Câu chuyện thành công của giám đốc công nghệ gốc Việt tại Uber

Thuan Pham đến Mỹ những ngày còn bé, vượt qua nhiều khó khăn buổi đầu để được ghi danh Viện Công nghệ Massachusetts (MIT),công tác ở hãng HP và cuối cùng trở thành giám đốc công nghệ cho Uber.

http://ceoclubvietnam.com/content/uploads/2016/08/thuanpham.jpg

Giám đốc công nghệ Uber Thuan Pham. THUAN PHAM

Khi mới 12 tuổi, ông Thuan Pham đã nhiều lần đối mặt với cái chết. Rời Việt Nam cùng mẹ và em trai vào năm 1979, ông đi qua cơn bão lớn, chạm mặt với cướp biển. Đến Indonesia, ông ở tại trại tị nạn thiếu chỗ ở và điều kiện vệ sinh kém trong nhiều tuần.

Đích đến cuối cùng của Thuan Pham là ngoại ô bang Maryland (Mỹ). Ông chăm chỉ học ở trường, yêu thích máy tính và được nhận vào Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Tại đây, ông theo đuổi ngành công nghệ thông tin.

Hậu tốt nghiệp, Pham đến Thung lũng Silicon và trở thành nhân vật trọng yếu trong quá trình chuyển đổi ngành công nghiệp công nghệ.

Năm 2013, ông được tuyển vào làm giám đốc công nghệ của hãng phát triển ứng dụng gọi taxi Uber. Từ lúc đó, người đàn ông hiện cận tuổi ngũ tuần xây dựng nhóm kỹ thuật của Uber, từ chỗ vỏn vẹn 40 người lên hơn 2.000 thành viên. Công nghệ của Uber đi từ khả năng xử lý 30.000 chuyến lên 1 triệu chuyến mỗi ngày.

Mới đây, Thuan Pham được ghi tên vào danh sách 40 Người nhập cư giỏi nhất năm 2016 của hãng Carnegie Corporation. Dưới đây là câu chuyện về thành công Mỹ của ông, qua buổi phỏng vấn với hãng tin CNN.

Câu chuyện thành công của giám đốc công nghệ gốc Việt tại Uber - ảnh 1

Thuan Pham và em trai tên Phong hồi còn bé ở Việt Nam. THUAN PHAM

Cuộc sống buổi đầu trên đất Mỹ của ông ra sao?

- Chúng tôi đến Rockville, bang Maryland. Mẹ tôi làm việc tại một trạm xăng và một cửa hàng tạp hóa. Bà là kế toán người Việt, nhưng vì tiếng Anh chưa tốt nên không có giấy chứng nhận Mỹ.

Hồi đó một căn hộ hai phòng ngủ có giá 370 USD/tháng. Chúng tôi phải cùng chia nhà với một gia đình khác. Có tất cả bảy người trong căn hộ của chúng tôi. Mùa đông ở Maryland khá lạnh, nhưng bên trong chỗ chúng tôi y như phòng tắm hơi. Thật sự theo nghĩa đen, hơi nước ngưng tụ và nhỏ giọt từ cửa và cửa sổ bằng kính. Buổi tối căn hộ đầy gián. Chúng tôi sống như thế trong nhiều năm.

Tôi cố gắng làm việc thật chăm chỉ tại Trường trung học Richard Montgomery và công sức đã được đền đáp. Tôi tốt nghiệp năm 1986, được nhận vào MIT.

Đó là khi cuộc sống bắt đầu trở nên tốt hơn.

Ông đến với máy tính như thế nào?

- Cha của người bạn thân nhất  tại trường trung học của tôi từng mua máy tính IBM và tôi ở nhà bạn chơi sau giờ tan học. Chúng tôi dựng một chương trình máy tính và đã nghĩ: “Nhìn này! Đây là điều chúng ta muốn làm”. Rất vui.

Một trong những người ở nhà thờ khi đó là giám đốc Cục Tiêu chuẩn Quốc gia. Ông nhận tôi làm tình nguyện viên học sinh. Năm lớp 10, tôi viết chương trình khá tiên tiến giúp họ tự động hóa quy trình kế toán. Chương trình giúp gói gọn công việc của từ hai đến ba nhân viên kế toán trong một nút bấm.

Khi sắp đến học ở MIT, họ cho tôi tấm séc thưởng 1.800 USD để có thể mua chiếc máy tính IBM phục vụ cho việc học.

Câu chuyện thành công của giám đốc công nghệ gốc Việt tại Uber - ảnh 2
Giám đốc công nghệ của Uber cùng mẹ ông trong ngày tốt nghiệp MIT năm 1991. THUAN PHAM

Đâu là bước đột phá lớn nhất của ông?

- Sau khi tốt nghiệp MIT, tôi có công việc trong phòng nghiên cứu của hãng HP. Sau ba năm làm ở HP, tôi đâm chán nên đã tham gia công ty gọi là Silicon Graphics (SGI), hãng công nghệ thực sự nóng hồi đầu thập niên 1990 do Jim Clark sáng lập. Ông ấy sau này thành lập Netscape và những gì chúng ta biết là internet ngày hôm nay.

Đó là bước tiến quan trọng, nhưng tôi đã làm mẹ mình buồn. Bà ấy nghĩ rằng tôi liều lĩnh. Theo ý của bà, tôi nên ở lại để xây dựng sự nghiệp tại một doanh nghiệp ổn định như HP trong 30 năm, rồi nghỉ hưu nhàn nhã.

Người bạn của tôi từng lập NetGravity, hãng sau này sáp nhập với DoubleClick, và tôi gia nhập công ty với tư cách kỹ sư. Tôi không kể cho mẹ chuyện này cho đến khi công ty lên sàn và tôi có đủ tiền mua nhà.

Nhiều người có thể có kỹ năng, nhưng cuối cùng tất cả chúng ta đều phải tạo ra cơ hội để thực hiện và chứng minh những gì mình có thể làm. Uber là bước ngoặc lớn nhất của tôi. Tôi biết Uber là loại doanh nghiệp có thể tạo nên sự thay đổi thật sự trên thế giới.

Ông định nghĩa thành công là gì, và làm cách nào ông cho rằng mình đã có nó?

- Thước đo thành công của tôi, về cốt lõi, đó là “Liệu tôi đã sống một cuộc đời ý nghĩa chưa?”. Với thước đo trên thì tôi nghĩ phần nào mình đã thành công.

Một loại thành công khác là “Bạn đã làm mọi thứ bạn có thể với thời gian bạn sống trên đời này hay chưa?”. Với loại thành công này, tôi để câu trả lời lại cho người khác đánh giá.

Ông làm gì mỗi ngày để giúp mình tiến tới các mục tiêu?

- Tôi suy nghĩ. Tôi nghĩ về những gì xảy ra ngày hôm đó và tự hỏi: “Đó có phải là điều tốt nhất tôi có thể làm hay không?”.

Gần như luôn luôn, câu trả lời là: “Tôi đã có thể làm nó tốt hơn”.

Theo Báo Thanh Niên

Contact CEO Club

Contact us and we would love to to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928