CEO kiếm một năm bằng nhân viên làm 100 năm

Chênh lệch thu nhập giữa CEO và nhân viên ở mức lý tưởng là 25 lần nhưng ở nhiều công ty đại chúng, tỷ lệ này lên tới hàng nghìn lần.

Một báo cáo từ Viện nghiên cứu chính sách (IPS) cho biết mức độ bất bình đẳng giữa các CEO và người lao động tại Mỹ đang ở mức cao kỷ lục. Gần 80% các công ty trong nhóm S&P 500 trả cho CEO nhiều hơn 100 lần so với lương trung bình của một công nhân. Trong khi đó, gần 10% các công ty trả lương trung bình còn thấp hơn “chuẩn nghèo” tại Mỹ, khoảng 27.000 USD.

Xét trong 50 công ty đại chúng có sự chênh lệch thu nhập cao nhất năm 2018, một công nhân trung bình phải làm việc ít nhất 1.000 năm để kiếm được những gì mà CEO của họ làm trong một năm. IPS tiết lộ, trong số các công ty này, 88% lao động là bán thời gian và 31% làm việc tại các quốc gia có thu nhập thấp như Trung Quốc và Mexico.

Trong số 50 công ty có tỷ lệ chênh lệch thu nhập giữa CEO và người lao động lớn nhất, 24 công ty thuộc nhóm “bluechip” trên thị trường, với hoạt động kinh doanh trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Ba trong số các công ty có khoảng cách lớn nhất hoạt động trong ngành công nghiệp ôtô, năm công ty về phần cứng công nghệ, năm công ty kinh doanh chuỗi đồ ăn nhanh và 14 công ty bán lẻ.

Theo số liệu của IPS, nhà bán lẻ khổng lồ Walmart có mức chênh lệch thu nhập giữa CEO và người lao động lên tới 1.076 lần. CEO của Walmart – Doug McMillon kiếm hơn 23,6 triệu USD trong năm 2018, trong khi mức lương trung bình cho một nhân viên của Walmart chưa tới 22.000 USD.

Tuy nhiên, tỷ lệ chênh lệch cao nhất thuộc về gã khổng lồ bán lẻ Gap. Giám đốc điều hành của Gap, Art Peck, kiếm được gần 20,8 triệu USD, gấp 3.566 lần so với thu nhập trung bình một người lao động là 5.831 USD, một phần do công ty này sử dụng lượng lớn nhân viên thời vụ.

Peter Drucker, thường được coi là cha đẻ của khoa học quản lý hiện đại, tin rằng tỷ lệ chênh lệch giữa thu nhập của người đứng đầu công ty và nhân viên hợp lý chỉ khoảng 25 lần.

Khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa CEO và người lao động chỉ là một trong nhiều cách để đo lường sự bất bình đẳng tại Mỹ.

Cục điều tra dân số Mỹ hiện sử dụng chỉ số Gini để đo lường sự bất bình đẳng về thu nhập. Chỉ số này nằm trong khoảng từ 0 đến 1, với mức 1 là bất bình đẳng cao nhất (một gia đình có tất cả còn một gia đình thì không có gì). Theo một báo cáo ngày 26/9 của cơ quan này, chỉ số Gini trên toàn nước Mỹ đã tăng từ 0,482 năm 2017 lên 0,485 vào năm 2018.

Minh Sơn (VnExpress)

 

Contact CEO Club

Footer Subheading

Contact Information
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928