Có lẽ ông chủ của Xiaomi chưa bao giờ hạnh phúc hơn lúc này khi thứ hai tuần qua, hãng sản xuất điện thoại Trung Quốc đã huy động được hơn 1 tỉ USD từ các nhà đầu tư và được định giá 46 tỉ USD. Mức định giá này chỉ thua mỗi Facebook hồi năm 2011. Khi đó, Facebook cho biết đã huy động được 1,5 tỉ USD từ các nhà đầu tư tư nhân, định giá mạng xã hội này ở mức 50 tỉ USD.
Đáng nói là không chỉ có Xiaomi, mà trong năm vừa qua, khoảng 40 công ty công nghệ mới thành lập trên toàn thế giới đã được các nhà đầu tư mạo hiểm, quỹ tương hỗ và các ngân hàng lớn ưu ái định giá ở mức 1 tỉ USD hoặc hơn.
Danh sách hiện tại gồm 70 công ty công nghệ mới thành lập trị giá tỉ đô trên toàn cầu (đã điều chỉnh theo lạm phát) gần gấp đôi con số trong suốt thời kỳ bùng nổ dotcom 1999-2000. Trong trường hợp này, “công ty mới thành lập”được định nghĩa là một công ty tư nhân, có tuổi đời còn trẻ, được các nhà đầu tư mạo hiểm rót vốn vào, với mức định giá được xác định trên cơ sở mức giá mà nhà đầu tư sẵn sàng trả để có được cổ phần trong công ty này trước đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).
Đáng ngạc nhiên hơn là mức định giá đang tăng với tốc độ chóng mặt. Chẳng hạn, hồi tháng 11.2014, các nhà đầu tư đã trả 1,2 tỉ USD để mua cổ phần trong Uber Technologies Inc, định giá dịch vụ gọi taxi chỉ mới 5 tuổi này ở mức 41,2 tỉ USD, gấp gần 12 lần mức giá mà các nhà đầu tư mạo hiểm đưa ra hồi năm 2013. Giá trị của Pure Storage Inc, một công ty kinh doanh thiết bị lưu trữ dữ liệu, đã tăng gấp 3 lần lên tới 3 tỉ USD vào tháng 4.2014 chỉ sau chưa đầy 1 năm. Slack Technologies Inc. được định giá ở mức 1,1 tỉ USD vào tháng 10, chỉ 1 năm sau khi tung ra ứng dụng hợp tác làm việc được nhiều người ưa chuộng.
Những công ty công nghệ mới thành lập được định giá từ 5 tỉ USD trở lên.
Vì sao làn sóng đầu tư vào các công ty mới thành lập trong năm qua lại mạnh mẽ như thế? Một số ý kiến cho rằng nguyên do là ngành công nghệ đang qua mặt gần như tất cả các ngành lớn khác, từ vận tải đô thị và ngành dịch vụ khách sạn cho đến giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Và theo các nhà đầu tư, đó là các doanh nghiệp thực sự đang trên đà xây dựng và phát triển, hoàn toàn khác với những công ty mới thành lập không có giá trị nội tại như giai đoạn lên cơn sốt dotcom vào cuối thập niên 1990. Thời kỳ đó, sự phấn khích của nhà đầu tư đối với ngành internet đã dẫn đến bong bóng công nghệ xì hơi vào đầu năm 2000.
Nhiều công ty trong “câu lạc bộ” trị giá tỉ đô như Uber, Xiaomi và trang web cho thuê nhà Airbnb Inc., công ty lưu trữ web Dropbox Inc. và công ty khai thác dữ liệu Palantir Inc. được cho là đang tạo ra hàng chục, nếu không nói là hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Airbnb được định giá 10 tỉ USD vào tháng 4 vừa qua, gấp 40 lần mức doanh thu xấp xỉ 250 triệu USD năm 2013 của Hãng. Mức doanh thu này đã tăng gấp đôi so với năm trước đó, theo nguồn tin thân cận. Dropbox, cũng được định giá 10 tỉ USD, có doanh số bán hơn 200 triệu USD trong năm 2013, tăng so với mức 116 triệu USD của năm trước đó.
Các công ty khác như dịch vụ nhắn tin Snapchat Inc. và trang web chia sẻ ảnh theo dạng mạng xã hội hầu như chưa kiếm ra tiền. Nhưng các nhà đầu tư đang đặt cược rằng các công ty này rồi sẽ thu về mức lợi nhuận lớn giống như Facebook.
Airbnb được định giá 10 tỉ USD vào tháng 4 vừa qua, gấp 40 lần mức doanh thu xấp xỉ 250 triệu USD năm 2013 của Hãng.
Tỉ phú Peter Thiel, nhà đầu tư mạo hiểm đã rót vốn vào Facebook thuở ban đầu, cho biết nhìn chung, các công ty mới thành lập không bị định giá quá cao. Mức định giá xấp xỉ 160 tỉ USD cho các công ty công nghệ mới thành lập tại Mỹ vẫn còn bằng chưa tới phân nửa mức vốn hóa thị trường 365 tỉ USD của Google, ông nói.
Nhưng những người khác thì ít lạc quan hơn. “Không nghi ngờ gì nữa, trong một số lĩnh vực đang hình thành bong bóng giá và bong bóng giá này đang trong giai đoạn cuối”, Peter Fenton, một đối tác tại Benchmark, nhà đầu tư ban đầu vào Uber, Dropbox và Snapchat, nhận xét.
Lãi suất thấp và triển vọng thu về mức lợi nhuận béo bở – được khơi nguồn từ các câu chuyện thành công của Facebook, Google và Apple – đang thôi thúc các tổ chức như quỹ hiến tặng, quỹ lương hưu, các tổ chức từ thiện rót tiền vào những công ty mạo hiểm như Benchmark.
Bằng chứng là trong năm 2014, các công ty đầu tư mạo hiểm đã huy động được hơn 32 tỉ USD, tăng 60% so với năm 2013, mặc dù vẫn còn thấp hơn nhiều so với con số 121 tỉ USD (đã điều chỉnh lạm phát) được huy động năm 2000, theo VentureSource.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm con số hơn 32 tỉ USD này chưa tính đến tiền vốn rót từ các quỹ tương hỗ như BlackRock, T. Rowe Price và Wellington Management, hay từ các quỹ đầu tư và các ngân hàng lớn. Tất cả các tổ chức này đều có phần trong việc làm đẩy cao mức định giá các công ty công nghệ mới thành lập.
Andrea Auerbach, Giám đốc Điều hành tại Cambridge Associates, công ty tư vấn đầu tư cho các nhà đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư lớn khác, cho biết các nhà đầu tư mạo hiểm gần đây rất quan tâm đến việc rót vốn vào các công ty công nghệ trước thềm IPO. Cơn sốt hiện nay khiến người ta liên tưởng đến cơn sốt dotcom ngày trước. Theo bà Auerbach, đó là một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang rót tiền vào các công ty mới thành lập theo phong trào, thay vì các chỉ số cơ bản của các công ty này.
Tổng Giám đốc Mark Zuckerberg của Facebook có lẽ cũng phải chịu phần nào trách nhiệm trong việc đẩy cao cơn sốt đầu tư vào các công ty công nghệ mới thành lập khi hồi tháng 2, ông đồng ý trả 19 tỉ USD bằng tiền mặt và cổ phiếu để mua lại WhatsApp. Ứng dụng nhắn tin này đã có hơn 500 triệu người sử dụng nhưng lại lỗ tới 230 triệu USD trên mức doanh thu chỉ 15 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2014.
Nhận xét về làn sóng đầu tư vào các công ty công nghệ, ông Aswath Damodaran, Giáo sư Tài chính của Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, cho rằng thị trường đang là nạn nhân của hiệu ứng “nấc thang định giá”. Ông cho biết các nhà đầu tư và các nhà sáng lập nghĩ rằng nếu công ty “A” có giá trị bằng “X” tỉ USD thì công ty của họ, với mức doanh thu tương đương hoặc có cơ hội thị trường tương đương, phải có giá trị gần hoặc trên “X” tỉ USD. “Rất dễ rơi vào cái bẫy “leo cao trên nấc thang giá cả” này vì bạn có thể tự thuyết phục mình rằng bất cứ giá nào bạn đang trả (để mua cổ phần trong một công ty mới thành lập) đều là giá hợp lý cả”, ông nói.
Minh họa rõ nhất cho cái gọi là hiệu ứng “nấc thang định giá” này là thương vụ WhatsApp. Trong khoảng thời gian khi WhatsApp được công bố và khi thương vụ này hoàn tất, các nhà đầu tư tại Snapchat đã tăng mức định giá WhatsApp lên tới 10 tỉ USD từ mức chỉ 1,5 tỉ USD. Yik Yak, một ứng dụng nhắn tin ra đời được 1 năm, có mức doanh thu thấp hơn, cũng chứng kiến giá trị Công ty tăng từ mức chỉ 10 triệu USD lên tới khoảng 400 triệu USD.
Trên thực tế, đã xuất hiện một số dấu hiệu đáng ngại. Fab Inc., một công ty thương mại điện tử đã huy động lên tới hơn 300 triệu USD và được định giá tới 1,2 tỉ USD vào năm 2013, đã cắt giảm hàng trăm lao động sau thời kỳ bành trướng ra nước ngoài quá nhanh, khiến chi phí vượt khỏi tầm kiểm soát. Theo các nguồn tin thân cận, Fab gần đây đã đàm phán với nhà sản xuất hàng điện tử theo hợp đồng PCH International để bán phần lớn bộ phận kinh doanh của mình với giá rất rẻ.
Có ít nhất 30 công ty đã lên sàn tại Mỹ, với mức giá thấp hơn cả mức giá mà họ chào bán riêng lẻ hoặc trong các đợt thưởng quyền chọn trong 90 ngày trước đó, theo Valuation Advisors, chuyên thực hiện định giá cho các công ty tư nhân. Một số chuyên gia khuyến cáo, gió cuối cùng sẽ đổi chiều tại Thung lũng Silicon và đồng tiền dễ dãi rồi sẽ chấm dứt, có thể sẽ dẫn đến một cuộc sụp đổ giống như vụ bong bóng dotcom xì hơi vào năm 2000. Và kết cục đó là các công ty làm ăn thất bát, nhà đầu tư thua lỗ nặng, giá cổ phiếu lao dốc không phanh.“Liệu chúng ta có đang tạo ra một thế hệ các doanh nghiệp bị “đầu độc” bởi dòng vốn quá dễ dãi?”, ông Fention của Benchmark đã tỏ ra lo ngại khi chứng kiến tốc độ chi tiêu của các công ty trong năm vừa qua.
Theo Văn Quốc
Nhịp Cầu Đầu Tư