Trong cuộc đời bạn có thể sẽ mắc những sai lầm gây nên hậu quả đáng tiếc, một trong số đó là cách quản lý tài chính. Để giúp bạn kiểm soát tiền của mình tốt hơn, dưới đây là những chia sẻ của các tỷ phú về 4 sai lầm lớn nhất trong quản lý tiền bạc để tránh cho bạn mắc phải những sai lầm này.
Mark Cuban: Lạm dụng thẻ tín dụng
Ngôi sao của “Shark Tank” và chủ sở hữu của tập đoàn Dallas Mavericks có một số lời khuyên về tài chính dành cho những người trẻ tuổi: Không quá lạm dụng vào thẻ tín dụng.
Mark Cuban từng chia sẻ với Business Insider vào năm 2014 rằng: “Thẻ tín dụng là khoản đầu tư tồi tệ nhất mà bạn có thể mất nhiều hơn được. Khi ở lứa tuổi 20 tôi đã lạm dụng quá nhiều vào chúng, và bị mất vô khối tiền lãi vì bị quyến rũ bởi các chính sách ưu đãi ‘tiêu trước trả sau’ của các hệ thống ngân hàng. Nếu tôi tiết kiệm được đống tiền phải trả lãi đó và đầu tư tiền đó vào thị trường chứng khoán tôi nghĩ tôi đã giàu to từ thời điểm đó rồi”.
Suze Orman: Không biết cách giữ tiền
Sai lầm lớn nhất theo chuyên gia tài chính Suze Orman đó chính là: Tiêu cho đến hết sạch những đồng tiền trong tài khoản, hoặc chỉ còn giữ lại trong tài khoản những món nợ thẻ tín dụng khổng lồ. “ Đa số giới trẻ làm ra nhiều nhưng tiêu còn nhiều hơn số làm ra” , trong hội nghị eMerge Americas, Suze đã chia sẻ với những khán giả trẻ “Có lẽ ít ai trong số các bạn hiểu được lý do tại sao bạn phải biết kiềm chế khi tiêu tiền của mình. Bạn có nợ thẻ tín dụng không? Bạn có biết làm thế nào để thoát khỏi vòng xiết của các khoản nợ thẻ tín dụng? Bạn có biết làm sao để tích lũy tài khoản hưu trí? Bạn có biết làm thế nào để mua một căn nhà? Và cá biệt trong các trường hợp khẩn cấp cần dùng đến tiền, thậm chí rất nhiều tiền, vậy tiền ở đâu ra? Cuối cùng, nếu bạn muốn có sức mạnh trong cuộc sống, bạn phải mạnh mẽ hơn tiền của chính bạn, phải biết kiềm chế sức hút của việc tiêu tiền vô tội vạ!”
David Bach: Không mua nhà
Không ưu tiên sở hữu nhà là “sai sót lớn nhất mà giới trẻ hiện nay đang làm”, triệu phú, chuyên gia tài chính David Bach chia sẻ với CNBC như vậy.
Theo ông, những người trẻ tuổi thường tập trung vào các ưu tiên khác, như xe hơi, đồ công nghệ cao, giày dép, quần áo hàng hiệu…và đó là một sai lầm tốn kém. David Bach cảnh báo: “Nếu giới trẻ không cố gắng cho mục tiêu mua nhà, cơ hội của họ để được sở hữu một căn nhà sẽ ngày một ít đi khi giá nhà đất ngày một tăng cao”.
Grant Sabatier: Đưa ra mục tiêu về kiếm tiền trên mục đích sống
“Tiền không phải là tất cả, và nó không đáng để hy sinh sức khoẻ, gia đình, bạn bè hay những trải nghiệm khác”, Sabatier, người từng trở thành triệu phú chỉ trong vòng 5 năm chia sẻ.
“Tôi đã mất một vài người bạn và căng thẳng với các mối quan hệ khác vì tôi đã dành quá nhiều thời gian để ở lại trễ trong văn phòng hoặc hối hả với các thương vụ vào những ngày cuối tuần. Mặc dù tôi thực sự tin rằng có tiền là có tự do, tuy nhiên tiền thực sự chỉ là một công cụ để làm cuộc sống của chúng ta tốt hơn thôi chứ không phải là tất cả. Thay vì chỉ tập trung vào làm thế nào để kiếm được nhiều tiền hơn, hãy đặt ra các mục tiêu sống. Hãy tự hỏi mình những câu hỏi như: Bạn muốn làm gì với tiền của mình? Bạn muốn làm việc bao nhiêu giờ một tuần? Bạn muốn đi du lịch cùng với ai, ở những đâu?”
Và cuối cùng theo Sabatier: “Kiếm tiền và tiết kiệm được nhiều tiền chỉ hữu ích nếu bạn có một mục tiêu hoàn chỉnh mà bạn muốn sử dụng tiền cho mục tiêu đó”.
Minh Châu (Dân Việt)
Contact us and we would love to to answer any questions you may have.
Message Submitted!