuộc sống của người lao động và gia đình họ”, bà Yellen cho biết.
 
Ngoài chuyện năm 1996, câu chuyện “con gorilla” năm 2007 cũng được xem là một minh chứng về khả năng dự báo của bà Yellen. Tại cuộc họp giữa năm đó, bà, có thể nói là người duy nhất dám vẽ ra bức tranh u ám sắp sửa xảy ra của thị trường nhà đất Mỹ. “Tôi vẫn cảm thấy có sự hiện diện của một con gorilla nặng 600 pound (khoảng 270 kg) trong căn phòng, đó là lĩnh vực bất động sản” và bà đã đúng khi bong bóng đầu tư bất động sản bùng nổ, châm ngòi cho thời kỳ Đại suy thoái và khủng hoảng tài chính ở Mỹ kéo dài đến tận năm 2010.
 
Gia đình nhà kinh tế
 
Nhiều nhà kinh tế cho rằng chọn bà Yellen vào vị trí Chủ tịch FED sẽ không làm thị trường tài chính rung chuyển, vì lâu nay sức ảnh hưởng của bà vốn đã mạnh mẽ rồi. Bệ phóng cho tài năng, cho niềm đam mê kinh tế của bà có thể nói được gia cố hơn nữa khi bà kết đôi với người chồng cũng rất nổi tiếng –  George A. Akerlof, người mà bà gặp ngay tại căng tin của FED. Họ chia sẻ nhiều quan điểm chung về kinh tế, cùng ký tên dưới nhiều bài nghiên cứu và bổ sung mạnh – yếu cho nhau.
 
Bạn bè chung của hai người thường so sánh: Akerlof là một người tư duy mạnh về sáng tạo, còn Yellen lại khắt khe quy củ hơn. “Thỉnh thoảng George lan man rời xa thực tế thì lúc đó Janet kéo ông ấy quay lại” – nhận xét của một đồng nghiệp của ông Akerlof.
 
Bận rộn việc công nhưng bà vẫn sắp xếp những chuyến đi biển cùng người chồng – chủ nhân giải Nobel năm 2001 và một nhà kinh tế khác: Robert Akerlof – con trai họ. Khác hẳn với những gia đình khác, “gia đình toàn là nhà kinh tế” này không mang quần áo đi bơi mà đóng cả một va li sách chuyên ngành. Bởi “họ không bao giờ xuống nước. Họ ngồi dựa lưng vào ghế, nhìn ra biển, đọc sách và viết. Họ rất hạnh phúc với điều đó” – lời kể lại của bà Christina Romer, cựu Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của TT Barack Obama.
 
Bước ngoặt lịch sử
 
Trong cuộc đua tới chiếc ghế nóng này, bà Yellen được cho là dẫn trước đối thủ số 1 – ông Larry Summers, từng giữ chức Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ năm 2009 – 2010 và Bộ trưởng Tài chính Mỹ năm 1999 – 2001.
 
Tự nhận mình là người lép vế hơn nhưng bà đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các đồng nghiệp và cả những người cùng phe liễu yếu đào tơ. Một khảo sát của CNBC với 40 nhà kinh tế, doanh nhân và chiến lược gia cho thấy 70% đứng về phía bà Yellen.
 
Vừa rồi, hơn 400 người, trong đó có chủ nhân giải Nobel 2001 Joseph E. Stiglitz, cùng ký vào một lá thư kêu gọi TT Obama chọn bà Yellen vào chức vụ này. Họ là những nhà kinh tế đến từ 40 bang, 172 trường đại học và 17 công ty lớn cũng như các trung tâm và viện nghiên cứu.
 
Còn các hội phụ nữ thì khỏi phải bàn. Họ lên tiếng mạnh mẽ, sẵn sàng đứng sau lưng hỗ trợ bà Yellen. Hội phụ nữ quốc gia Mỹ còn dự định tung ra chiến dịch kêu gọi sự “tiếp tay” của hơn 500.000 Hội viên cả nước thông qua email và gọi điện. “Hội những người yêu Yellen” và cả những người chưa lên tiếng đều mong muốn bà Yellen sẽ vượt qua 100 năm lịch sử để trở thành nữ Chủ tịch FED đầu tiên.
 
Cũng thêm một cái mốc 100 nữa là trở thành Phó chủ tịch FED đầu tiên được đưa lên nắm vị trí chủ chốt. Đây còn là cột mốc với Tổng thống Obama bởi ông đang có cơ hội được chỉ định một thành viên đầu tiên của Đảng Dân chủ để lãnh đạo FED kể từ năm 1979. Tại sao không? Bởi chính dưới thời ông Obama đã có một nữ Phó chủ tịch FED đầu tiên.
 
Theo Nguyệt Hàn
 
Thanh niên/Washington Post, Business Week, CNBC
Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928