CEO Việt – Nhìn lại những bộ óc tỷ đô

Vươn ra tầm khu vực
 
Các CEO hàng đầu của các tập đoàn lớn được vinh danh tên tuổi trên thế giới như ông Trương Gia Bình (FPT), bà Mai Kiều Liên (Vinamilk), bà Phạm Thị Việt Nga (Dược Hậu Giang), ông Phạm Nhật Vượng (VinGroup) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Cà phê Trung Nguyên) đang thể hiện tầm ảnh hưởng rất lớn của mình đối với từng lĩnh vực mà họ tham gia hoạt động.
 
Đầu tháng 5/2013, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, đã là doanh nhân Việt Nam đầu tiên được tập đoàn truyền thông hàng đầu của Nhật Nikkei vinh danh và trao giải thưởng Regional Growth (Phát triển khu vực) vì những đóng góp nổi bật cho sự tăng trưởng của khu vực.
 
Đây là lần đầu tiên trong 18 năm qua, Nikkei lựa chọn một doanh nhân Việt Nam để trao tặng giải thưởng này. Thành tích của ông Bình không nhỏ: Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, ông đã khéo léo lèo lái FPT, giúp Tập đoàn đạt doanh thu 25.350 tỷ đồng, tương đương trên 1,2 tỷ USD trong năm 2012.
 
FPT hiện đã có mặt tại 14 quốc gia trên thế giới với 15.000 nhân viên. Không chỉ giúp công ty mình phát triển, ông còn đưa cả ngành công nghệ thông tin của Việt Nam tiến lên. Ông đã xây dựng Hiệp hội Công nghiệp Phần mềm Việt Nam (Vinasa) từ năm 2002, đồng thời thành lập Trường Đại học FPT với quyết tâm đào tạo các chuyên gia công nghệ có chất lượng cao.
 
Những đóng góp của ông đã làm thay đổi diện mạo của ngành công nghệ thông tin Việt Nam, ông luôn hướng Tập đoàn FPT theo những xu hướng công nghệ mới nhất trên thế giới như: Mobility, Cloud, Big Data… Từ đó, FPT triển khai các dịch vụ công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp Việt, góp phần hiệu quả trong quản lý cũng như kinh doanh của các doanh nghiệp này.
 
Ông Phạm Nhật Vượng, hiện là Chủ tịch Tập đoàn VinGroup, cũng đã được tạp chí uy tín hàng đầu Forbes vinh danh. Ông xếp thứ 974 trong danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới tháng 3/2013 theo công bố của Forbes, với tổng tài sản ròng 1,5 tỷ USD.
 
Tạp chí này cho rằng, đây là một thành tựu to lớn của Việt Nam sau 27 năm thực hiện chính sách mở cửa kinh tế, đánh dấu một bước phát triển mới của Việt Nam. Theo Forbes, ông Phạm Nhật Vượng là người Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách các tỷ phú thế giới của tạp chí này từ trước đến nay nhờ sở hữu 53% cổ phần của VinGroup.
 
Hiện tại, VinGroup nắm cổ phần kiểm soát 19 dự án khu nghỉ dưỡng và khu dịch vụ phức hợp ở Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên và Đà Nẵng. Tập đoàn này đã bán khoảng 7.000 – 8.000 căn hộ tính đến cuối 2010, đầu 2011.
 
Tầm ảnh hưởng lớn
 
Ngoài ông Bình và ông Vượng, bà Mai Kiều Liên, người được Tạp chí Quản trị Doanh nghiệp Châu Á vinh danh với danh hiệu "CEO xuất sắc của châu Á trong lĩnh vực quan hệ với nhà đầu tư", cũng xây dựng được tầm ảnh hưởng to lớn của mình. Trong đợt bình chọn lần thứ ba của tạp chí này, bà Mai Kiều Liên là CEO duy nhất và đầu tiên của Việt Nam nhận được giải thưởng này.
 
Bà Liên đã thành công trong việc giữ vững được sự tăng trưởng và phát triển của Vinamilk trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Năm 2012, Vinamilk đã đạt doanh thu hơn 27.300 tỷ đồng, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt gần 180 triệu USD. Năm 2012 cũng là năm sản lượng tiêu thụ của Vinamilk đạt được cao nhất từ trước tới nay, với trên 4 tỷ sản phẩm.
 
Theo đó, bà có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của ngành sữa Việt Nam, bà đã hiện đại hóa quy trình sản xuất sữa tiệt trùng, mang lại những sản phẩm tốt nhất cho người Việt.
 
Bà nhận định, doanh nhân Việt Nam sẽ hoàn toàn không thua kém các doanh nhân châu Á và trên thế giới nếu họ được Nhà nước quan tâm để có một môi trường kinh doanh bình đẳng và hành lang pháp lý rõ ràng.
 
Cũng trong năm 2013, cùng với bà Liên, Tạp chí Forbes còn trao tặng giải thưởng "Nữ doanh nhân có thành tích tốt nhất châu Á" cho bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Dược Hậu Giang. T
 
ạp chí này cũng khen ngợi kể từ khi gia nhập Dược Hậu Giang năm 1988, bà Nga đã biến một xí nghiệp bên bờ vực phá sản thành công ty dược lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Dược Hậu Giang hiện sản xuất và kinh doanh hơn 300 loại dược phẩm.
 
Năm 2012, công ty này đạt doanh thu 140 triệu USD, lợi nhuận ròng tăng 18%, lên 24 triệu USD. Bà được mệnh danh là người phụ nữ của thời đại mới, đưa Dược Hậu Giang trở thành thương hiệu dược số 1 Việt Nam và giành lại thị trường nội địa từ các hãng dược nước ngoài.
 
Không dừng lại ở đó, danh sách doanh nhân Việt được thế giới ghi nhận còn có ông Đặng Lê Nguyên Vũ, người đã đóng góp rất nhiều cho sự thành công của ngành cà phê Việt Nam. Ông cũng vinh dự được Forbes tôn vinh là "Ông vua cà phê Việt".
 
Ông là người tiên phong mang hương vị cà phê của Việt Nam ra thế giới, góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. Hiện Trung Nguyên có khoảng 3.000 nhân viên, doanh thu năm 2012 đạt 200 triệu USD, tăng 32% so với năm 2011.
 
Rõ ràng, những bộ óc "tỷ đô" của các doanh nhân Việt đã chứng minh được họ không hề thua kém các doanh nhân trên thế giới trong việc đóng góp mang tính thay đổi vận mệnh của nền kinh tế.
 
TUỆ QUÂN
 
Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928