PNJ đã được xếp vào Top 10 công ty sản xuất và kinh doanh kim hoàn lớn ở khu vực châu Á. Bà Cao Thị Ngọc Dung vừa được trao Huân chương Lao động hạng nhất trong dịp lễ quốc khánh 2/9 vừa qua.
Những thành quả đó có dấu ấn sâu đậm của nữ TGĐ tự nhận mình có tính cách mạnh mẽ như đàn ông, nhưng rất duyên dáng, và tươi trẻ hơn tuổi thật của bà.
* Theo bà, sự thành đạt của một nữ doanh nhân không thể thiếu những yếu tố nào?
- Muốn thành đạt, người ta phải có mục tiêu, lý tưởng, và dốc sức để đạt được điều đó. Tinh thần ham học hỏi giúp doanh nhân không ngừng nỗ lực hoàn thiện bản thân. Học có thể bằng nhiều cách, ngoài chuyện học thuật, bạn có thể học từ thực tế công việc, từ các đồng sự, nhân viên của mình. Tôi hay nhắc nhân viên rằng còn ngồi làm việc thì càng phải học. Đôi khi, bạn có thể tìm thấy bài học hữu ích từ những bài trên báo hàng ngày. Ngoài ra, với nữ doanh nhân, yếu tố gia đình cũng mang tính quyết định, vì thành công của người phụ nữ trong sự nghiệp sẽ là vô nghĩa nếu không có một mái ấm chờ đợi mình sau những giờ làm việc.
* Sau thành công của một người đàn ông thường có bóng dáng của một người đàn bà. Thế còn sau thành công của bà thì sao?
- Ngoài nỗ lực của bản thân, tôi thấy mình may mắn khi sinh ra trong một gia đình không phải lo toan những chuyện cơm áo gạo tiền. Trong khi những người đồng trang lứa phải bươn chải, vật lộn với cuộc sống thường nhật, tôi có thể toàn tâm toàn ý dồn sức cho doanh nghiệp của mình phát triển. May mắn nữa là tôi được chồng (ông Trần Phương Bình – Tổng giám đốc DongA Bank) trợ giúp. Chồng tôi vừa là người bạn học, bạn đời, vừa là người đóng vai trò quan trọng vào thành công của PNJ từ những ngày đầu thành lập đến nay. Ông ấy giúp tôi kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp lớn mạnh.
* Vậy là bà đã tìm được động lực từ chính ông xã?
- Đã có lúc tôi nghĩ, nếu không có ông xã giúp, chắc tôi không được như ngày hôm nay. Ông ấy giúp tôi thêm tự tin, thực hiện những mục tiêu đề ra trong công việc. Tôi nhận được sự cộng hưởng từ chồng trong việc phát triển doanh nghiệp. Tính tôi vốn thận trọng, mà làm ăn mà thận trọng quá thì cũng khó có được sức bật đáng kể. Tính chồng tôi thì táo bạo hơn, nhờ ông ấy mà tôi có những biện pháp can thiệp cần thiết trong kinh doanh. Có thể nói, chồng tôi hy sinh cho tôi nhiều, giúp tôi xây dựng doanh nghiệp như một cách vinh danh tôi. Ngày nay, nếu tôi có nhận được giải thưởng này, huy chương kia cũng là nhờ sự trợ giúp từ ông ấy.
* Thường thì người ta thấy nữ doanh nhân thành đạt thường phải đánh đổi cuộc sống hạnh phúc riêng tư. Trường hợp của bà lại khá viên mãn trong công việc và gia đình. Có phải bà luôn nhường chồng tiếng nói quyết định trong nhà?
- Trước đây, vì là bạn học ngang tài ngang sức, cũng có lúc hai vợ chồng va chạm về ý thức hệ và tư tưởng. Sau này, tôi nhận ra là phụ nữ thì nên có tính nhường nhịn, tôn trọng chồng. Sự thực thì có lúc ngẫm nghĩ, tôi thấy mình dành quá nhiều thời gian cho sự nghiệp, ít dành thời gian ấp ủ các con khi chúng còn sống gần bên mình. Cũng may là các con rất hiểu chuyện, thông cảm với bố mẹ.
* Thử thách lớn nhất của nữ doanh nhân ở lứa tuổi của bà bây giờ là gì?
- Đó là chuyện cập nhật kiến thức mới. Trong cuộc cạnh tranh kinh tế toàn cầu, tri thức biến chuyển liên tục. Nhân viên của tôi cũng thuộc thế hệ mới, tri thức mới. Dù nhà quản lý có bề dày năng lực và kinh nghiệm, nhưng nếu tự cho rằng mình đã “sống lâu”, chủ quan thì sẽ dễ dàng bị tụt hậu. Bây giờ một sai sót nhỏ trong đường hướng kinh doanh sẽ dẫn đến chuyện lớn.
* Bà còn nhớ cú sốc của mình trong công việc ngày trước?
Năm 1989, giám đốc công ty Nông sản thực phẩm Phú Nhuận bị bắt vì lời tố cáo bâng quơ là tham nhũng, hối lộ . Tôi bị kéo dính vào chiếc bẫy quay cuồng của phe cánh trong nội bộ triệt hạ lẫn nhau. Không ngơ ngác nhìn với cặp mắt lý tưởng màu hồng, đối diện với những lần bị điều tra như tội phạm tôi là một con người bản lĩnh, tự tin – một niềm tin sắc đá vào chính mình. May mà sự việc được xem xét minh bạch. Người giám đốc cũ của tôi vô can. Lúc đó năm 1990, danh dự và uy tín của tôi được phục hồi. Kể ra cũng chua chát. Nhưng thôi, hãy chọn lấy hoa hồng và để nước mắt chảy vào trong. Tôi đã tự nhủ và hành động như thế.
* Triết lý kinh doanh của bà?
- Đặt lợi ích của khách hàng vào lợi ích doanh nghiệp – Đặt lợi ích doanh nghiệp vào lợi ích toàn xã hội. Tôi tin vào sự minh bạch. Dù rằng việc tuân thủ theo triết lý này chắc chắn không dễ. Nhưng PNJ luôn đề cao, uy tín, chất lượng và kích thước sáng tạo, tận dụng mọi nguồn lực để xây dựng nếp văn hóa mái nhà chung của PNJ trong đó mỗi cá nhân là một thành viên có đầyđủ trách nhiệm với công ty.
* Bà đã lèo lái con thuyền PNJ ra sao trong những năm qua và đã vượt qua những khó khăn như thế nào?
- Đến nay ngành kinh doanh và sản xuất kim hoàn vẫn chưa chính danh trong ngành công nghiệp Việt Nam, hiện đang được liệt kê vào nhóm ngành nghề khác. Do đó ngành kim hoàn Việt Nam hầu như chưa được khuyến khích phát triển, chưa có sự quan tâm hỗ trợ về chính sách.Từ thập niên 1990 PNJ đã xây dựng và phát triển theo hướng trở thành một công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh vàng trang sức. Công ty đã tạo mọi ưu thế để phát triển mảng sản xuất, cũng như mạng lưới kinh doanh trang sức dưới nhiều hình thức bán buôn, bán lẻ và xuất khẩu. Đã có giai đoạn, chúng tôi chấp nhận bù lỗ cho mảng sản xuất nữ trang để đầu tư công nghệ và mạng lưới. Thời điểm đó chúng tôi phải phát triển các mảng kinh doanh khác để nuôi sống ngành sản xuất nữ trang còn non yếu. Và ngày hôm nay PNJ được xếp vào Top 10 Công ty sản xuất và kinh doanh kim hoàn lớn ở khu vực Châu Á.
* Có bao giờ bà tự hỏi: nếu mình là… đàn ông, thì sao?
- Một số nam doanh nhân nói vui rằng tính tôi… mạnh mẽ còn hơn đàn ông. Theo tôi, không có ranh giới giữa đàn ông – đàn bà trong chuyện làm ăn, kinh doanh. Người ta thành công là nhờ tính cách bản thân, cũng như sự rèn luyện, và môi trường, nề nếp gia đình và bối cảnh xã hội.
* Bà có thấy các con gái của mình có những triển vọng thành doanh nhân giống mẹ?
- Ba con gái của tôi (từ 16 – 26 tuổi) đang du học tại Mỹ. Cả ba đứa đều có tinh thần tự lập, biết tự chăm sóc bản thân và không dựa dẫm vào bố mẹ. Nhìn các con từng bước trưởng thành, biết sống vì bạn bè, cộng đồng, tôi đã thấy vui. Các con tôi tuy sinh ra trong một gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, nhưng không vì thế mà chúng lên mặt, tự cho mình thuộc tầng lớp thượng lưu. Đặc biệt, các con tôi tuy học hành, đỗ đạt ở nước ngoài, nhưng chắc chắn sẽ về VN khởi nghiệp. Gia sản mà tôi để lại cho các con chính là giá trị sống, nhận thức, uy tín với người khác, chứ không phải là tài sản.
* Nhắc đến tài sản, xin hỏi bà một câu: bà quan niệm thế nào về đồng tiền?
- Tiền là phương tiện, chứ không phải là tất cả. Có nhiều tiền hay ít tiền không phải là vấn đề, điều quan trọng là mình sống thế nào, đã nỗ lực hết mình hay chưa.
* Bận rộn với việc kinh doanh quanh năm suốt tháng, bà có thời giờ dành cho chuyện tiêu khiển?
- Tôi không có thú đi shopping, ra ngoài bù khú. Tôi thích đi du lịch, nhưng cũng vì bận rộn công việc quanh năm suốt tháng mà ít có thời giờ ngao du đó đây. Cuộc sống mỗi ngày của tôi nếu nhìn vào thì có vẻ đơn điệu lắm. Rời văn phòng, tôi về nhà, nấu món ngon cho chồng, nếu rảnh hơn thì đi đánh cầu lông. Tôi cũng thích tự tay bài trí nhà cửa và tự tin mình có gu thẩm mỹ tinh tế.
* Quan niệm sống của bà bây giờ có khác nhiều so với 5, 10 năm trước? Bây giờ bà nhìn đời thế nào?
- Khác nhiều, tuổi càng lớn, càng va chạm, gặp nhiều biến cố, tính con người ta càng trầm hơn. Ngày trước tính tôi nóng nảy, cũng sân si như người ta thường tình. Nhưng khi đứng giữa ranh giới sống – chết cách đây 10 năm vì căn bệnh ung thư, tôi đã thay đổi nhân sinh quan rõ rệt, từ đó biết chấp nhận cuộc sống. Hiện tại, đã vượt qua căn bệnh khắc nghiệt đó, tôi không coi cuộc đời có điều gì là vĩnh viễn, quá quan trọng. Tuy không theo thuyết nhà Phật hay thiền phái, nhưng tôi nhìn mọi vật vô vi, hư không. Nhiều người hỏi sao trong thời buổi khủng hoảng, tôi vẫn tự tại. Bởi tôi biết mọi việc có thể đến, rồi đi. Tôi đón nhận tin vui, buồn ở trạng thái như nhau. Thậm chí, nếu ngày mai, cái chết đến hay một điều khủng khiếp nào khác xảy ra, tôi cũng bình thường. Bây giờ, tôi sống cho từng ngày, sống nhẹ nhàng.
* Có phải nhờ vậy mà trông bà lúc nào cũng tươi trẻ?
- Bạn bè cũng khen là tôi nhìn trẻ hơn tuổi thật. Tôi đã nhận ra mình thay đổi theo hướng tích cực, trước hết là tốt cho bản thân mình. Vì nếu bực bội, tức giận ai đó, trước hết là tôi làm cho mình mệt, khổ thêm. Trong công việc, tôi không áp đặt, cũng không đòi hỏi ai phải quá tốt với tôi. Tôi chỉ đòi hỏi ở chính bản thân mình, nhưng cách thực hiện cũng nhẹ nhàng.
* Là dân kinh doanh, bà có tin vào phong thủy, tâm linh không?
- Tôi không mê tín dị đoan, nhưng sống đến tuổi này, tôi nhận ra có những cái mình nên tin và những điều mình chiêm nghiệm thấy đúng. Tôi tin vào phong thủy dựa trên những căn cứ khoa học về từ trường, động lực, sinh khí và cung mệnh. Những yếu tố giúp mình làm việc hiệu quả và sống thư thái hơn thì tại sao lại không tin?
* Khi tiếp xúc với giới trẻ, bà thường nói gì với họ?
- Để trở thành một người tài năng, phục vụ lợi ích cho quốc gia mình thì phải kiên trì, nỗ lực. Tại sao có những người không phải giỏi nhất nhưng lại tỏa sáng và có đóng góp cho đất nước? Ai đó may mắn gặp lãnh đạo biết sử dụng nhân tài? Trước khi gặp lãnh đạo tốt thì bản thân mỗi người phải xây dựng được mục tiêu phấn đấu, phải làm gì để mình đứng ở đây và có thể cống hiến cho xã hội. Nhiều người không có mục tiêu phấn đấu thì trở nên lãng phí năng lực và không thể tỏa sáng được.
Thompson Bùi
(Theo tạp chí Thế Giới Đàn Ông – ĐÔ)