Đại diện các Hiệp hội, Câu lạc bộ tham gia thảo luận
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho các doanh nghiệp, Câu lạc bộ CEO và Hội Doanh nhân trẻ Tp.HCM phối hợp cùng Báo Tuổi Trẻ, tổ chức buổi hội nghị vào chiều ngày 11/4/2012 tại KS Palace (Q1, TP.HCM) gồm đại diện Báo Tuổi Trẻ, Câu lạc bộ CEO, Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ, Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, CLB Doanh nhân Sài Gòn, cùng đại diện các DN hoạt động ở lĩnh vực bất động sản, tài chính, bán lẻ, vật liệu xây dựng…
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các hội ngành nghề xoay quanh 12 vấn đề, cụ thể là hoãn nợ, giãn nợ vay ngân hàng; lập quỹ mua bán nợ mua lại những khoản nợ xấu của DN từ 2-3 năm; nới lỏng tín dụng, tăng cho vay sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; tiếp tục thực hiện nhanh chóng việc điều chỉnh lãi suất xuống còn 10%/năm vào cuối năm; hạn chế thu, tăng các loại chi phí làm tăng giá đầu vào như các loại phí lưu thông, cầu đường, xăng dầu, điện…; giãn, hoãn thời gian nộp thuế GTGT, TNDN, đồng thời giảm thuế TNDN một số mặt hàng và dịch vụ để kích thích tiêu dùng, tăng thời gian ân hạn nộp thuế xuất nhập khẩu; chính sách quản lý ổn định giá cả thị trường; mạnh tay với hàng giả và hàng không rõ xuất xứ…
Ông Võ Quốc Thắng Phó Chủ tịch Hiệp Hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng xem xét giãn nợ cho doanh nghiệp chưa thật sự mang lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp. Vì bản chất của việc "xem xét" là ngân hàng hoàn toàn chủ động, có đồng ý hay không là do ngân hàng. Do đó, ông Thắng kiến nghị: "NHNN cho doanh nghiệp quyền được chủ động đề nghị với ngân hàng được giãn nợ từ 2-3 năm đối với các khoản vay trung và dài hạn". Còn ở khía cạnh thuế, thực tế nếu giảm, giãn thuế TNDN chẳng khác nào Nhà nước đang giúp người giàu, bởi doanh nghiệp đã làm ăn lỗ thì đừng bàn đến chuyện đóng thuế TNDN.
Đồng tình với ý kiến trên Ông Nguyễn Phương Nam Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ tp.HCM cũng có ý kiến nên giảm thuế VAT và thuế TNDN cũng như xem xét nên giãn thời gian thu thuế từ 6 tháng – 1 năm.
Cũng đồng quan điểm với ông Thắng và ông Nam, ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP.HCM cũng cho biết, từ quý IV/2011 đến nay, tốc độ phát triển của DN rất yếu. Điều này cho thấy hoạt động của DN đang bị giảm sút nghiêm trọng. Có thể nói, do trước đây, việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP quá chặt chẽ nên khi nới lỏng trở lại DN đã bị “choáng” và đụng phải trục trặc như hiện nay, dẫn đến nhiều khó khăn. Theo ông Mười, nếu thu nhập của người dân không ổn định, tức cầu sẽ hạn chế, điều này dẫn đến sản xuất của DN không phát triển được. Song song đó, việc siết chặt chính sách tiền tệ một cách đột ngột đã làm mất đi những kỳ vọng giải quyết nguồn vốn cho DN. Chính vì vậy, Nhà nước nên có một khung lãi suất nhất định dành cho ngành hàng cụ thể; đồng thời áp trần lãi vay từ 15% – 16%, cộng biên độ dao động cụ thể để khơi thông hoạt động của DN và kéo theo hệ quả tốt về an sinh xã hội.
Tiếp nối ý kiến trên Ông Johan Nyvene Phó Chủ tịch của Câu lạc bộ CEO cho rằng vấn đề giảm lãi suất là điều nên làm nhưng phải trong biên độ cho phép để tránh tình trạng lạm phát trở lại vì nguồn cung tiền hiện nay cũng đang còn nhiều. Ông Johan cũng nhấn mạnh cần phải xem xét kỹ việc đầu tư không hiêụ quả của các tập đoàn nhà nước làm tổn thất nguồn tiền của nhà nước gây mất lòng tin trong dân.
Bà Đặng Minh Phương – Chủ tịch CLB CEO phát biểu ý kiến tại buổi họp
Tiếp nối các ý kiến trên, Bà Đặng Thị Minh Phương Chủ tịch Câu lạc bộ CEO cũng có ý kiến Nhà nước nên tập trung phát triển an sinh xã hội cũng như có các chính sách để kích thích tiêu dùng, cổ vũ lòng tin trong dân. Mặt khác với tình hình hiện nay, Nhà nước nên hạn chế thu, tăng các loại chi phí làm tăng giá đầu vào như: các loại phí lưu thông, cầu đường, xăng dầu, điện…vì việc này chỉ làm tăng giá thành sản phẩm và người tiêu dùng là người sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Cũng đồng tình với ý kiến bà Minh Phương, Ông Đỗ Long Phó Chủ tịch Hiệp Hội Phát Triền Hàng Tiêu Dùng Việt Nam cũng cho rằng nên có chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và có thêm nhiều chính sách kích thích tiêu dùng trong dân. Đồng thời kiến nghị nhà nước xem xét bỏ chỉ tiêu tăng trưởng mà nên tháo khoán cho doanh nghiệp.
Ông Phạm Quốc Hưng Phó Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp Tp.HCM và Ông Đặng Quốc Hùng Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM cùng cho rằng nên có thêm nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là vấn đề tỷ giá vì tới tình hình tỷ giá ngày một giảm như hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu đang bị lỗ nặng nhưng vẫn phải cố gắng để duy trì sản xuất.
Tất cả những ý kiến của đại diện các Hiệp hội, Câu lạc bộ sẽ được Câu lạc bô CEO tổng hợp thành một bản kiến nghị gửi lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Chính phủ.
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!