“Rút quân” dần khỏi năm thị trường quốc tế lớn, trong đó có Nga, châu Âu và Ấn Độ, nhà sản xuất ô tô Mỹ GM dưới thời của Giám đốc điều hành (CEO) Mary Barra đang đi theo chiến lược “phòng thủ lợi nhuận”.
Bà Mary Barra, Giám đốc điều hành GM
Mùa hè năm ngoái, bà Barra đã tới thăm chi nhánh của GM tại Ấn Độ, mang theo một thông điệp mà các lãnh đạo GM tại đây không muốn nghe. Bà nói với Phó Chủ tịch Stefan Jacoby, người phụ trách mảng kinh doanh quốc tế của GM rằng kế hoạch đầu tư trị giá 1 tỷ USD ở Ấn Độ có thể là một đặt cược đầy rủi ro. Ngay cả khi họ có thể kiếm ra tiền, thì biên lợi nhuận trên những chiếc ô tô nhỏ được bán ở đây cũng có thể kéo thu nhập của GM xuống trong nhiều năm.
Sau đó, với kế hoạch rút hoàn toàn khỏi thị trường châu Âu, bà Barra còn muốn bán thương hiệu Opel cho PSA, tập đoàn đang sở hữu Peugeot, Citroën. Đối với Barra, các quyết định này dựa trên câu hỏi quan trọng: Nếu rút đầu tư khỏi Ấn Độ để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận, thì tại sao không rút cả ở châu Âu, khi mà Opel đã khiến cho GM mất khoảng 1 tỷ USD kể từ năm 1999?
Đến tháng 4 năm nay, Barra đã chính thức ký hợp đồng bán Opel cho PSA. Bà cũng quyết định không chỉ hủy bỏ kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD ở Ấn Độ, mà còn ngừng bán hoàn toàn dòng xe Chevrolet trên thị trường này.
Sử dụng logic tương tự, hãng xe Mỹ cũng đã quyết định rút khỏi thị trường Nam Phi. Kể từ khi GM rút khỏi Nga vào năm 2015, Barra đã bán hoặc đóng cửa tổng cộng 13 nhà máy, rút khỏi 5 thị trường. Điều đáng lưu ý là, 5 thị trường này đã tiêu thụ khoảng 26 triệu chiếc xe của GM kể từ khi Mary Barra trở thành CEO của hãng vào năm 2014.
Chúng tôi không giành chiến thắng bằng cách trở thành tất cả mọi thứ, cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi. Đó không phải là chiến lược đúng đắn
Barra nói rằng, bà không quan tâm đến việc duy trì hoạt động của GM trong bất cứ thị trường nào không sinh ra lợi nhuận, hoặc không gần với mức sinh lợi mà GM mong muốn. Nhà sản xuất ô tô Mỹ đang nhắm tới mục tiêu đạt biên lợi nhuận từ 9 – 10% trên toàn Tập đoàn trong vòng 10 năm tới, so với mức 7,5% của năm ngoái. Hoạt động kinh doanh ở Bắc Mỹ của GM mới đây đã vượt qua mục tiêu đó, với hơn 12% trong quý I năm 2017. Tuy nhiên, mảng quốc tế của GM trong năm ngoái, trừ Trung Quốc và châu Âu, đã mất khoảng 800 triệu USD.
Từ năm 2011, GM đã cài đặt một hệ thống để theo dõi lợi nhuận của mọi dòng xe của Tập đoàn tại tất cả các thị trường. Tại Ấn Độ, năm 2016, GM đã bán được gần 3 triệu xe, nhưng chỉ chiếm 1% thị phần và lợi nhuận rất thấp. Trong khi đó, GM đang đặt mục tiêu chiếm vị trí top đầu ở mỗi thị trường mà mình hoạt động. Mục tiêu này cũng được đặt ra cả ở những thị trường mới nổi. Mặc dù các bậc thầy quản lý vẫn luôn nói về tầm quan trọng của việc duy trì hoạt động các nước BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc), nữ CEO của GM lại không đồng tình với quan điểm rằng việc bán sản phẩm tại tất cả các thị trường mới nổi là một điều kiện tiên quyết cho sự thành công.
“Chúng tôi không giành chiến thắng bằng cách trở thành tất cả mọi thứ, cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi. Đó không phải là chiến lược đúng đắn”, Mary Barra nói.
Chiến lược “phòng thủ lợi nhuận” của GM đã mang lại dấu hiệu tài chính tích cực. Nhà sản xuất ô tô 109 năm tuổi này đã thu được hơn 12 tỷ USD lợi nhuận trước thuế ở Bắc Mỹ vào năm ngoái, so với 9 tỷ USD của đối thủ Ford. GM cũng thu lợi từ Trung Quốc gấp đôi Ford. Và trong khi Toyota dự kiến lợi nhuận có thể giảm trong năm tài chính thứ hai liên tiếp thì GM dự đoán mình có thể gia tăng lợi nhuận thêm 5% so với năm ngoái, tạo nên kỷ lục mới.
Bên cạnh đó, GM cũng đặt mục tiêu cắt giảm chi tiêu năm 2018 lên 6,5 tỷ USD và rút khỏi các mảng kinh doanh khác mang lại lợi nhuận thấp. Thay vào đó, Barra muốn đầu tư vào các mẫu xe mang lại lợi nhuận cao như Cadillac. Mảng xe hơi sang trọng này tuy chỉ chiếm 10% doanh số bán hàng toàn cầu, nhưng lại đóng góp tới 1/3 lợi nhuận cho ngành công nghiệp ô tô.
Barra dự đoán rằng, trong tương lai, ngành công nghiệp ô tô sẽ chuyển hướng, tìm thấy lợi nhuận trong mảng xe điện và xe tự lái. Tất nhiên, để trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực này, đòi hỏi sự đầu tư rất lớn. Với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất ô tô truyền thống, cùng với các đối thủ tiềm năng như Tesla, Waymo của Google, thậm chí cả Apple, bà Barra nhận định rằng, việc mất tiền theo đuổi các thị trường ở nước ngoài sẽ không phải là một hướng đi có lợi cho GM.
Mai Thảo (ĐTCK)
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!