Việc các nhân sự cấp cao từ những công ty FMCG trở thành giám đốc điều hành cho các công ty về hàng xa xỉ không phải là điều lạ. Nhưng tin tức này vẫn khiến nhiều người trong ngành bị sốc, vì CEO mới của Chanel được cho là không có kiến thức về thời trang…
Sau hơn 5 năm không có CEO toàn cầu, mới đây, Chanel thông báo bổ nhiệm Leena Nair (người Ấn Độ), cựu Giám đốc điều hành nhân sự tại Unilever vào vị trí CEO toàn cầu. Từ năm 2007 đến năm 2016, vị trí này thuộc về Maureen Chiquet. Sau khi Maureen rời nhà mốt nước Pháp vào năm 2016, chiếc ghế quyền lực này bị bỏ trống đến tận bây giờ.
Sự thay đổi này được đưa ra vào thời điểm ngành hàng thời trang đang chứng kiến những sự chuyển dịch hậu đại dịch. Chanel cho biết, việc bổ nhiệm bà Leena “sẽ giúp đảm bảo sự thành công lâu dài của Chanel với tư cách một công ty tư nhân”.
“Chanel đang nắm bắt đúng xu hướng khi thu hút các nhân tài trong ngành FMCG để trở thành giám đốc điều hành cho các công ty chuyên về hàng xa xỉ,” chuyên gia phân tích Luca Solca, hiện đang làm việc tại Bernstein cho biết. “Unilever và P&G được ví như một nơi chuyên đào tào ra các nhà quản lý cấp cao tiềm năng. Có thể lấy Antonio Belloni ở tập đoàn LVMH hay Fabrizio Freda của tập đoàn Estée Lauder làm ví dụ”.
Bà Leena Nair từng là Giám đốc điều hành nhân sự tại Unilever.
Về phần bà Nair, bà từng nhận bằng MBA của Đại học XLRI Jamshedpur (Ấn Độ) và đã có 30 năm làm việc tại Unilever. Bà bắt đầu công việc với vị trí thực tập sinh tại Unilever vào năm 1992. Năm 2013, Leena Nair chuyển tới làm việc tại trụ sở chính của Unilever tại London với vị trí phó chủ tịch chịu trách nhiệm phát triển tổ chức toàn cầu.
Vào năm 2016, ở tuổi 47, bà trở thành người “phụ nữ đầu tiên và người châu Á đầu tiên, cũng là người trẻ nhất” đảm nhiệm vị trí giám đốc nhân sự của Unilever (CHRO), vượt qua hơn 150.000 nhân sự khác. Bà cũng là người phụ nữ gốc Ấn thứ hai tiếp quản vị trí CEO của một công ty toàn cầu – trước đó là CEO của Pepsico, bà Indra Nooyi.
Trong thời gian bà Leena Nair làm việc, Unilever được khen ngợi nhờ bình đẳng giới trong bộ máy quản lý toàn cầu và trả người lao động mức lương đủ sống trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Bà Nair cũng là thành viên hội đồng quản trị không điều hành của British Telecom và trước đây đã từng là giám đốc không điều hành của bộ phận chiến lược kinh doanh, năng lượng và công nghiệp của chính phủ Anh.
Trong khi nhiều người vẫn còn hoài nghi về quyết định lần này của thương hiệu nước Pháp, Chanel đã dành những lời khen có cánh cho bà Nair và tin tưởng bà Nair sẽ trở thành một lãnh đạo có tầm nhìn, giúp Chanel ngày càng vững chắc, đưa thương hiệu đến nhiều cột mốc mới trong tương lai. Bà Nair sẽ chính thức gia nhập công ty vào cuối tháng 1, với địa điểm làm việc chính ở London và sẽ quản lý khoảng 27.000 nhân viên của Chanel trên toàn cầu.
Chanel dự đoán doanh thu năm nay sẽ tăng ở mức hai con số so với năm 2019.
Trong bài đăng trên LinkedIn của mình, bà Nair chia sẻ: “Tôi rất khiêm tốn và vinh dự được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành toàn cầu của Chanel, một công ty mang tính biểu tượng và được ngưỡng mộ. Tôi được truyền cảm hứng bởi những gì mà Chanel đại diện cho. Đó là một công ty tin tưởng vào tự do sáng tạo, vào việc nuôi dưỡng tiềm năng con người và hành động để có tác động tích cực trên thế giới”.
Chanel, một trong những thương hiệu lớn nhất trong ngành thời trang xa xỉ thế giới trị giá 280 tỷ euro (340 tỷ USD), và đối thủ Louis Vuitton, đã vượt qua đại dịch Covid-19 tốt hơn phần lớn các nhà bán lẻ khác. Hai hãng này đã tăng giá sản phẩm nhiều lần để nâng cao tỷ suất lợi nhuận.
Theo các chuyên gia phân tích, doanh thu của Chanel giảm 17,6% trong năm ngoái, nhưng tỷ suất lợi nhuận lõi lại ở mức khoảng 20%, giúp Chanel trở thành một trong những công ty sinh lời cao nhất trong lĩnh vực này. Hồi tháng 6/2021, Chanel dự đoán doanh thu năm nay sẽ tăng ở mức hai con số so với năm 2019, tức trước đại dịch.
Contact us and we would love to answer any questions you may have.
Message Submitted!