Bắt đầu tư một lò nướng pizza ở sân sau nhà, cặp vợ chồng người Nhật là Yosuke và Sunny đã quyết định tới Việt Nam khởi nghiệp với thương hiệu Pizza 4P’s.
Nếu có dịp ghé cửa hàng Pizza 4P’s gần chợ Bến Thành, bạn sẽ bị ấn tượng bởi thiết kế đơn giản và thoáng đãng của cửa hàng này – một điều hiếm nhưng rất mới mẻ tại TP Hồ Chí Minh.
Được thiết kế bởi Shunri Nishizawa – một người học trò cũ đồng thời là đồng hương của kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật là Tadao Ando – nhà hàng mới của Pizza 4P’s đại diện cho nét đẹp đơn giản giữa một thành phố đầy náo nhiệt như Sài Gòn.
Trong năm 2011, hai nhà đồng sáng lập Yosuke và Sunny Masuko đã bỏ việc ở một quỹ đầu tư lớn để tìm kiếm một công việc thật sự cho cuộc sống của họ. 5 năm sau, Pizza 4P’s đang nhắm tới mục tiêu đạt doanh thu hàng năm 100 triệu USD và sẽ sớm IPO vào năm 2020.
Tất cả bắt đầu từ một lò nướng pizza ở sân sau nhà Yosuke và Sunny.
Dưới đây là bài phỏng vấn của tờ Vietcetera với 2 nhà đồng sáng lập để hiểu hơn về cách họ tạo ra dự án đầy sáng tạo này – đi ngược với tâm lý công việc làm thuê trọn đời đã ăn sâu vào máu nhiều người Nhật Bản.
PV: Làm thế nào 2 bạn có thể cân bằng được giữa tình yêu nghệ thuật với kinh doanh?
Yosuke: Tôi theo học chuyên ngành xã hội học và làm phim tại Anh và Úc. Sunny học về các chính sách của Trung Quốc và truyền thông tại Nhật Bản. Quyết định của tôi khi chọn học lĩnh vực nghệ thuật chịu ảnh hưởng nhiều từ cha tôi – ông là giám đốc của một kênh radio. Tôi trở nên thích thú với nghệ thuật hơn là kinh doanh. Nhưng tại Nhật Bản, văn hóa làm việc hướng tôi tới sự nghiệp trong lĩnh vực tài chính. Nhờ vậy mà tôi có được những kinh nghiệm vô giá giúp tạo dựng nên Pizza 4P’s.
Sunny: Cả hai chúng tôi đều là dân nghệ thuật nhưng lại làm kinh doanh. Dù rất muốn cân bằng được cả hai nhưng chúng tôi tập trung nhiều hơn vào nghệ thuật.
Chuyển từ Nhật Bản sang Việt Nam, văn hóa làm việc rất khác nhau, dẫn tới sự khác nhau về sự nhạy cảm trong kinh doanh và nghệ thuật. Tại Nhật Bản, chúng tôi được đào tạo theo một hệ thống rất kỷ luật và điều đó làm giới hạn khả năng sáng tạo.
Nhưng tại Việt Nam, kinh doanh luôn yêu cầu bạn phải sáng tạo. Nhìn chung nếu là một người có 100% đầu óc kinh doanh, đáng ra chúng tôi đã tạo nên một công ty Internet. Tuy nhiên Pizza 4P’s ra đời là bởi chúng tôi muốn thoả mãn khuynh hướng yêu thích nghệ thuật của mình.
PV: Quyết định chuyển từ công việc tại một quỹ đầu tư và truyền thông sang làm pizza đến với hai bạn như thế nào?
Yosuke: Rất lâu trước khi Pizza 4P’s ra đời, chúng tôi đã cùng bàn bạc về một dự án sáng tạo. Chúng tôi đều muốn đây trở thành thứ mà cả hai cùng có thể chia sẻ đam mê với nhau. Và để làm được điều đó, chúng tôi cần phải biến thành công việc chính trong cuộc sống của mình.
Chúng tôi đã quyết định nghỉ việc tại quỹ đầu tư CyberAgent và lên kế hoạch xây dựng một doanh nghiệp bền vững với tầm nhìn trong lĩnh vực bán lẻ, sản xuất và nhà hàng.
Cảm hứng khởi nghiệp với pizza bắt đầu từ khu vườn của gia đình. Các dịp cuối tuần cả tôi và Sunny đều rất thích mời bạn bè tới nhà và họ đều biết về lò nướng pizza của chúng tôi.
Hai vợ chồng biết cách nướng pizza. Tôi cho rằng với cả người già lẫn trẻ, pizza là đồ ăn dễ làm mà không cần đến những khâu chuẩn bị phức tạp. Chúng tôi đi khắp thế giới ăn pizza và cố gắng tìm ra những thành phần khác biệt.
Những chuyến đi như vậy giúp chúng tôi học hỏi được rất nhiều.
PV: Logo của Pizza 4P’s ra đời từ đâu?
Yosuke: Logo Pizza 4P’s dựa theo phù hiệu gia đình Shinsaku Takasugi là “Maru ni Takedabishi” – xuất phát từ phía gia đình Sunny. Chúng tôi có thay đổi một chút để thêm phần hiện đại cho logo.
PV: Là người nước ngoài, khó khăn lớn nhất khi quản lý một doanh nghiệp tại Việt Nam của bạn là gì?
Yosuke: Hiện nay, chúng tôi tập trung vào xây dựng đội ngũ, truyền thông và sự hài lòng của nhân viên. Chúng tôi muốn mỗi nhân viên luôn cảm thấy mình là một phần của tập thể và tự hào về Pizza 4P’s. Chúng tôi muốn khách hàng của mình cũng tự hào về điều đó.
Nền tảng xây dựng đội ngũ nhân viên của công ty dựa trên việc sử dụng cuốn sách: 7 thói quen của những người siêu thành công.
PV: Tại sao bạn lại chọn chợ Bến Thành là địa điểm đặt cửa hàng tiếp theo của Pizza 4P’s?
Yosuke: Để trở thành một thương hiệu nhà hàng dẫn đầu tại Việt Nam, chúng tôi cần có một địa điểm mang tính biểu tượng để gắn thương hiệu cùng với đó. Chợ Bến Thành nằm ở trung tâm và là một địa danh lịch sử nổi tiếng.
Trước chợ Bến Thành, tôi đã xem qua 300 địa điểm khác nhau và phải mất 1 năm để chọn lựa.
PV: Bạn có thể nói chi tiết hơn về tất cả các đơn vị kinh doanh và thương hiệu dưới tên Pizza 4P’s được không?
Yosuke: Tổng cộng có 5 đơn vị.
Nhà hàng: Gồm thương hiệu quan trọng nhất là Pizza 4P’s. Ngoài ra công ty đang thí điểm chuỗi pizza giá rẻ hơn mang tên Pizza for Good.
Thương mại điện tử: Box 4P’s – chủ yếu là giao hàng.
Phân phối bán buôn: Bán pho mát cho các khách sạn, nhà hàng nước ngoài.
Sản xuất: Có trang trại pho mát tại Đà Lạt.
Khu nghỉ dưỡng: Địa điểm xây dựng đã được chọn là Cầu đất và chúng tôi đang tiến hành thiết kế.
PV: Mục tiêu của Pizza 4P’s trong 10 năm tới là gì?
Yosuke: Chúng tôi nhắm tới việc trở thành một trong những công ty thực phẩm hàng đầu châu Á.
Chúng tôi đã lên kế hoạch mở rộng ra nước ngoài, tới Bangkok đầu tiên sau đó là những quốc gia Đông Nam Á khác. Chúng tôi cũng đang tìm hiểu cơ hội kinh doanh tại thị trường Nhật Bản. Pizza 4P’s nhắm tới việc IPO trong vòng 5 năm tới. Mục tiêu của chúng tôi là tới năm 2020 đạt doanh thu 100 triệu USD.
Để đạt được điều đó, chúng tôi cần tập trung vào việc tạo ra những sáng kiến internet sâu rộng hơn. Chúng tôi cũng đang thử nghiệm phát triển phầm mềm đặt hàng và thanh toán POS. Chúng tôi cũng đang xem xét tới sản phẩm mua mang về. Chúng tôi mong muốn thương hiệu của mình xuất hiện trong nhà của mỗi người dân Việt Nam và sau này là cả châu Á.
PV: Ngoài thời gian dành cho Pizza 4P’s hai bạn sẽ làm gì?
Yosuke: Chúng tôi ghé thăm các nhà hàng, trang trại. Ngoài ra chúng tôi thường thiền.
Hiện tại, chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc cân bằng thời gian giữa công việc và cuộc sống gia đình. 2 cô con gái của tôi sinh đúng lúc Pizza 4P’s ra đời. Chúng phải theo hai vợ chồng đi khắp thế giới và sớm thưởng thức rất nhiều hương vị thực phẩm khác nhau.
PV: Bạn nghĩ sao về khẩu vị ẩm thực và đồ uống của người Việt trong thời gian tới?
Yosuke: Người Việt rất thích pho mát và phong cách pizza Ý đích thực. Rõ ràng họ đang có tư duy toàn cầu hơn và kỹ càng hơn trong việc chọn lựa đồ ăn.
Người Việt cũng ngày càng trở nên giống người Nhật trong việc tiếp cận với những phong cách nước ngoài. Người Việt giờ sành ăn hơn rất nhiều.
PV: Với thị hiếu như vậy, liệu lượng khách hàng là người bản địa của Pizza 4P’s có chiếm nhiều hơn không?
Yosuke: Hiện tại, khách hàng của Pizza 4P’s có tới 70% là người dân địa phương và 30% người nước ngoài. Khi mở cửa hàng đầu tiên tại Lê Thánh Tôn, vị trí này không thực sự đắc địa. Chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào việc khách hàng ăn ngon miệng và chia sẻ với những người khác.
Ngoài ra do phục vụ pizza chứ không phải đồ ăn Việt Nam nên Pizza 4P’s luôn là lựa chọn hàng đầu của những du khách lần đầu tới Việt Nam.
PV: Chiến lược marketing của Pizza 4P’s tại Việt Nam là như thế nào?
Yosuke: Không ai trong nhóm lãnh đạo nòng cốt của Pizza 4P’s chuyên về tiếp thị, marketing. Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy rằng truyền thông xã hội có một sức ảnh hưởng vô cùng lớn.
Khi mở cửa hàng ở chợ Bến Thành, tháng đầu tiên có tới 90% là khách Việt Nam. Chúng tôi không dành bất kỳ một ngân sách nào cho việc marketing mở cửa hàng này cả. Đây là cách để kiểm tra xem lượng khách hàng tự nhiên chúng tôi có thể thu hút được là bao nhiêu. Truyền miệng thông qua mạng xã hội giúp đẩy lượng khách hàng là người dân địa phương tới nhà hàng rất tốt.
Kỷ niệm thú vị nhất của chúng tôi về marketing tại Việt Nam là khi mở một nhà hàng tại Hà Nội. Chúng tôi chỉ vừa mới mở và không hề có bất kỳ quảng cáo nào. Tuy nhiên trong ngày đầu tiên chúng tôi hân hạnh được đón anh Nam Đỗ – một doanh nhân nổi tiếng tại Việt Nam tới dùng bữa trưa. Sau đó anh đã chia sẻ việc này lên Facebook cá nhân và nhận được hơn 1.000 likes và 168 lượt share.
Nhờ vậy, 24 giờ tiếp theo chúng tôi nhận được vô số cuộc gọi. Kết quả là sau ngày đầu tiên, cửa hàng đã nhận được đủ lượng đặt bàn trong 3 tuần tiếp theo.
Trí thức trẻ/CafeBiz
Contact us and we would love to answer any questions you may have.
Message Submitted!