Công ty hơn 1.400 năm tuổi Kongo Gumi cho đến nay vẫn là một huyền thoại của Nhật Bản và ghi dấu trong hầu hết các trang sử quan trọng của đất nước Samurai…
Ông Shigeo Kiuchi, người đứng đầu Kiuchi Gumi, một trong 8 nhóm thợ mộc làm việc cho Kongo Gumi. Ảnh: Nikkie.
Kongo Gumi được công nhận là công ty lâu đời nhất tại Nhật Bản bởi Giáo sư Toshio Goto ở Đại học Kinh tế Nhật Bản, người chuyên nghiên cứu các công ty cổ vẫn đang hoạt động tại xứ sở hoa Anh đào. Hai hãng nghiên cứu thị trường Teikoku Databank và Tokyo Shoko Research cũng thừa nhận Kongo Gumi là công ty Nhật Bản có lịch sử lâu đời nhất thông qua việc nghiên cứu các tư liệu cổ.
Cụ thể, Nhà Kongo thực chất có nguồn gốc là dân nhập cư từ Hàn Quốc. Năm 578 SCN, Thái tử Nhật Bản Shotoku đã gửi lời mời gia đình thợ mộc lành nghề Shigemitsu Kongo từ Vương quốc Baekje Silla (nay thuộc bán đảo Triều Tiên) đến xây dựng ngôi chùa Shitennoji, nay thuộc Osaka. Đó là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên tại Nhật Bản, giữ vai trò quan trọng trong quá trình truyền bá Phật giáo vào đất nước Samurai. Thái tử nhiếp chính Shotoku được biết đến là một Phật đồ trung thành, ông muốn kiến tạo hệ thống chùa chiền rộng khắp nước Nhật nhưng không may thay, người Nhật khi đó chưa có kinh nghiệm trong xây dựng chùa chiền.
Dưới sự tin tưởng của Thái tử, gia đình Shigemitsu Kongo đã hoàn thành công trình chùa Shitennoji nổi tiếng vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Quần thể chùa hoành tráng với tòa tháp 5 tầng thờ cúng Tứ Đại Thiên Vương – người bảo hộ thế giới trong quan niệm xưa, một kim các tự để lưu giữ kinh Phật, một phòng thuyết pháp nơi các tín đồ nghe giảng đạo nhà Phật và cổng tam quan đặc trưng của các ngôi chùa thờ Phật thời bấy giờ.
Sau thành công lớn lao này, Shigemitsu Kongo lấy họ của mình lập nên công ty Kongo Gumi, nay được biết đến như công ty lâu đời nhất hành tinh.
Thế chiến kết thúc, Kongo Gumi lại trở về với lĩnh vực xây dựng, tôn tạo và tu bổ chùa chiền vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề dưới bom đạn chiến tranh. Sự linh hoạt, chuyển hướng liên tục đã đưa con thuyền Kongo Gumi đi thêm một thế kỷ nữa.(Nguồn: Internet).
Theo Hidekazu Sone, Phó Giáo sư tại Đại học Văn hóa Nghệ thuật Shizuoka, một yếu tố quan trọng giúp nhà thầu xây dựng Kongo Gumi tồn tại bất chấp dòng chảy thời gian đó là sự hiện diện liên tục của các công trình Phật giáo tại Nhật Bản. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất giúp công ty này tồn tại hàng nghìn năm. “Có những lý do liên quan đến cả kỹ năng và quản lý”, ông Sone nói.
Kongo Gumi vốn là doanh nghiệp do gia đình quản lý, gia tộc Kongo đã cải cách chế độ quản lý cha truyền con nối để có thể tồn tại trong thời kỳ Edo (1603-1868). Lúc đó môi trường kinh doanh bắt đầu có sự cạnh tranh khốc liệt, để tồn tại Kongo Gumi đã chọn những người lãnh đạo là những thợ mộc lành nghề và có năng khiếu lãnh đạo. Kể từ đó, Kongo Gumi bắt đầu lựa chọn người lãnh đạo phù hợp thay vì thành viên trong gia đình như trước kia. Các tài liệu từ thời kỳ Edo cho thấy công ty này sẽ không đưa con trai của gia đình Kongo lên lãnh đạo nếu anh ta không có những tố chất cần thiết. Những thợ mộc lành nghề được chọn làm người lãnh đạo công ty nhưng không thể hiện được năng lực cũng bị thay thế. Cách vận hành này giống với một công ty thời hiện đại và giúp Kongo Gumi trụ vững qua hàng nghìn năm.
Về mặt kỹ năng, các nhóm thợ thủ công của Kongo Gumi đều là những người có tay nghề điêu luyện. Các nhóm này được phân chia từng công đoạn cụ thể trong quá trình xây dựng công trình, không ngừng nâng cao và chia sẻ kỹ thuật cho nhau tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh. Hiện Kongo Gumi có 8 nhóm thợ độc lập, với kỹ năng kiến trúc và bí quyết xây dựng độc đáo, được phát triển từ 4 nhóm từ sau khi Thế chiến II kết thúc.
“Việc duy trì cách tiếp cận linh hoạt về cả kỹ năng và phương thức quản lý này trong một thời gian dài đã trở thành năng lực cốt lõi của Kongo Gumi”, giáo sư Sone nhận định.
Tính linh hoạt đã giúp Kongo Gumi trụ vững trước những thời kỳ khó khăn. Vào Thế chiến II, khi xây dựng chùa chiền không còn là ưu tiên của người dân, Kongu Gumi đã nhanh chóng thích ứng, tận dụng kĩ năng nghề mộc để đóng các cỗ quan tài, một sản phẩm có nhu cầu cao vào thời điểm đó.
Ngôi chùa Phật giáo Shitenno-ji ở Osaka được xây dựng vào thế kỷ thứ sáu bởi công ty Kongo Gumi. Ảnh: Nikkie.
Thay đổi lớn nhất mà Kongo Gumi đã trải qua là việc bị Takamatsu, một công ty xây dựng khác có trụ sở tại Osaka, mua lại vào năm 2006. Ông Kenichi Tone, Chủ tịch mới của Kongo Gumi đến từ Takamatsu, cho biết chìa khóa để tổ chức lại Kongo Gumi là khiến “doanh nghiệp cổ trở thành một công ty bình thường”. Kongo Gumi bắt đầu công khai số liệu tài chính về hiệu quả hoạt động của công ty. Kongo Gumi cũng thực hiện phát triển sổ tay hướng dẫn và xây dựng quy trình quản lý kinh doanh.
Dù có thay đổi lớn về chế độ quản lý tài chính và hoạt động, Takamatsu cho biết không có ý định can thiệp vào hoạt động của những thợ mộc với tay nghề thủ công cao của Kongo Gumi. Việc xây dựng chùa chiền được thực hiện hầu hết bằng thủ công và theo cách thức hoàn toàn khác với cách thức xây dựng thông thường. Do đó, Kongo Gumi vẫn duy trì được trình độ kỹ năng và mối quan hệ của mình với các khách hàng dưới sự quản lý của Takamatsu. Công ty cũng đã giữ được cái tên lâu đời của gia tộc Kongo.
Kongo Gumi đạt doanh thu hàng năm khoảng 4 tỷ yên (38 triệu USD). Dòng doanh thu của công ty có xu hướng thay đổi theo từng năm, tuy nhiên, công ty đã có lãi trở lại và đang có nền tài chính ổn định. Công ty hiện sử dụng khoảng 110 nhân viên, tăng từ khoảng 80 người khi được Takamatsu mua lại.
Lực lượng lao động của Kongo Gumi hiện tại chỉ có một thành viên của gia tộc Kongo. Người đó là con gái thuộc thế hệ thứ 41 của gia tộc Kongo. Dù thuộc quyền quản lý của Takamatsu, gia tộc Kongo vẫn được coi là biểu tượng của Kongo Gumi, họ có tầm quan trọng kết nối công ty với các đền chùa. Lễ động thổ của bất kỳ công trình tôn giáo nào do công ty xây dựng cũng đều do người của gia tộc Kongo đứng đầu. Đồng thời gia tộc Kongo cũng kết nối công ty với các thợ mộc, những người chịu ơn đào tạo từ gia tộc này.
Năm nay, Kongo Gumi đã phải đối mặt với thách thức mới do đại dịch Covid-19, với một số dự án đền thờ bị hoãn lại. Số lượng người đến thăm các ngôi chùa hoặc tổ chức các nghi lễ Phật giáo cho người chết cũng đang giảm ở Nhật Bản và ngày càng có xu hướng đơn giản hóa tang lễ, điều này dẫn đến việc các ngôi chùa thu được ít doanh thu hơn. Dù vậy Kongo Gumi hiện vẫn trụ vững và được xem là nhà thầu biểu tượng cho nền kiến trúc cổ Nhật Bản.
TH
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!